10 thg 2, 2021

Đi chợ Cầu Đất

Về Huế, nếu chỉ ghé thăm đền đài, lăng tẩm mà quên đi chợ là một thiếu sót lớn. Huế có rất nhiều ngôi chợ nổi tiếng, như Đông Ba, An Cựu... và cũng có những ngôi chợ có tên rất kỳ lạ, như chợ Nịu, chợ Kệ, chợ Nọ, chợ Cầu Kho...

Chợ Cầu Đất ngày nay đã đổi tên thành chợ Thuận Hòa

Chợ Cầu Đất cũng là một ngôi chợ đặc biệt nằm phía tây Kinh thành Huế, cạnh cây cầu dẫn vào cửa Chương Đức.
Những ngày mùa thu, khi những cơn mưa đã chịu rơi xuống thành phố, xóa tan cái nóng mùa hè, khi buổi sáng sớm hoặc tối ra đường đã cảm thấy cảm giác se se lạnh. Tôi lại trở về Huế, về để nhìn những mảng tường rêu loang trên thành cổ, về để được cùng mẹ xách giỏ đi chợ - ngôi chợ đã gắn bó với tuổi thơ tôi, với những món quà vặt như bì chè đậu ván, miếng bánh chưng chiên của những ngày thơ ấu.

Nằm trên đường Lê Huân, chợ Cầu Đất ngày nay chỉ còn chiếm một góc nhỏ, không còn những gánh hàng ngồi chen chúc từng con hẻm nhỏ như xưa. Mẹ tôi bảo, bây giờ đồ ăn thức uống có siêu thị, thậm chí người ta “ship” tới tận nhà nên những ngôi chợ nhỏ cứ co cụm lại. Những người gắn bó đời mình với đời chợ vẫn tiếp tục những tháng ngày mưu sinh, như o bán lá chè tươi đã gắn bó với chợ hơn 30 năm, mệ bán thịt heo quay đã 40 năm ngồi nơi góc chợ nhỏ. Mệ bảo, “bốn mươi năm kinh nghiệm chặt thịt chừ nhắm mắt chặt cũng được”.

Cửa Chương Đức là nơi được nhiều bạn trẻ chọn để ghi lại kỷ niệm khi đến Huế

Chợ Cầu Đất bây giờ vẫn phân “theo lớp” như xưa. Bên ngoài vẫn là những gian hàng bán hoa quả và bánh cháo, tiếp đến là những gian bán vải, quần áo, rồi đến những lô đồ khô, gia vị, la - gim và cuối cùng là hàng cá, thịt. Chợ tuy nhỏ nhưng đầy đủ những sản vật tươi ngon từ những vườn Huế, và đặc sản cá từ phá Tam Giang. Mặc dù đã được đổi tên hành chính là chợ Thuận Hòa nhưng những người dân sống trong vùng vẫn quen với tên gọi Cầu Đất. Tôi nhớ, bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã chọn ngôi chợ này làm bối cảnh cho một vài cảnh quay của phim.

Người ta bảo chợ bao giờ cũng ồn ào rộn ràng kẻ bán người mua, nhưng với ngôi chợ này dường như được phủ bởi sự trầm mặc rất riêng của Huế, không ồn ào, xô bồ náo nhiệt như những ngôi chợ khác. Có lẽ, vì sự thong thả của con người sống trong thành nội Huế đã tạo cho ngôi chợ có một cảm giác rất riêng.

Bước ra khỏi chợ, qua bên kia đường, đi qua cây cầu dẫn đến cánh cửa sơn son thếp vàng: Cửa Chương Đức. Đây là cánh cửa dành riêng cho hoàng hậu, phi tần cũng như cung nữ ngày xưa đi vào kinh thành, ngày nay cánh cửa này cũng hiếm khi mở cửa đón khách, vì thế cái cảm giác hoàng cung là một nơi chốn tôn nghiêm, nơi tường cao cổng kín luôn ngự sẵn trong lòng mỗi người khi có dịp ghé thăm nơi đây.

Huế được ví là phim trường lớn bởi bất cứ nơi đâu, bất cứ góc nào cũng có thể tạo nên những góc ảnh, những thước phim đẹp. Và tôi, cùng những cô em gái của mình sau khi ghé thăm chợ Cầu Đất cũng bước chân qua chiếc cầu ấy để ghi lại những kỷ niệm một lần về thăm lại chốn quê xưa.

Bài, ảnh: NAM GIAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét