12 thg 6, 2018

Tìm hiểu về truyền thuyết ngôi mộ công chúa Mỹ Thanh

1. Bí ẩn về ngôi mộ đá ong và truyền thuyết 

Trên tuyến lộ Nam Sông Hậu đi từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Bạc Liêu, khi đi qua cầu Mỹ Thanh 2, thuộc địa bàn giáp ranh huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, nhiều người đều nhắc đến ngôi mộ đá ong, được truyền tụng là ngôi mộ của công chúa Mỹ Thanh. Ngôi mộ này nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), khi qua cầu Mỹ Thanh 2 được khoảng gần 1km, đến ngã ba khu vực chợ ấp Huỳnh Kỳ, rẽ phải đi khoảng 2km là đến ngôi mộ này. 


Đoàn khảo sát do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể làm Trưởng đoàn đến tham quan ngôi mộ vào tháng 4/2016 

Nằm trơ trọi trên mảnh đất nhỏ, chung quanh là những ngôi nhà tol, lá của người dân, ngôi mộ đá ong đã bị mất phần đá ong phủ bề mặt khá nhiều, chỉ còn lại một ít ở phần đầu và phía chân mộ. Mọi người vẫn chưa biết dưới ngôi mộ đá ong là hài cốt của ai; nhưng chuyện kể về công chúa Mỹ Thanh và các vị đi theo, ai cũng có nghe và kể lại từ thế hệ này cho thế hệ khác khoảng 200 năm nay. Nhiều năm nay, ngôi mộ đá ong vẫn được nhiều người đến chiêm bái, thắp nhang và cầu nguyện. Sự linh thiêng của ngôi mộ thể hiện qua số người đến viếng ngày càng nhiều và số đá ong được người thành kính “thỉnh” về thờ trong nhà cũng không ít. Vì vậy, ngôi mộ đá ong ngày càng mất đi những miếng đá ong, dù chính quyền địa phương nghiêm cấm việc bốc, cạy lấy những miếng đá ong này.

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ người nằm dưới ngôi mộ là ai, có phải là công chúa trong dòng tộc nhà Nguyễn hay không? Cũng có một số người cho rằng đây là ngôi mộ của một người trong hoàng tộc từ phương xa đến, qua đời và được chôn cất ở nơi này, vì không tiện chở về do xa xôi cách trở đi lại.

Có thể nói, đến nay ngôi mộ vẫn còn để lại nghi vấn và được biết đến qua truyền thuyết được nghe và kể lại qua nhiều đời của cư dân ở vùng đất này, giống như truyền thuyết về Bà Phi Yến và Hoàng tử Cảnh ở đảo Côn Lôn (Côn Đảo ngày nay). 

Ngôi mộ nhìn từ phía trước 

Truyền thuyết kể rằng, trong thời gian bôn tẩu về vùng đất Phương Nam, vào tháng 2 âm lịch năm Quý Mão (1783), để tránh sự truy sát của đoàn quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh, chúa Nguyễn Ánh (từ năm 1802 là vua Gia Long) đã có thời gian chạy ra Phú Quốc, Côn Đảo và đã từng ghé vùng Hậu Giang, rồi đến vùng đất cửa sông Mỹ Thanh để ẩn náu. Trong đoàn người theo Nguyễn Ánh chạy nạn từ Phú Quốc qua đảo Côn Lôn năm 1783, có một đoàn tuỳ tùng gồm vương tôn, phi tần, võ tướng. Do giông bão nên một trong những chiếc thuyền của đoàn quân Nguyễn Ánh trôi giạt vào cửa sông Mỹ Thanh. Trên chiếc thuyền có một võ tướng, một vài quân lính theo hộ vệ công chúa Mỹ Thanh cùng một người cô (hoặc là chị) của Nguyễn Ánh.

Lúc này vùng Mỹ Thanh còn hoang vu, nhiều rừng rậm, dân cư thưa thớt. Đoàn người này phải cất chòi sống qua ngày cùng cư dân nơi đây. Do không hợp phong thổ lại ăn uống thiếu thốn nên công chúa Mỹ Thanh, cùng người cô của Nguyễn Ánh, cả viên võ tướng cũng lần lượt bị bạo bệnh rồi mất và được chôn cất tại đây. Vì loạn lạc lại không người chăm sóc nên theo bụi thời gian, các ngôi mộ hầu như không còn và không biết chính xác vị trí ở nơi nào. Người dân nơi đây chỉ truyền tụng hơn 200 năm nay, vùng này (hiện nay thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) còn một ngôi mộ bằng đá ong duy nhất là mộ của vị võ tướng hay là mộ của Hoàng Cô (?). Lúc đầu ngôi mộ không ai chăm sóc, tu bổ, chung quanh thì hoang vắng, không có bờ tường bao quanh. Dần dần, ngôi mộ thấp đi rất nhiều, lại bị lấn chiếm, nhà dân lại cất gần sát ngôi mộ, chỉ còn lại khoảng cách chừng vài thước mà thôi. Những năm gần đây, từ một số người có nhu cầu tín ngưỡng đến cúng bái, truyền miệng về sự linh thiêng của Công chúa hay Hoàng Cô nên người đến viếng có lúc khá đông. Chính quyền địa phương và một số người dân đã đóng góp xây 4 bức tường thấp bao quanh ngôi mộ để bảo vệ, nhưng phần đá ong trên ngôi mộ thì ngày càng mất dần. Phía trước ngôi mộ được xây một bệ thờ thấp bằng gạch, lót gạch men trắng.

Theo lời kể của những hộ dân và một số người nghiên cứu địa phương cho biết, sau ngày 30/4/1975, cũng không rõ chính xác là năm nào, sau một đợt mưa gió lớn, người dân nơi đây bắt gặp một cái mão của một vị võ tướng ở gần ngôi mộ bị mưa gió làm lộ ra. Mão được chuyền tay từ người này sang người khác, cuối cùng được giao cho một người ở Cà Mau cất giữ và hiện nay cũng không biết chính xác địa chỉ. Một nhà nghiên cứu khoa học thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cũng khẳng định có chụp hình cái mão này. Còn những gì bên dưới ngôi mộ vẫn hoàn toàn là bí mật. Một số hộ dân cho rằng, người nằm dưới ngôi mộ là một công nương của nước ngoài đi du ngoạn đến đây không may bị bệnh nặng và qua đời. Do đường xa nên thi thể được chôn cất tại đây.

Xét về khía cạnh khoa học và điều kiện kinh tế cách nay hơn 200 năm thì những ngôi mộ được xây bằng đá ong cực kỳ hiếm, chỉ những gia đình dòng dõi thế tộc mới có khả năng chôn cất bằng vật liệu này. Còn về nhân thân bên dưới ngôi mộ vẫn là điều bí ẩn.

2. Về gia phả của Nguyễn Ánh, cùng vợ và các người con

Theo những nội dung được ghi chép rõ ràng trong “Nguyễn Phúc Thế tộc phả”, có đề cập đến những vị Hoàng phi, Công tử và Công nương, vợ và con của Nguyễn Ánh.

Gọi như trên là đúng, vì khi chưa lên ngôi vua, con của Vương hay Chúa chỉ gọi là Công tử (nếu là nam) hoặc Công nữ (nếu là nữ), còn vợ của chúa cũng chỉ gọi là Phi chứ không gọi là Hoàng hậu. Sau này khi lên ngôi vua, để ngăn ngừa sự chiếm đoạt và tranh giành quyền lực từ bên ngoài tôn thất, kể cả trong nội tộc, vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) quyết định không lập Hoàng Hậu, không lập Tể tướng. Đến đời vua Minh Mạng, lại đặt ra 11 bài thơ, gồm 1 bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi. Mười một bài thơ này quy định cách dùng để đặt chữ lót trước tên chính để phân biệt dòng chính hay dòng phụ trong triều đình.

Theo đó, con của Hoàng đế mới được lần lượt đặt chữ lót trước tên chính theo bài thơ Đế hệ thi, có 4 câu như sau:

Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh 

Bảo, Quý, Định, Long, Tường 
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật 
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương 


Trong năm ban hành phép đặt tên này, 23 hoàng tử, con của vua Minh Mệnh đều đổi chữ lót là Miên như Miên Tông, Miên Định v.v... Ý định của Minh Mạng là nhà Nguyễn sẽ truyền được ít nhất cũng qua 20 thế hệ với khoảng 500 năm. Nhưng đến chữ thứ 5 (chữ Vĩnh là Hoàng đế Vĩnh Thụy tức Bảo Đại), Cách mạng tháng Tám năm 1945, đã tiêu diệt hoàn toàn ước mơ này của Minh Mạng và cả triều Nguyễn. Nhà Nguyễn chỉ truyền được có 5 thế hệ với 13 đời vua từ 1802 đến 1945 là 143 năm. Nếu tính cả 9 đời chúa từ Nguyễn Hoàng (1558) đến Nguyễn Phúc Thuần (1777) thì được thêm 219 năm nữa.

Nói về các Hoàng phi của Nguyễn Ánh, các tài liệu nghiên cứu chỉ nêu vắn tắt về hai người vợ chính của Nguyễn Ánh, sau này đều được phong là Hoàng Hậu, còn nhiều bà Phi khác thì không được nhắc đến.

Bà thứ nhất là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Bà sinh năm Tân Tỵ (1762), có tên huý là Tống Thị Lan, quê quán huyện Tống Sơn,Thanh Hóa, con gái của Quý Quốc Công Tống Phúc Khuông. Năm 1774, gia đình bà chạy vào Nam theo chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Ánh nghe tiếng bà đoan trang, hiền thục nên đem lễ vật đến cưới bà lúc bà được 18 tuổi và tấn phong bà làm Nguyên Phi. Bà có 2 người con với Nguyễn Ánh là Hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Chiêu và Hoàng tử thứ Nguyễn Phúc Cảnh. Nguyễn Phúc Chiêu không may chết sớm còn lại Nguyễn Phúc Cảnh, lúc lên 4 tuổi đã bị Nguyễn Ánh giao cho Bá Đa Lộc đem đi Pháp làm con tin. Sau này được phong là Đông cung Thái tử. Năm 1801, Thái tử bị bệnh mất, để lại 2 người con là Nguyễn Phúc Đán (Mỹ Đường) và Nguyễn Phúc Mỹ Thụy. Thấy Bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu đau buồn, Nguyễn Ánh mới bàn với bà nhận con của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, mới 3 tuổi, làm con, có khế ước hẵn hòi, đó là Nguyễn Phúc Đảm, (sau này được nối ngôi vua Gia Long, lấy niên hiệu là Minh Mệnh). Năm 1814, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu qua đời, hưởng dương 52 tuổi. Mộ của Bà được táng tại Thiên Thọ Lăng trên đỉnh Thiên Thọ Sơn năm 1815. Đến khi vua Gia Long băng hà thì mộ của Vua được táng kế bên mộ Bà vào năm 1820.

Bà Hoàng Hậu thứ hai có tên gọi là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Bà có tên huý là Đang, cha là Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt. Bà sinh năm Mậu Tý (1768) tại làng Văn Xá, Hương Trà, Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1774, Bà được đưa vào cung theo hầu Hoàng Hậu Hiếu Khương. Khi chúa Nguyễn rước gia quyến vào Nam năm 1778, Bà được đi theo. Năm 1781, bà được tiến cung, được phong Tả Cung Tần tức Nhị Phi. Từ đó, bà theo Nguyễn Ánh đi khắp nơi. Bà sinh được 4 Hoàng tử là Nguyễn Phúc Đảm (sau này là vua Minh Mệnh), Nguyễn Phúc Đài (Kiến An Vương), Nguyễn Phúc Hiệu (mất lúc nhỏ), Nguyễn Phúc Thấn (Thiệu Hòa Quận Vương).

Ngoài 6 Hoàng tử con của hai Bà Hoàng Hậu, Gia Long còn có 7 hoàng tử với các bà Phi khác, tổng cộng có 13 hoàng tử và 18 công chúa. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân sinh quan thời phong kiến, sử sách ghi chép rất ít về các Hoàng tử con dòng thứ, còn các công chúa chỉ ghi lại một ít vị công chúa có gắn với một sự kiện nào đó của đất nước mà thôi. Như ghi lại sự kiện năm 1620, công chúa Ngọc Vạn (con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Bà Nguyễn Thị Giai) làm hoàng hậu của vua Chey Chetta II bên Chân Lạp, công chúa Ngọc Hân làm vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) v.v...

3. Đâu là sự thật?

Thông qua các tài liệu lịch sử còn để lại, sự kiện hai Bà: Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu có 6 người con là đúng và sự kiện đưa Hoàng tử Cảnh làm con tin là có thật và Hoàng tử Cảnh còn sống đến năm 1801 mới từ trần, để lại 2 người con như đã nêu ở trên.

Truyền thuyết về Bà Phi Yến và Hoàng tử Hội An (Cảnh) ở Côn Lôn chưa có đủ cơ sở để xác định thực tế. Tương tự, truyền thuyết về Công chúa Mỹ Thanh cũng như việc phát hiện cái mão vẫn chưa có cơ sở khoa học xác định rõ ràng. Thực tế dòng họ tôn thất Nguyễn Phúc khi vào Nam là rất nhiều. Vì quan niệm nữ sanh ngoại tộc, nên nhiều vị công chúa (gọi đúng lúc đó là công nữ) không được sử sách ghi chép lại. Có một số là con gái của các vị chúa Nguyễn hay vua Nguyễn, có nhiều đức tính nổi bật mới được phong quận chúa hay công chúa và được ghi chép giới thiệu lại đôi nét như trường hợp Quận chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn (con gái thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên), Thuận Lễ Công chúa Tĩnh Hòa được vua Tự Đức ban thụy là Mỹ Thục (con gái thứ 34 của vua Minh Mệnh và bà Thục Tần Nguyễn Thị Bữu)...

Tuy nhiên, cũng phải suy luận rằng, lúc bị quân Tây Sơn đánh đuổi liên tiếp trong 3 năm (1782 - 1784), nhiều quan quân, dòng tộc Nguyễn Phúc bị ly tán, phải đi nhiều chỗ để ẩn náu ở vùng cù lao, vùng biển, vùng đất liền và để lại nhiều câu chuyện để tô vẽ thêm cho việc phò Nguyễn Ánh là đúng vì có được “Trời giúp”.

Truyền thuyết về ngôi mộ đến nay vẫn là truyền thuyết và vẫn thu hút những người có nhu cầu tín ngưỡng đến chiêm bái cầu nguyện. Sự thật sẽ được làm rõ khi có điều kiện cho phép tổ chức khai quật để khám phá những bí ẩn bên dưới. Từ thực tế khai quật, các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, sử học... sẽ có những giải đáp khoa học về nhân thân, nguồn gốc lịch sử của ngôi mộ này. Trong khi chờ đợi, giải pháp tốt nhất là ngành hữu quan và chính quyền địa phương cùng trao đổi lên phương án bảo quản, duy tu ngôi mộ, khoanh vùng quy hoạch bảo vệ, có thể trùng tu ở mức độ nào đó để giữ gìn một di tích, có thể chứng minh, làm rõ phần nào về vùng đất Phương Nam với nhiều truyền thuyết, hiện vật huyền bí, hấp dẫn và không kém phần lý thú. Và nên phát huy lợi thế truyền thuyết để có thể tổ chức thành điểm tham quan cho du khách gần xa. 

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Khắc Thuần,Thế Thứ các triều vua Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1996.

[2]. Thi Long, Truyện kể về các Vương phi, Hoàng hậu nhà Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, 2001.

[3]. Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, 1995.

[4]. Hà Văn Thư -Trần Hồng Đức, Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000.

[5]. Nguyễn Hữu Hiếu, Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam, Nxb Trẻ , 2002.

[6]. Lý Nhân Phan Thứ Lang, Giai thoại và sự thật về Bảo Đại, vua cuối cùng Triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, 2004.

[7]. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, 2005.

[8]. Ban Quản lý di tích Cách mạng Côn Đảo, Côn Đảo, sự tích và truyền thuyết, Nxb TP.HCM, 2001.

[9]. Phạm Việt Trung - Nguyễn Xuân Kỳ - Đỗ Văn Nhung, Lịch sử Campuchia, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1982.

Trịnh Công Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét