20 thg 2, 2021

Người Mông cúng Thần rừng

Mỗi năm, dịp Tết đến, Xuân về, người Mông ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cùng với các gia đình người Mông đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) lại tổ chức Lễ cúng hần rừng.

Người Mông quan niệm mỗi khu rừng đều có thần rừng cai quản. Cúng thần rừng là để phù hộ dân bản khỏe mạnh, trồng cấy bội thu, mùa màng tươi tốt và đặc biệt cũng là nâng cao ý thức, gìn giữ rừng – cái nôi nuôi sống cho cộng đồng người Mông.

Người Mông cúng thần rừng vào ngày đầu năm bởi đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm. Trong ngày làm lễ mọi người sẽ mang các lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Địa điểm này do thầy cúng là một người có uy tín, hiểu biết lễ nghi của trong dòng họ chọn. Lễ vật dâng lên thần rừng gồm dê, gà, đậu phụ và bánh trưng.

Thầy cúng đốt những tờ giấy bản ở Lễ cúng Thần rừng. Ảnh: Việt Cường

Trong Lễ cúng sống, thày cúng đốt những sợi lông các con vật được hiến tế. Ảnh: Việt Cường

Gà là con vật có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng không thể thiếu trong tất cả các hoạt động tâm linh của người Mông. Ảnh: Việt Cường

Nghi thức thầy cúng tưới rượu lên đất. Ảnh: Việt Cường

Những người phụ nữ Mông chuẩn bị đồ lễ. Ảnh: Việt Cường

Lễ cúng rừng là nghi lễ quan trọng trong đời sống người Mông. Người Mông quan niệm rằng: rừng cho cái ăn, rừng giữ nước, che chở cho cuộc sống của họ. Ảnh: Việt Cường

Tại Lễ cúng Thần rừng, tất cả mọi người đều có thể góp mặt nhưng chỉ những người đàn ông mới được trực tiếp tham gia các nghi thức cúng tế. Lễ cúng chia hai phần là cúng sống và cúng chín. Cúng sống là dâng lên các vị thần những con vật còn sống và phải hóa kiếp các con vật trước bàn thờ Thần rừng thì thần linh mới nhận được linh hồn của vật hiến sinh. Ở phần cúng sống, sau khi thắp hương làm lễ, thầy cúng sẽ đốt những sợi lông của những con vật hiến sinh trên bó nhang đang cháy ở ban thờ rồi hóa kiếp các con vật. Sau đó thầy cúng sẽ đọc bài cúng với nội dung mời Thần rừng về nhận linh hồn vật hiến tế. Kết thúc phần cúng sống, các con vật được đem đi chế biến chín để làm lễ vật cho lần cúng lại thứ hai.

Trong lời khấn ở phần cúng chín, thầy mo sẽ mời Thần rừng nhận đồ lễ và đọc những lời cầu mong, ước muốn của dân làng trong năm. Nghi thức cúng tế sẽ kết thúc khi thầy cúng hóa hết những tờ giấy bản có tiết những con vật hiến sinh và tưới rượu lên gốc cây thiêng nơi đặt bàn thờ Thần rừng.

Sau các phần nghi lễ, thường mọi người sẽ nghe thầy cúng kể những câu chuyện cổ xưa, huyền bí về sự linh thiêng của rừng. Mọi người sẽ cùng tin tưởng Thần rừng cai quản sẽ che chở, phù hộ họ.

Không chỉ là một nghi lễ truyền thống độc đáo của người Mông, Lễ cúng thần rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao ý thức của mọi người trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống bền vững.

Thực hiện: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét