9 thg 2, 2021

Khám phá vẻ đẹp hoài cổ của xứ Gò Công – Tiền Giang

Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang tuy diện tích nhỏ bé nhưng chứa trong nó nhiều công trình kiến trúc độc đáo đặc sắc. Cái hồn xưa cũ trầm mặc của những kiến trúc kiểu nhà Tây đan xen khá hài hòa với những công trình hiện đại đã tạo nên vẻ sức sống mới cho vùng đất này. Hãy đi du lịch Gò Công một chuyến để cảm nhận nhịp sống chậm, thật khoan thai.

Gò Công được có khí hậu thuận lợi quanh năm khá mát mẻ, nên du khách có thể tới đây tất cả các mùa trong năm. Từ TP HCM, giờ bạn sẽ không còn phải mất thời gian chờ phà Mỹ Lợi hoặc đi đường vòng qua Quốc lộ 1 – Cao tốc TP HCM – Trung Lương xa hơn 75km. Từ tháng 8-2015, cầu Mỹ Lợi nối giữa Long An – Tiền Giang vận hành đã tạo thuận lợi cho người dân đi từ TP.HCM đến thị xã Gò Công bằng đường bộ.

Trước mắt bạn là thị xã Gò Công – một đô thị cổ xinh đẹp, thanh bình và quyến rũ. Cảm giác như đang lạc vào một khu ‘’phố cổ’’ thu nhỏ đâu đó giữa lòng châu Âu.

Thị xã Gò Công – một đô thị cổ xinh đẹp

Theo sử sách, Gò Công xưa kia là tên gọi của một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, nay là các huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng dân cư hình thành khá sớm ở Nam Bộ. Thị xã Gò Công là trung tâm của tỉnh lị, là khu đô thị sầm uất với đậm nét kiến trúc cổ độc đáo bậc nhất ở vùng đất phương Nam. Xứ Gò Công còn nổi tiếng là nơi sản sinh nhiều bậc phu nhân hương sắc, đức tài trong đó có Thái hậu Từ Dũ, Nam Phương hoàng hậu…

Với kiến trúc phương Tây pha lẫn nhà cổ miền Trung, các công trình ở đây thường thiết kế ba gian, hai chái, mái ngói âm dương, rất to rộng. Điều thú vị là phần lớn các dinh thự, nhà cổ Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch mà không sử dụng bê tông, cốt thép. Một nét văn hóa đặc sắc nữa ở thị xã Gò Công là những di tích lịch sử có giá trị được bảo tồn cẩn trọng.

Ngôi nhà cổ được nhiều người trong và ngoài nước biết đến ở Thị xã Gò Công hiện nay là nhà của Đốc Phủ Nguyễn Văn Hải ở số 9 Hai Bà Trưng, thị xã Gò Công được xây dựng năm 1860. Lúc mới xây, đây là nơi sinh sống của bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định). Sau khi vào chùa quy y, bà Sanh để lại nhà cho các con cháu. Cháu ngoại bà Sanh lấy Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải sống trong ngôi nhà này. Đến nay qua nhiều lần trùng tu, công trình vẫn còn rất giá trị, được xếp loại đẹp nhất nhì ở vùng đất Nam bộ.

Nhà Đốc Phủ Hải

Ngôi nhà được chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khung, đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đồ dùng tủ, bàn, ghế phong cách cũ chạm nổi bằng gỗ quý hay bằng cẩm thạch, đá hoa, khảm xà cừ vô cùng giá trị. Năm 1994, nhà Đốc Phủ Hải được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đây cũng là nơi các đoàn làm phim, hay các nhiếp ảnh gia muốn kiếm tìm những góc máy xa xưa.

Tiếp đến là Đình Trung uy nghiêm và diễm lệ. Trải qua bao nhiêu thăng trầm và sự thay đổi từ cái tên Đình Thành phố, rồi tới năm 1882 đổi thành Đình Thành Phố Thôn. Đến năm 1930, đình được xây dựng, tu bổ lại để có được hình thù đồ sộ, đẹp đẽ hơn.

Đình Trung uy nghiêm và diễm lệ – Ảnh: Tran Nhat Duy

Những mái ngói âm dương đầy rêu phong và nền gạch cũ như làm cho những người lữ khách cảm thấy thơ thẩn về một vẻ đẹp trường tồn vĩnh cửu đầy hoài niệm.

Ngay trên đường Nguyễn Văn Côn là dinh Tỉnh trưởng Gò Công hay còn gọi là dinh Chánh Tham biện Gò Công được người Pháp xây dựng năm 1885 đây là công trình kiến trúc hoành tráng bậc nhất lúc bấy giờ. Sau hơn 100 năm, công trình bắt đầu xuống cấp và hiện nay đã ngưng sử dụng nhưng được chính quyền bảo tồn để công trình đẹp mãi với thời gian. Du lịch Gò Công, đến đây bạn không chỉ được chiêm ngưỡng, thưởng lãm nét kiến trúc xưa cũ mà còn được chụp những bức hình siêu chất.

Dinh Tỉnh Trưởng

Mỗi du khách tới đây đều trầm trồ thán phục và hoài niệm về một quá khứ hoàng kim của xứ Gò Công. Qua những con phố ô bàn cờ, bắt gặp những gánh hàng rong trên phố, hiệu cắt tóc trong một căn nhà cổ, vị cha xứ đang giảng đạo trong Nhà thờ Thánh Tâm… để cảm nhận nhịp sống yên ả của người dân nơi đây.

Nhà thờ Thánh Tâm

Tại Thị xã Gò Công còn lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng Hoàng Gia… là những địa điểm thu hút đông đảo du khách.

Trương Công Định là một vị anh hùng lỗi lạc thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Mỗi khi tới xứ sở Gò Công, nhiều du khách đã ghé thăm đền thờ Trương Định để thắp nén nhang tưởng nhớ công lao của vị anh hùng này. Bạn sẽ được nghe kể về những câu chuyện gắn liền với ông, cảm nhận thêm tình yêu của ông dành cho đất nước. Đền thờ Trương Công Định là một điểm đến chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử linh thiêng.

Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định

Llăng Hoàng Gia, được xây trên gò Sơn Quy, thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Diện tích lăng lên đến gần 3.000
m2, được xây dựng trong nhiều năm liền và được nối truyền qua nhiều đời của dòng họ Phạm đã sống lâu đời và có tiếng khắp vùng đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người bắt đầu lập nghiệp ở xứ này, nhiều năm sau đó ông Phạm Đăng Hưng kế nghiệp và là hậu duệ đời thứ tư. Vì ông là ông ngoại của vua Tự Đức và là cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc công. Nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất, đã được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng lăng mộ của dòng họ Phạm theo lối kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ. Từ đó mới có tên là lăng Hoàng Gia.

Lăng Hoàng Gia

Các di tích lịch sử văn hóa ở đây có nét rất riêng là không trơ trọi, lẻ loi mà gần gũi với cư dân sống quanh đó – đó chính là cái “hồn” của di tích.

Du lịch Tiền Giang, đến Gò Công bạn cũng đừng quên bãi biển Tân Thành nổi tiếng là một trong những bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam. Ở đây cũng có nhiều món hải sản ngon và lạ.

Bãi biển Tân Thành

Bãi biển Tân Thành cũng được biết tới là một “sân nghêu” của miền Tây, vì thế món nghêu ở đây là đặc sản có tiếng. Chiếc cầu kéo ra biển là điểm nhấn cho biển Tân Thành. Cũng giống như các bãi biển khác, biển ở đây làm cho con người cảm thấy nhẹ tênh, tâm hồn được phấn chấn, bao sự mệt nhọc được gửi về với mẹ đại dương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét