25 thg 1, 2013

Thăm tháp Hòa Phong

Nằm trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng phía mép hồ Hoàn Kiếm, tháp Hòa Phong thường bị lầm tưởng là một công trình trong quần thể tháp Rùa, Hồ Gươm. Thật ra, đây là dấu tích duy nhất còn sót lại của chùa Báo Ân - ngôi chùa bề thế nhất Hà thành thế kỷ 19. 


Tháp Hòa Phong hiện nay ở vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, bờ phía đông hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: Trần Vũ

Cảnh chùa Báo Ân đã được dân gian ca ngợi bằng những câu thơ miêu tả:

“Phong quang cảnh trí trăm đường
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng
Rõ mười cửa động tưng bừng
Đền vàng tòa ngọc chất từng như nêm”

Theo các tư liệu còn lại, chùa Báo Ân khánh thành năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) trên nền cũ của lầu Ngũ Long trong phủ chúa Trịnh. Người đứng ra chủ trì việc dựng chùa là tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh) Nguyễn Đăng Giai. Vì thế dân gian mới gọi nôm na là chùa Quan Thượng.

“Gần xa nô nức tưng bừng
Vào chùa quan Thượng xem bằng động tiên”
Chùa Báo Ân sau khi khánh thành có quy mô bề thế vào loại nhất thành Hà Nội thời đó. Từ con đường ven hồ phía đông dẫn vào có tháp Hòa Phong, sau đó đến cổng chùa, vượt qua chiếc cầu đúc lát gạch thì đến lầu hộ pháp, hai bên có bốn ngọn tháp đối xứng cao ba tầng.

Tiếp đến “Đại hùng bửu điện” tôn trí nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát tuyệt đẹp. Có hành lang tô đắp, chạm trổ cảnh “Thập điện Diêm Vương”, mô tả sự khổ báo trong mười địa ngục rất sinh động. Phía sau có điện thờ thánh mẫu, tăng xá, trai đường, tổng thể chùa có 36 mái, 150 gian. Chung quanh vườn chùa xây dựng tường bát giác bao bọc, bên ngoài đào hào trồng sen (theo Trần Đình Sơn trong bài viết về chùa Báo Ân đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tháng 5-2006).

Tháp Hòa Phong ở trước cổng chùa Báo Ân - Ảnh tư liệu 

Đây là một trong những công trình mang dấu ấn của nhà Nguyễn trên đất Thăng Long. Đồng thời cũng tiêu biểu cho dòng tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” thịnh hành trong thời Nguyễn. Tư tưởng này có nghĩa là học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng mộ đạo Phật. Quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai là con nhà Nho giáo (cha là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, thầy học của vua Thiệu Trị) nhưng lại đứng ra chủ trì việc dựng chùa.

Tháp Hòa Phong ở trước cổng chùa Báo Ân - Ảnh tư liệu 

Nhìn lại lịch sử: sau khi nhà Trần mất, nhà Lê thành lập đã nâng Nho giáo lên địa vị độc tôn. Bởi thế suốt thời gian dài sau đó không có nhiều Nho sĩ thông hiểu phật học như thời Lý - Trần. Cho đến thế kỷ 19 khi Nho giáo khủng hoảng, bất lực trước thời cuộc, thì các Nho sĩ mới lại tiếp cận phật giáo để mong tìm một lối đi. Tư tưởng cư nho mộ thích bắt đầu từ đó.

Tuy vậy, việc Nguyễn Đăng Giai đứng ra chủ trì việc dựng chùa Báo Ân cũng khiến ông bị Quốc Sử quán triều Nguyễn phê là: “Tiếc vì Đăng Giai tôn chuộng đạo Thích, dựng chùa thờ Phật, luôn mê hoặc người, phí của thật nhiều vào việc dâng chùa, chưa khỏi làm lụy cho thịnh đức”.

Ngày nay, chùa Báo Ân không còn vì đã bị thực dân Pháp phá năm 1889 để xây phủ thống sứ và tòa nhà bưu điện (nay là Nhà khách chính phủ và Bưu điện Hà Nội). Trước đó, chùa Báo Thiên, ngôi chùa nổi tiếng trong sử sách với Tháp Báo Thiên là một trong An Nam tứ đại khí, cũng bị phá vào năm 1883 để xây nhà thờ lớn.

Tháp Hòa Phong


Tháp hình vuông gồm có 3 tầng. Ở tầng 1 có cửa mở về bốn hướng theo lối vòm cuốn. Phía trên các cửa có những chữ như: Báo Ân môn - Báo Nghĩa môn - Báo Đức môn - Báo Phúc môn. Tầng hai, bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía đông. Tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô.
Đây là một kiểu tháp rất ít thấy trong kiến trúc Phật giáo. Tầng 1 to và cao hơn hẳn hai tầng trên cùng. Mặt khác đây cũng không phải là tháp đựng xá lị phật tăng vì vốn nằm ở cổng chùa chứ không phải trong vườn tháp.


TRẦN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét