20 thg 2, 2021

Chuyện Thầy Thím ở núi Sập

 Nhắc đến Thầy Thím là người ta nghĩ ngay đến Dinh Thầy Thím ở La Gi, Bình Thuận. Sự tích Thầy Thím nơi đây được truyền tụng rất nhiều, được ghi chép và kể lại khắp miền Trung và Nam bộ chớ không chỉ ở La Gi. Dinh Thầy Thím rất uy nghi, to rộng, có tiếng là linh thiêng, hàng năm đều có lễ hội trọng thể. Lại còn có cả khu mộ Thầy Thím nữa.


Câu chuyện về Thầy Thím được tóm tắt thế này: Thầy là một đạo sĩ tài năng, giàu lòng nhân ái ở Quảng Nam, Thím là vợ của Thầy. Do bị vua xử oan ức, Thấy và Thím cỡi rồng bay về phương Nam, đến trú ngụ tại làng Tam Tân, thuộc La Gi. Từ đó Thầy Thím ra sức giúp đỡ dân làng về nhiều mặt. Khi hai người mất, dân làng biết ơn nên lập dinh để thờ.

Tưởng đâu câu chuyện Thầy - Thím này là độc nhất, nhất là việc ghép giữa Thầy và Thím khá lạ, thế nhưng xuôi về phương Nam ta lại bắt gặp câu chuyện Thầy Thím với mô-týp tương tự.

Thoại Sơn, An Giang, tức Núi Sập, nơi diễn ra câu chuyện Thầy Thím

Câu chuyện này được nhà văn - nhà biên khảo Sơn Nam kể lại trong Chuyện xưa tích cũ, và sau đó là trong Lịch sử đất An Giang. Ở đây xin trích lại nguyên văn câu chuyện kể của ông trong Lịch sử đất An Giang

“Chuyện Thầy Thím" du nhập từ Quảng Nam, đến núi Sập, người lớn tuổi còn kể lại vài nét chính. Hôm ấy, dân ở chân núi Sập thấy nguời ngồi trên ngọn dừa, như ẩn núp, bèn tri hô có kẻ ăn cắp dừa. Một ông lão xuất hiện, từ ngọn dừa tuột xuống, giải thích chẳng qua là mùa nắng hạn, trên chót núi suối đã cạn nên lén xuống xóm, hái trộm trái dừa để giải khát. Ông lão thú nhận đã tu tiên trên chót núi hơn mươi năm qua, ai muốn thăm thì theo con đường mòn, gần đấy. Vài người tò mò đến, thấy cái thảo am cất sơ sài, lau sậy mọc sát vách và trong nền. Tấm vải đỏ (màu tiêu biểu của người tu tiên) treo trên đòn dông. Ông lão nói thật thà: “Từ rày về sau, trong xóm, hễ trẻ con mang bệnh thì đưa lên, sẽ điều trị dùm". Mỗi khi gặp trẻ con đau ban, làm kinh phong, ông xé một miếng vải nhỏ, ở chéo áo nâu sòng, bảo người nhà đốt miếng vải, hòa với nước. Trẻ con được thuyên giảm ngay, mười trường hợp như một. Nhờ vậy, tiếng lành đốn xa. Người nọ mang bệnh điên, thân nhân đưa lên am, van nài. Thầy ra lệnh đem cái thớt to và cây dao bén, chặt bệnh nhân ra làm hai khúc, thả xuống sông. Khúc đầu của bệnh nhân trôi ngược dòng, khúc chân thì trôi xuôi dòng, lát sau, hai khúc từ từ ráp lại, bệnh nhân về nhà, thuyên giảm rõ rệt. Có kẻ tò mò, lên rình rập, đứng ngoài vách, nghe thì thào, như thầy đang nói với người đàn bà nào đó. Thầy bước ra: "Ta là "thầy", vợ của ta là "thím", người khuất mặt. Đừng tò mò, có hại. Lần đầu, ta tha tội cho. Đừng ngạo mạn nữa". Vì vậy gọi ông lão là “Thầy Thím”.

Vị “Đại thần" nọ cho mời thầy đến để điều trị đứa con đau trầm kha từ bốn tháng qua. Xem xong, thầy lắc đầu ra về. Vị đại thần chạy theo, nài nỉ. Thầy trở lại, xem kỹ, hỏi thăm vài chi tiết rồi nói: “Nặng lắm." “Thượng động Cố Hỉ". Công tử mang bệnh nhằm giờ hung, mạng của công tử trùng với mạng của bản đạo. Nếu điều trị thì bản đạo sẽ chết. Trong hai người, phải có một người sống và một người chết. Bần đạo chết còn ai giúp đỡ bà con xóm này". Nói vậy chớ thầy vẫn ở lại, đốt đèn sáp, vẽ bùa. Rồi từ giã, lên núi, gương mặt buồn thảm. Vài ngày sau, cậu công tử hết bệnh. Dân làng lên thảo am, thấy ông lão nằm xuôi tay, mình mẩy lạnh ngắt, đã chết từ hôm trước. Bèn làm lễ hỏa thiêu, thân xác ông lão cháy ra tro nhung còn sót lại một lóng tay nguyên vẹn, lóng tay ấy đặt trong tháp, bên cạnh. Xây miếu thờ, gọi nôm na miếu là chùa. Vía của thầy nhằm mùng 5 tháng 5, vài người bảo thầy tên là Sang, chẳng biết họ gì."

So sánh 2 câu chuyện, ta thấy ở cả 2 nơi thầy đều là đạo sĩ xuất thân từ Quảng Nam lưu lạc đến địa phương, vợ Thầy gọi là Thím, thầy chữa bịnh giúp dân làng và mất tại nơi đấy luôn, được dân thờ phượng.

Thầy Thím cỡi rồng bay về phương Nam. Tiểu cảnh tại Lễ hội Dinh Thầy Thím La Gi

Điểm khác nhau là: Cùng ở trên trời rơi xuống nhưng thầy La Gi thì cỡi rồng còn thầy núi Sập thì từ trên núi xuống trèo lên cây dừa. Thầy Thím La Gi là 2 nhân vật hiện hữu, trong khi Thím ở núi Sập là người khuất mặt.

Và điều khác nhau cơ bản: Thầy Thím ở La Gi được thờ cúng rất trang trọng với những nghi lễ và lòng thành kính rất cao, được nhiều người biết, có Dinh thờ uy nghi; còn Thầy Thím ở núi Sập thì hiếm người biết tới, theo truyện kể thì có miếu thờ nhưng giờ miếu ấy ở đâu, có còn không thì chẳng ai biết.

Vậy nên tui sưu tầm và kể lại chuyện này, để gọi là có người nhớ tới Thầy Thím Núi Sập vậy mà!

Núi Sập ở huyện Thoại Sơn, An Giang

Phạm Hoài Nhân
__________________

Sau khi đăng bài này lên, bạn Lê Ngọc Quốc có tìm ra một video kể về Miếu Thầy Thím ở núi Sập như dưới đây:


Theo ta thấy trong video, miếu Thầy Thím ở ấp Đông Sơn II, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn An Giang và được xây dựng năm 1916. Theo lời kể của người phụ nữ trong video thì đoạn sau của câu chuyện tương đối khớp với lời kể của nhà văn Sơn Nam. Riêng đoạn đầu khá ngô nghê khi nói về xuất xứ của Thầy Thím (nói là Thầy từ Phan Thiết cỡi rồng bay vô vỉ bị vua xử tội, nhưng lại nói là vua... Tàu, và cũng không biết về tam ban triều điển, có vẻ như copy từ chuyện Thầy Thím ở La Gi mà ra), lời kể của Sơn Nam hữu lý hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét