24 thg 6, 2018

Lao xao mùa ngâu chín

Trong mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ gia tiên ngày tết của nhiều người dân cố cựu ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương) ngoài thứ không thể thiếu là bưởi Tân Triều, còn có một loại trái cây rất được ưa chuộng là ngâu. Cho đến giờ, trong cả nước không ghi nhận được nơi đâu có loại trái này.

Ngâu gần như là đặc sản chỉ có ở vùng Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Trái ngâu chín tỏa một mùi thơm đặc trưng và để được lâu ngày không thua kém gì bưởi. Mùi thơm của ngâu trong mâm ngũ quả kết hợp với mùi bông vạn thọ tạo thành hương sắc độc đáo cho cái Tết Nguyên đán của một thời chưa xa lắm trên vùng đất Biên Hòa.

Trái gì lạ quá!
Bà Nguyễn Thị Trung Hiếu, 43 tuổi, nhà ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) chuyên nghề bỏ mối bánh kẹo, có chồng người xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) 4 năm nay cũng tham gia vào việc bán trái ngâu tết. Bà mua ngâu tại nhà vườn ở Tân An, dú khí đá rồi chở lên Biên Hòa bán ngay bên lề đường trước nhà mẹ ruột. Bà Trung Hiếu cho biết, ngâu năm nay chín sớm và bán rất được giá (40-45 ngàn đồng/kg, năm rồi chỉ 30-35 ngàn đồng/kg).

Là người bán ngâu kém thâm niên nhất, không ít lần phải nghe những nam nữ thanh niên đi chơi ngang qua nhìn đống ngâu chất bên đường, ngừng xe lại hỏi: “Trái gì lạ quá vậy? Và ăn làm sao?”… Ấy vậy, bà Trung Hiếu cũng có khá đông khách hàng là mối quen đặt mua mỗi người 10kg để ngâm rượu, còn lại là khách đến mua ngâu chín đập vỏ ăn tại chỗ. Với số vỏ bỏ lại, bà cân bán cho người sành rượu ngâu với giá trên 200 ngàn đồng/kg, tùy theo việc thu được nhiều ít.

Chùm ngâu còn xanh trái trên cành.

Mấy năm bán ngâu mùa tết, bà Trung Hiếu có được một vị khách hàng rất đặc biệt với tuổi đời khoảng 70, mái tóc bạc phơ, mỗi ngày ông mua và ăn sống hết 3kg trái ngâu. Hôm nào không đi được, ông cho vợ đến mua và cho biết là ăn ngâu trị đau lưng, nhức mỏi tay chân rất công hiệu.Tôi cũng từng gặp ông Phước ”ruồi”, một thương lái lúa gạo ở Tân An, cho rằng ông khỏe mạnh là nhờ ăn trái ngâu và đã dứt được chứng đau bao tử đã giày vò ông nhiều năm.

Tôi đã quá tuổi lục tuần và cũng may là không dính mấy loại bệnh vừa nêu, mà lại rất thích ăn trái ngâu, kể cả ngâu còn sống nhớt nhớt có vị nhẫn nhẫn, hoặc trái ngâu nướng thơm phức mùi khoai lang lùi, nhưng mê nhất là uống rượu ngâu.

Cách chỗ bà Trung Hiếu bán ngâu chừng 100m, phía đầu phố đi bộ chợ đêm Biên Hùng có quán ngâu đã nổi tiếng đến vài mươi năm ỏ Biên Hòa với rượu ngâu pha sôđa đá, nặn tắc cùng chút xíu muối. Thứ cốc-tai ngâu này mà nhắm với món bò tả tơi, bù tọt chiên giòn... có thể nói là ngon thấu trời. Tôi đã từng đưa rất nhiều đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc đến quán này để thưởng thức những món ”lần đầu mới biết”, ai cũng khen và lần nào gặp lại nhau cũng còn nhắc.

Trái ngâu chín đập vỡ đôi.

Người có bí quyết ngâm rượu ngâu ngon không thua kém gì với các loại rượu ngoại danh tiếng, đến nỗi đem ra đãi nhiều dân nhậu khen nức nở là ông Phan Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Bình Ý (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), nguyên Trưởng đài Truyền thanh huyện. Suốt gần 30 năm công tác, gần như mỗi ngày ông đều đi ngang qua xã Tân An nên chỉ cần nhìn mấy hàng ngâu bên đường hoặc trong vườn nhà người quen là xác định trúng phóc ”bây giờ tháng mấy”.

Không những có kinh nghiệm ”xem ngâu thay lịch”, ông Phan Hùng còn biết cả vườn nhà ai có loại ngâu ngon nhất để chọn mua ngâm rượu. Theo ông, ngâu có đến mấy loại: ngâu sẻ: trái bằng nắm tay, vỏ mỏng, dẻo, ngon; ngâu trâu: trái bự hơn, vỏ dày và cứng. Ngon nhất và cũng hiếm nhất là ngâu giấy: vỏ mỏng, mềm, trái nhỏ và rất thơm.

Vỏ ngâu giấy chín vàng còn tươi đem ngâm cho ra loại rượu ngâu thượng hạng. Ông Phan Hùng còn cho biết, cách đây hơn 20 năm, thời ngành mía đường Vĩnh Cửu còn đang thịnh, đến mùa ngâu nhiều ông chủ lò đường mua ngâu giấy đem về bỏ vô chảo mật đường tạo ra một món ăn ”cực ngon” chỉ dùng đãi thượng khách.

Biết đâu nguồn cội

Về xuất xứ của cây ngâu cũng có nhiều luồng thông tin khác nhau. Tìm đến Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu), nơi duy nhất hiện nay có trồng loại cây này, qua sự giới thiệu của ông Tư Cò (Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã), tôi gặp ông Lương Văn Năm có vợ là bà Lâm Thị Nữ (Hai Nữ) ở nhà số 463, ấp Bình Chánh là người trồng ngâu nhiều nhất và lâu đời nhất ở đây.

Bà Hai Nữ cho biết, bà ngoại của bà là cụ Năm Tú (Nguyễn Thị Bảy, sinh năm 1894, mất năm 1987) là người đầu tiên trồng ngâu ở Đại An. Bà Hai Nữ năm nay 77 tuổi còn quả quyết là ”hồi nhỏ xíu tôi đã biết cây ngâu do ngoại tôi trồng rồi, nhưng hổng biết là trồng lúc nào và kiếm giống ở đâu. Cây ngâu đầu tiên có cả trăm năm tuổi đó cao hơn 30m đã bị đổ ngã năm 2004”.

Có một chuyện cũng rất lạ là những cây ngâu con phát sinh từ rễ cây ngâu cổ thụ này cho trái mỏng vỏ, thơm nồng nàn; còn cũng chính trái ngâu của cây này lấy hạt đem gieo ươm lại cho trái ngâu vỏ dày, cứng ngắc, ruột nhiều xơ và có vị hơi đăng đắng. Do đó dân buôn bán trái cây chuyên nghiệp thường ”bắt mối” trước những nhà vườn có ngâu ngon; trong số đó có tiếng nhất là vườn bà Hai Nữ, ông Tám Tiên, bà Hai Báu, bé Bảnh, Tư Thẳng..

Lần đầu ăn thử ngâu trong ngày tết.

Trước đây, tôi có biết đến bà Chín Thọ (tên đầy đủ là Lê Thị Thọ, nhà ở Đại An, đã mất cách đây vài năm) với nửa thế kỷ chuyên nghề mua bán trái cây theo thời vụ, biết một cách rành rẻ ngâu nhà nào ngon, dở, trúng thất ra sao. Vào mỗi mùa tết, bà thu gom đến vài thiên (mỗi thiên: 1.200 trái) ngâu loại ngon đem lên Biên Hòa bỏ mối cho các tiệm thuốc Bắc và bán cho khách hàng quen. Ngoài thương lái mua mão, đến mùa ngâu chín, các nhà xứ ở vùng Hố Nai, mấy quán nhậu đặc sản còn đưa xe về tận vườn chọn mua ngâu ngon đem về ngâm rượu.

“Am hiểu về ngâu đến như vậy, thế nhưng khi hỏi về nguồn gốc cây ngâu ở Đại An, ông Phan Hùng cũng như nhiều lão nông tri điền khác ở huyện Vĩnh Cửu đều nói một cách khá mơ hồ: Nghe đâu mấy ông cha ở nhà thờ đem giống ở đâu đó về trồng!”.

Gặp chủ vườn Trần Văn Thạch, một ”thổ địa” đất Đại An, có vợ chuyên mua bán trái cây nên ông chẳng những thông thạo mọi ngóc ngách địa bàn, mà còn được cập nhật thường xuyên về giá cả nông sản. Ông Thạch cho biết: ”Ngâu năm nay chín sớm, do thời tiết có một số trái ngâu bị bệnh thúi đầu, nhưng không nhiều lắm. Ngâu năm nay trúng, phần lớn ngâu thu hoạch được đều ngon và bán được giá.

”Nghề” ngâu này cực nhất là khâu thu hoạch, do hầu hết cây ngâu ở Đại An đã già cỗi và cao, trái ngâu lại mọc ở đầu cành nhánh có gai nhọn và dài nên rất khó bẻ. Trước đây, dân bẻ ngâu thiện chiến lắm một ngày leo bẻ cũng không tới một thiên trái. Nay số người bẻ ngâu giỏi này không còn nữa. Khỏang 3 năm trước, đến mùa kiếm không ra người bẻ ngâu, chủ vườn mướn được người bẻ thì bán ngâu trả tiền công bẻ tính ra không đủ sở hụi.

Hai mùa ngâu gần đây nhờ ngâu có giá, thương lái đến vườn mua mão thường đưa theo người bẻ. Dân bẻ ngâu trẻ dùng lồng bẻ từng trái, chứ không dùng sào tre đập, giật như lớp đàn anh trước đây, tuy thu hoạch có chậm hơn, nhưng bảo đảm cho trái ngâu không bị bể, dập”.

Chiều 29 tết rảo một vòng từ Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) về Biên Hòa, tôi thấy bưởi, ngâu bày bán hai bên đường 768 khá nhiều. Hỏi giá, các điểm bán ngâu ở Bình Hòa, Bửu Long đều đòi 50 ngàn đồng/kg. Nghe tôi chê mắc, mấy bà bán ngâu liền nói: ”Về chợ Biên Hòa mua thử đi. Bữa nay họ bán một ký phải từ 62-65 ngàn đồng!”.

Mùng 6 tết vừa rồi, đến ấp Bình Ý tôi lại bất chợt nghe thoang thoảng mùi thơm của ngâu, khó lầm lẫn với bất cứ loại trái cây nào khác. Hỏi ra mới biết, ngoài Tân An, chỉ ở Bình Ý là có ngâu, nhưng chỉ còn một cây duy nhất trồng khoảng 20 năm ở vườn nhà ông Phó trưởng ban ấp Ngô Văn Dũng.

Bùi Thuận
Báo Đồng Nai Online - Trích lại trên Người Lao động online 16/02/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét