18 thg 2, 2021

Hoang sơ hòn Bảy Cạnh

Nhiều diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài nước đã giới thiệu hòn Bảy Cạnh là địa điểm không thể bỏ quan khi đặt chân tới huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bởi vẻ đẹp rừng biển hoang sơ. Ngoài ra, theo ghi nhận của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đây là nơi có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam và cũng là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhất của huyện Côn Đảo.

Sau lời kêu gọi của Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo tham gia bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo đã có hàng ngàn tình nguyện viên từ các nơi trên cả nước hưởng ứng. Theo chân những tình nguyện viên, chúng tôi từ cảng cầu Côn Đảo, đặt vé đi ca nô ra hòn Bảy Cạnh.

Sau chừng 20 phút di chuyển bằng ca nô, chúng tôi đến được hòn Bảy Cạnh. Một khung cảnh khiến những người vốn đã quá quen khám phá như chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây. Mặc dù với diện tích không lớn (khoảng 5,1 ha) nhưng sự tồn tại của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nơi đây đã góp phần hoàn chỉnh tính liên kết giữa các hệ sinh thái như: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi cao, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô.
Vùng biển xung quanh hòn Bảy Cạnh được bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển vì đây là vùng tập trung nhiều loài sinh vật biển như: các rạn san hô, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển….

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai trong số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo. Nằm về phía Đông của đảo Côn Sơn, có diện tích 683 ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng đồi cát ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn. Hòn Bảy Cạnh như một nét xanh chấm phá giữa biển trời mênh mông Côn Đảo, toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nhiệt đới hải đảo. Ảnh: Tất Sơn

Du khách lặn ngắm những rạn san hô hoang sơ ở vùng biển Hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Tư liệu

Du khách đi ca nô thăm hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ảnh: Thông Hải

Hòn Bảy Cạnh là có vai trò quan trọng trong bảo tồn tài nguyên biển, đặc biệt là nơi rùa biển về ấp trứng và sinh nở rồi quay về biển cả. Ảnh: Tất Sơn

Du khách trải nghiệm hành trình thả rùa con về với biển. Ảnh: Tất Sơn

Theo chia sẻ của cán bộ kiểm lâm trên hòn Bảy Cạnh thì bắt đầu từ những năm 1994, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành bảo tồn rùa biển. BQL đã thành lập 5 trạm kiểm lâm ở các đảo thường xuyên có rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng nhằm nghiên cứu đặc tính sinh học của rùa biển thông qua đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh. Những hoạt động này nhằm bảo vệ sinh cảnh làm tổ và di chuyển các tổ trứng đến nơi an toàn để giúp tỉ lệ trứng rùa ấp nở thành công cao hơn so với để ngoài tự nhiên. Đây là chiến lược có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên nói chung, bảo tồn tài nguyên biển, rùa biển tại Côn Đảo nói riêng.

Hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Khi trời về tối chúng tôi sẽ được tham gia hỗ trợ rùa lên đẻ trứng cùng các cán bộ kiểm lâm. Sau vài tiếng ngồi bãi biển đợi rùa lên đẻ trứng cuối cùng chúng tôi cũng được toại nguyện. Những con rùa mẹ nặng cả tạ lừ lừ từ dưới biển bò lên bãi đào hố và đẻ trứng.

Sau khi di rời trứng rùa đến nơi an toàn thì trời cũng sáng, các anh lại tiếp tục tập hợp những chú rùa con đã nở trong hồ ấp để đem đi thả về biển. Chúng tôi vô cùng thích thú khi được cùng các anh thả rùa con về biển. Những chú rùa con theo tiếng sóng cùng nhau lao ra biển nhưng không quên ngoái đầu nhìn lại bờ biển nơi mình được sinh ra để sau này trưởng thành lại tìm đường quay về chốn cũ.

Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 có trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh mỗi đêm có 10 – 20 rùa mẹ lên làm tổ.

Bài: Tất Sơn - Ảnh: Tất Sơn, Thông Hải, Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét