24 thg 1, 2013

Một thoáng Lào Cai


Chị Thanh Tâm, Giám đốc công ty Linh Dương, trên đồi chè ở Bát Xát. Ảnh: Lê Hữu Huy.

Nếu so với cách đây hơn 10 năm thì trải nghiệm đi xe lửa của tôi trong chuyến công tác Việt Nam lần này không có gì khác biệt. Vẫn đó cái sân ga ồn ào với tiếng í ới chèo kéo mời gọi hành khách sử dụng các dịch vụ mà nhà ga không cung cấp.

Tinh thần cảnh giác được hun đúc từ những kinh nghiệm đau thương trong những chuyến đi “bụi” trước đây giúp tôi phát hiện một số đối tượng khả nghi muốn móc túi hay lấy trộm đồ của hành khách ngồi trong phòng chờ trước lúc lên tàu.

Vẫn đó những toa tàu nhỏ, cũ kỹ, con tàu chạy xình xịch mang tiếng là “express” nhưng tôi đoán vận tốc chỉ trên dưới 60 ki lô mét/giờ. Nhưng bù lại với nỗi thất vọng triền miên là việc tàu chạy đúng giờ: 10 giờ kém 15 tối, tàu bắt đầu khởi hành từ ga Hà Nội và chỉ cần ngả lưng chợp mắt qua đêm, 6 giờ sáng hôm sau tôi đã có mặt ở vùng miền núi Tây Bắc đầy mộng mơ.

Lần thứ hai đến Lào Cai, mở cửa sổ khách sạn nơi tôi ở là có thể nhìn sang lãnh thổ Trung Quốc ở phía bên kia sông. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả khi được biết thượng nguồn sông Hồng bắt đầu từ dòng sông này. Ngồi nhâm nhi cốc trà nóng trong quán cà phê cạnh khách sạn, tôi tò mò hỏi bác chủ quán tên Kiên về những chuyện đã diễn ra cách đây hơn 22 năm trong thời kỳ chiến tranh biên giới Việt - Trung và được nghe những câu chuyện đau lòng của dân Việt, có cả những kỷ niệm không quên của gia đình bác Kiên khi chiến sự xảy ra.

Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Bác Kiên sôi nổi chia sẻ về tiềm năng phát triển kinh tế và cơ hội giao thương với Hà Khẩu, một huyện tự trị thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở bên kia sông. Người Việt ở Lào Cai thường sang phía bên kia để mua sắm hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ, ngược lại người Trung Quốc đến Hà Khẩu có thể tranh thủ sang tham quan Lào Cai và từ đây, họ có thể đi du lịch khắp Việt Nam. Bác Kiên tự hào Lào Cai không chỉ có Sapa mà còn có cả vùng cao nguyên Bắc Hà với nhiều cảnh quan hoang sơ và sắc thái văn hóa đa dạng của miền Tây Bắc.

Không có đủ thời gian đi Sapa hay Bắc Hà nhưng với tôi, chỉ riêng con đường Thủy Hoa có khách sạn Quỳnh Mai tôi đang ở đây, nếu biết khai thác, chẳng mấy chốc sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và lý thú. Quán cà phê của bác Kiên khá đông đúc vào buổi chiều tối, khách có thể ngồi ngắm cảnh hoàng hôn trên lãnh thổ của cả hai nước. Nếu điều kiện an ninh quốc phòng cho phép, theo thiển ý của tôi, cái dòng sông này có thể được khai thác dịch vụ tham quan bằng thuyền cho du khách. Từ đây, với lý do xuất cảnh là “mua bán”, tôi chỉ mất không quá nửa giờ đồng hồ để đặt chân sang lãnh thổ Trung Quốc.

Ấn tượng Hà Khẩu

Nghiêm túc nhưng thân thiện, đó là cảm nhận của tôi trong lúc xếp hàng chờ đến lượt mình để xuất trình giấy thông hành cho công an cửa khẩu Trung Quốc. Nếu như trước đó phải mất “chút ít” thời gian giải thích lý do xuất cảnh cho công an cửa khẩu Lào Cai thì ở phía Trung Quốc tôi chỉ cần không quá 30 giây từ lúc trình giấy cho đến lúc đóng dấu.

Mặc dù không thể so sánh với Singapore về mức độ ngăn nắp và vệ sinh nhưng Hà Khẩu (diện tích 1.300 ki lô mét vuông, khoảng 100.000 dân) có thể tự hào với phố xá rộng lớn và lề đường rộng rãi dành cho người đi bộ. Hai loại tiền được sử dụng và “tự do chuyển đổi” ở đây là đồng Việt Nam và nhân dân tệ. Hầu hết các cửa hàng đều có quảng cáo, thông tin bằng chữ Hoa và chữ Việt. Các cô gái bán hàng người Trung Quốc và người Việt Nam đều có thể sử dụng thành thạo cả hai ngôn ngữ để chào mời khách hàng. Hàng hóa đa dạng, “thượng vàng hạ cám”, nhưng với du khách Việt Nam thì có ít nhất hai nơi cần dừng chân là khu chợ nhỏ có tên “Chợ Việt Nam Hà Khẩu” và “Siêu thị hàng Việt Nam” là nơi bày bán các sản phẩm cà phê Trung Nguyên.

Tôi chẳng có nhu cầu mua sắm gì ở đây nhưng quả thật Hà Khẩu là địa điểm lý tưởng cho những kẻ thích đi bát phố, ngắm nhìn phố phường, hay thưởng thức ẩm thực ngoài trời. Chính quyền Hà Khẩu rất thực dụng, nhắm một con mắt cho phép khu đèn đỏ phục vụ khách làng chơi sáng đêm. Linh, cô bạn người địa phương, kể tôi nghe về những mối tình và hôn nhân Việt - Trung mà nhiều đôi nam nữ đã đến với nhau thật sự từ đáy lòng mình chứ không hẳn là chuyện lăng nhăng hay gả bán. Tuy nhiên, cũng có một sự thật khác là có nhiều đàn ông Trung Quốc, vì sự mất cân bằng về giới tính ở đất nước họ, phải sang Việt Nam tìm vợ.

Bất ngờ Lào Cai

Nhưng ấn tượng về Hà Khẩu cũng nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho sự thích thú và bất ngờ về những tiềm năng dồi dào chưa khai thác hết của Lào Cai. Ngoài du lịch, Lào Cai còn là vùng có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây chè. Có khoảng 4.000 héc ta chè trồng tập trung ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát và thành phố Lào Cai. Thật ra, cây chè chỉ mới được trồng tập trung ở Lào Cai từ hơn 10 năm nay và trở thành thứ cây xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng heo hút.

Một năm cây chè cho thu hoạch trong chín tháng, giải quyết công ăn việc làm cho không ít hộ dân. Nhiều gia đình nhờ thu nhập từ chè đã có tiền mua sắm vật dụng đắt tiền. Xác định cây chè là một trong những mũi nhọn trong nhóm cây trồng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lãnh đạo tỉnh đã lập dự án phát triển thêm vùng trồng chè chất lượng cao khoảng 1.000 héc ta, đồng thời cải tiến quy trình chế biến, xây dựng các thương hiệu chè Lào Cai.

Ngồi trên ô tô, chúng tôi chậm rãi men theo con đường đèo nhỏ đi tham quan vùng trồng chè ở Bát Xát, vùng đồi núi cao trên 800 mét so với mặt nước biển. Ngồi dưới mái đình có kiến trúc giống như một ngôi chùa cổ, chị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Linh Dương, một doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè, đã chia sẻ ước mơ về một vùng nguyên liệu chè được tận dụng làm điểm tham quan phục vụ du khách muốn hưởng bầu không khí thiên nhiên trong lành, uống nước chè, ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp của đồi chè vùng miền núi Tây Bắc và cảm nhận những sắc thái văn hóa đa dạng của Lào Cai.

Trên chuyến bay về lại Singapore sáng hôm sau, tôi mở máy ảnh xem lại những tấm ảnh đã chụp trên vùng miền núi Tây Bắc. Giờ đây, Lào Cai với tôi không còn là kỷ niệm như lần trước ở Sapa vì tôi tin rằng mình sẽ có dịp quay lại đây nhiều lần nữa để tìm kiếm những cơ hội kinh doanh và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

Những người quen, đối tác hay khách hàng mà tôi đã gặp ở Lào Cai nay đã trở thành những người bạn chân tình. Chúng tôi không ngại ngần bày tỏ và chia sẻ với nhau giấc mơ của một đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn và doanh nghiệp Việt Nam có thể ngẩng cao đầu khi bước ra thương trường quốc tế. Không chỉ thế hệ chúng tôi, con gái chị Thanh Tâm hiện đang học tại Singapore, không lâu nữa sẽ tiếp nối sự nghiệp của mẹ vì cây chè Lào Cai và thương hiệu chè Tâm Trà của Linh Dương...

Lê Hữu Huy 
Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét