18 thg 6, 2018

Kỳ lân Chợ Lớn (bài 1): Ngũ bang 'tranh hùng'

Thế giới kỳ lân thực vẫn tồn tại nhiều bí ẩn với những luật lệ, huyền thoại, cùng những bài diễn vang danh khắp năm châu...

Lò lân Thanh Liên Đường năm 1961 với một đầu lân, một ông Địa. ẢNH: T.L

“Nơi nào có người Hoa là có múa lân”. Câu nói quen thuộc trong cộng đồng người Hoa cùng loại hình nghệ thuật múa lân hẳn không xa lạ trong đời sống văn hóa Việt. Nhưng thế giới kỳ lân thực vẫn tồn tại nhiều bí ẩn với những luật lệ, huyền thoại, cùng những bài diễn vang danh khắp năm châu. Khám phá nghệ thuật múa lân của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn (TP.HCM) là câu chuyện thú vị mà Thanh Niên chia sẻ đến độc giả…

Những bước nhảy dũng mãnh khi lên Mai Hoa Thung, những động tác đầy hiểm nguy trên ngọn tre cao hơn chục mét, những bước nhảy tươi vui cùng điệu bộ của hỉ - nộ - ái - ố hay động, tĩnh, kinh, nghi, thụy, tỉnh... của nghệ thuật múa lân luôn khiến người xem mãn nhãn. Đằng sau vẻ đẹp tinh hoa ấy là công phu khổ luyện của những người theo nghề.
Du nhập VN theo chân người Hoa vùng Chợ Lớn, nghệ thuật múa lân phát triển mạnh từ những năm đầu thế kỷ 20, do các võ phái lẫy lừng võ lâm như Bạch Mi, Thái Lý Phật, Thiếu Lâm Châu Gia, Nga Mi, Võ Đang, Thiếu Lâm Hồng Gia… mở lò.
Trường phái múa lân Chợ Lớn

Múa lân Chợ Lớn phân định thành hai trường phái: Phật Sơn và Hạc Sơn.
Lân Phật Sơn mỏ dảnh, sừng nhọn hoặc sừng lò xo, điệu bộ như hổ báo, tướng mạo oai vệ, mô phỏng các danh tướng thời Tam Quốc, phù hợp trận pháp Địa Bửu (nhảy múa dưới mặt đất). Lân Phật Sơn dáng hung dữ, không dùng múa khai trương, chỉ dùng trong dịp bái tổ, tiếp khách, mở võ đường hoặc diễn trên sân khấu.
Lân Hạc Sơn có mỏ tròn, sừng nắm đấm, múa theo long hình, hoặc miêu hình, động tác nhanh nhẹn, thiên về thể hiện tình cảm, trạng thái, cảm xúc, phù hợp trận pháp Thiên Tài (múa trên cao như giàn thung, trên cọc tre...).
Mỗi lò lân lại do một bang hội người Hoa vùng Chợ Lớn đứng ra tài trợ (thuộc nhóm ngũ bang: Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Khách Gia), nhằm phục vụ cộng đồng trong các dịp lễ tết, khai trương, chúc thọ.

Theo quan niệm người Hoa, lân tượng trưng cho sự oai võ, hùng mạnh, đem lại điềm lành, điềm may mắn. Mỗi con lân mang màu sắc, nét uy nghiêm khác nhau tượng trưng cho từng nhân vật trong truyện Tam quốc diễn nghĩa gồm Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long và Hoàng Trung, gần đây hình ảnh Gia Cát Lượng, Mã Siêu, Lữ Bố cũng được đưa vào lân. Ở mỗi thời kỳ phát triển, bộ môn múa lân vùng Chợ Lớn tồn tại những nguyên tắc, khuôn phép mà người theo nghề phải tuyệt đối tuân theo.
Lân đụng giang hồ
Chuyện múa lân Chợ Lớn xưa thường khiến dân ngoại đạo tò mò về thực hư những trận giao tranh khốc liệt giữa các lò lân nhằm giành lãnh địa, tiền thưởng ở các khu vui chơi nổi tiếng như Đại Thế Giới, Đồng Khánh… hoặc những va chạm bất chợt trên đường khi các đoàn lân xuất động gặp nhau.

Cho trẻ em chạm vào lân để lấy hên theo quan niệm của người Hoa. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH

Lão võ sư 85 tuổi Khổng Đức Bân (thuộc Bạch Mi phái, hơn 70 năm tuổi nghề) cho biết những năm 1930 - 1970 một đoàn lân thường chỉ có một đầu lân, một trống (hai thứ quan trọng nhất), kèm theo là cờ, binh khí và võ sinh lên đến 20 - 30 người. Mỗi khi lân xuất động, võ sư cùng các võ sinh ưu tú nhất lò thường theo sát để bảo vệ. Trường hợp hai lò lân đụng nhau, nếu có xích mích phải giải quyết bằng giao đấu, môn sinh cả hai bên có thể bị thương nhưng trống và đầu lân phải được bảo toàn. Bên nào bể trống hoặc đầu lân coi như thua, mất tiếng trên giang hồ, thậm chí phải giải nghệ.

“Chuyện lân giành lãnh địa người đời đồn thổi nhiều, chứ các lò lân khi hoạt động cũng biết trên dưới rõ ràng, cư xử chừng mực với nhau lắm. Thời tôi diễn, lân đụng chuyện với giang hồ khá thường xuyên. Mỗi khi qua bến Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Trần Văn Kiểu… là sợ nhất vì dễ bị giang hồ khu ổ chuột phá đám, lén chọi đá, cây vào đoàn lân, nên xảy ra va chạm, đánh nhau hoài”, ông kể.
Ngoài chuyện thể hiện đẳng cấp về thâm niên trong nghề bằng lân râu đen - lân râu bạc, trọng lượng chiếc đầu lân cũng là một chi tiết được các lò lân chú trọng bởi nó thể hiện công phu của người điều khiển. Chợ Lớn từng ghi nhận kỷ lục về chiếc đầu lân nổi tiếng do võ sư Trạc Túc thuộc Bạch Mi phái biểu diễn ở những năm 1960 - 1970, nặng đến 30 kg, trong khi đầu lân hiện đại nhẹ hơn… 10 lần.
Lão võ sư Bân cũng là đồng môn với võ sư Trạc Túc, lý giải: “Đầu lân những năm 1930 nhẹ nhất cũng phải 10 kg, vì nguyên liệu ngày xưa chủ yếu là khung tre, bọc giấy xi măng nhiều lớp, thêm hồ keo nên rất nặng, đứa nhỏ 20 - 30 kg đứng lên nhún nhảy thoải mái mà không bị bể. Lý do khác là thời còn đốt pháo, đầu lân cần gia cố vững chắc để khi múa tết, lân cầm phong pháo trung, pháo đại, đang nổ rát thì người biểu diễn cũng không hề hấn gì. Nguyên nhân thứ ba là các lò lân gặp nhau trên đường dễ sinh “đụng lân”, tức hai con lân cùng múa đối mặt rồi dùng đầu lân đụng mạnh vào nhau. Con nào bể hay sứt càng gãy gọng trước là đội lân đó bị mất mặt và hết phương tiện diễn”.

Võ và đạo trong nghề lân
Xưa người muốn theo nghề lân phải khổ luyện bộ pháp, quyền pháp, cước pháp đạt độ tinh thông mới được chuyển sang múa lân. Được cầm đầu lân, đại diện môn phái thi triển tuyệt chiêu về lân cho mọi người thưởng lãm là vinh dự cho bản thân.

Võ sư Lưu Kiếm Xương, người tiếp quản lò lân hàng đầu khu Chợ Lớn hiện nay là Nhơn Nghĩa Đường (cố võ sư Lưu Hào Lương, Chưởng môn Thiếu Lâm Châu Gia tại VN sáng lập từ 1936), đúc kết: “Sư tôn dạy nghề lân không phải để diễu võ dương oai, tranh giành địa bàn, gây rối làng lân. Theo nghề trước hết là học võ thuật để giữ gìn sức khỏe, vận dụng võ thuật vào lân để tạo nên những bài múa đẹp, và từ đó nâng dần thành môn nghệ thuật”.
Lò lân danh tiếng khác vùng Chợ Lớn là Thắng Nghĩa Đường của võ phái Thái Lý Phật. Trước khi được sư phụ để mắt và cho luyện múa lân, võ sinh phải luyện võ miệt mài. Chẳng hạn, tập với mộc nhân, bao cát, túi sỏi để tăng sức mạnh quyền, cước, chưởng pháp; luyện công phu “thiết chỉ” (ngón tay sắt) ít là hai năm để đạt khả năng kẹp trái cau giữa hai ngón tay đập xuống mặt bàn đến khi cau bể; dùng ngón trỏ gõ bể cái tô sành…
Võ sư Huỳnh Chí Dân, Chưởng môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, phụ trách đoàn lân Thắng Nghĩa Đường, cho biết: “Lân khi xuất động được coi là đại diện tinh thần của võ phái nên không thể để các võ sinh yếu nghề biểu diễn. Vì thế, để một võ sinh từ lúc bắt đầu học đến khi thuần thục trình diễn, cần ít nhất 5 năm khổ luyện”.
Bên cạnh học võ, múa lân, các võ sinh ở Chợ Lớn còn được học “đạo” riêng của từng võ phái. Võ sinh trong lò lân Thắng Nghĩa Đường thuộc nằm lòng những bài học đạo cơ bản: “ấu tập lão luyện” (trẻ tập - già luyện), “chí cần song tiến” (phát huy ý chí và chuyên cần), “tiết sắc” (hạn chế tửu sắc), “bổ thực” (ăn uống bồi bổ cơ thể)… Nói như võ sư Huỳnh Chí Dân: “Võ dạy về tính cương nên cần dạy đạo để cân bằng”.

Mỗi lò lân mang một trường phái, phong cách đào luyện, kỷ luật và nguyên tắc riêng. Tất cả được truyền đời để nghệ thuật múa lân của người Hoa Chợ Lớn ngày càng phát triển, không chỉ bó hẹp trong cộng đồng, mà nay đã hội nhập với cả khu vực và quốc tế khi luôn trong nhóm 3 nước đứng đầu các cuộc thi về múa lân toàn thế giới.

(Xem tiếp bài 2)

Nguyễn Đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét