25 thg 2, 2021

Người triển lãm tranh lập thể đầu tiên tại Sài Gòn là ai?

Giới họa sĩ và người yêu hội họa trong nước sẽ trả lời ngay là Tạ Tỵ - họa sĩ mở cuộc triển lãm tranh theo trường phái lập thể (Cubism) đầu tiên của mình tại Sở Thông tin Sài Gòn vào năm 1956.

Chân dung tự họa - sơn dầu của Nguyễn Cao Thương

Nhưng thật bất ngờ, năm 1943 Sài Gòn đã có hội họa lập thể.
Năm 1956, tại phòng triển lãm Sở Thông tin (góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi bây giờ), Tạ Tỵ ra mắt giới thưởng ngoạn 57 bức tranh lập thể mà ông đã vẽ từ khi vào Sài Gòn và ít nhiều một số tranh cũ mang từ Hà Nội vào.

Từ đó, có những nhận định như "Đây cũng là lần đầu tiên dân chúng Sài Gòn được thưởng ngoạn một lối vẽ mới, từ xưa chưa có", "Tôi là nghệ sĩ đầu tiên tại VN vẽ tranh lập thể và trừu tượng" (Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo, Nguyễn Quốc Định, 2019); "Tạ Tỵ không hiểu đã xem tranh lập thể ở đâu mà thường được coi là họa sĩ VN đầu tiên đưa hình khối vào tranh..." (Phạm Duy, theo Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo, trang 66).

Trong lịch sử mỹ thuật VN, Tạ Tỵ được xem là họa sĩ đầu tiên theo trường phái lập thể (và sau đó là trừu tượng) cũng như đưa trường phái này vào hội họa VN.

Bài báo "Xem tranh"

Tôi cũng nghĩ chính Tạ Tỵ là họa sĩ đầu tiên theo lập thể nếu không đọc được một bài báo trên Nam Kỳ tuần báo số ra ngày 19-9-1943. Trong bài báo "Xem tranh" (trang 9), tác giả Trang Sinh đã cho biết chính họa sĩ Nguyễn Cao Thương là người đã triển lãm những bức tranh Sài Sơn, Mùa Xuân, Khóm chuối rừng màu xanh, Đôi trâu trên quãng đồng hung hung đỏ... được vẽ theo trường phái lập thể tại nhà hàng Continental vào tháng 8-1943.

Năm này, Tạ Tỵ còn là sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vẫn chưa vẽ tranh lập thể.

Xin trích đoạn bài viết của ông Trang Sinh: "Tôi bước lên mấy bực thang của nhà hàng Continental ở Sài Gòn với nhiều thành kiến đã có sẵn. Người ta nói với tôi rất nhiều về lối lập thể. Người ta bảo nó kỳ hoặc, lạ lùng, khó hiểu.

Tôi không phải là một nhà mỹ thuật lại cũng không từng phê bình khoa ấy, nhưng lòng yêu đẹp chắc thế nào cũng cho tôi nhiều cảm giác hay hay... Vậy cảm giác của tôi ra thể nào sau khi xem tranh, là tôi chép y ra dưới đây, lời quê mộc mạc mong quý bạn đọc biết giùm...

Hai họa sĩ Cao Thương và Thúc Chương cùng chung tranh trong một phòng rộng. Nhưng hai lối vẽ lại khác nhau, chọi nhau gần như là đen với trắng. Lối cổ điển của Thúc Chương thì dịu dàng, lối lập thể của Cao Thương lại gân guốc...

Thoạt nhìn, tôi chỉ thấy những nét bệt, nét gạch hết sức dơ bẩn, những cái hình vuông, hình góc không ra quái gì, tôi không nhận ra được gì gì cả. Thế mà khi đứng lùi ra xa, xa hơn mọi khi, tôi bỗng ngạc nhiên thấy hiện lên toàn thể bức tranh, tôi mới nhận ra được cảnh vật trên bức họa, rõ rệt và phân biệt. Đẹp một cách rắn rỏi, tươi một điệu ngọt ngào!...

Màu sắc họa sĩ dùng cũng có một lối tân kỳ. Chúng nó tươi đặc biệt, sặc sỡ như những sợi thắt lưng hoa hòe của mấy cô đầm... Vậy mà tại sao người ta lại nói xấu rất nhiều lối ấy? Có lẽ tại người ta chưa quen được với nó chăng?

Nhưng nếu biết được cái quan niệm về nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Cao Thương là "tìm hiểu tạo vật" chớ không phải "chụp ảnh" như lời họa sĩ đã nói với bà Renée Fabrice thì chắc người ta sẽ hết ngạc nhiên trước những cái táo bạo lạ lùng của lối lập thể".


Thật tiếc, có lẽ do kỹ thuật in ấn vào năm 1943 nên Nam Kỳ tuần báo chẳng in được một bức tranh nào của họa sĩ Nguyễn Cao Thương. Tuy nhiên, theo bài báo, có thể thấy họa sĩ Nguyễn Cao Thương là người đầu tiên vẽ và triển lãm tranh lập thể tại Sài Gòn và cả VN.

Nguyễn Cao Thương là ai?

Khi vẽ những bức tranh lập thể, Nguyễn Cao Thương chỉ là họa sĩ tự học và vào năm 1944, chàng trai sinh năm 1918 tại tỉnh An Giang đã vào học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội.

Ông thuộc lớp họa sĩ đầu tiên theo kháng chiến và về sau không còn thấy vẽ theo họa phái lập thể nữa, trong khi Tạ Tỵ làm hai cuộc triển lãm lớn - mỗi lần 57 bức tại Hà Nội (1951) và Sài Gòn (1956) - và tiếp tục theo họa phái này đến năm 1960 mới chuyển qua trường phái trừu tượng.

Và điều hết sức lý thú: họa sĩ - chiến sĩ Nguyễn Cao Thương là người VN đầu tiên bắn rơi máy bay Pháp. Ông cũng là người đặt tên cho Trường trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tiền thân của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày nay và làm hiệu trưởng đến ngày nghỉ hưu.

Ông mất năm 2003, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tác phẩm: Bác Hồ thăm trận địa pháo ở hồ Tây (sơn dầu), Hành quân qua bưng biền Đồng Tháp Mười (sơn dầu), Xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (sơn mài) vào năm 2012.
Dù triển lãm tranh lập thể sau họa sĩ Nguyễn Cao Thương, phải thừa nhận họa sĩ Tạ Tỵ là người đặt nền móng cho tranh lập thể bởi suốt cuộc đời thăng trầm của mình, ông luôn đeo đuổi phong cách hội họa này một cách quyết liệt.

Họa sĩ Siu Quý nhận định: Với trường phái lập thể, họa sĩ Tạ Tỵ đã thổi một luồng gió mới vào hội họa VN và để lại dấu ấn khó quên cho người xem.

Ngày nay ít họa sĩ vẽ lối lập thể, có thể do bối cảnh xã hội thay đổi, nhịp sống trở nên gấp gáp hơn và nghệ sĩ cũng chọn cách vẽ biểu hiện, hiện thực, ấn tượng để thể hiện sự hối hả đó.

Còn với trường phái lập thể hay xa hơn là trừu tượng, người vẽ cần tích tụ đủ vốn sống, sự trải đời, một tâm hồn trăn trở cùng cảm quan thẩm mỹ phân tích - tổng hợp được rèn giũa nhiều năm mới có thể sáng tác được.

MAI THỤY ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét