18 thg 6, 2018

Giá trị văn hóa của người S’Tiêng mãi lưu truyền

Hàng bao đời nay, đồng bào S’Tiêng sinh sống ở phía Nam dãy Trường Sơn đã gắn với những bản sắc văn hoá đậm đà trong đời sống vật chất - tinh thần. Cộng đồng S’Tiêng luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình và truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ bằng ngôn ngữ, chữ viết và cả những lễ hội dân gian.

Ở Việt Nam, tỉnh Bình Phước là nơi tập trung người S’Tiêng đông nhất với gần 100.000 người, chiếm 95% tổng số người S’Tiêng trên cả nước. Cũng như các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, mỗi buôn làng người S’Tiêng đều có một già làng đứng đầu quản lý - là người giàu kinh nghiệm sống, am hiểu về tập tục, lối sống, có uy tín với dân làng.

Người S’Tiêng gắn kết nhau chặt chẽ với nhau bằng những đặc tính của dân tộc mình qua đời sống hàng ngày, mối quan hệ ứng xử trong gia đình, xã hội… Họ có chữ viết và ngôn ngữ nên sự lưu giữ, kế thừa là khá dễ dàng bên cạnh một hệ thống các giá trị văn hóa từ sự giáo dục của gia đình, dòng tộc và xã hội. Trong gia đình, con cháu kính trọng ông bà, cha mẹ, được giáo dục, định hướng ngay từ nhỏ để có nhận thức nguồn cội, biết yêu quê hương, đất nước. Điều này phản ánh rõ nét qua các làn điệu dân ca, luôn chất chứa những tình cảm trong từng lời ăn tiếng nói.

Triển lãm chuyên đề “Văn hóa dân tộc S’Tiêng” phản ánh sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc S’Tiêng.


Những ché rượu cần - một nét đặc trưng văn hóa của người S’Tiêng nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, trở thành điểm nhấn trong không gian trưng bày.

Góc trưng bày các hiện vật nông cụ, săn bắt.

Góc trưng bày các loại nhạc cụ.

Du khách tham quan có cơ hội được khám phá văn hóa độc đào của người S’Tiêng, một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam.

Du khách tìm hiểu các hiện vật nhạc cụ của người S’Tiêng. 

Sống giữa núi rừng, người S’Tiêng có tính cộng đồng cao và thể hiện rõ nhất qua các lễ hội văn hóa với việc sử dụng các nhạc cụ âm nhạc bao gồm: Cồng (goong), chiêng (ching), kèn bầu (m’buôt), sáo ống (dênh dut), đàn môi (N’tôn), sáo tiêu (ta lét)… Những làn điệu dân ca trên nền âm thanh vang vọng từ các nhạc cụ âm nhạc thể hiện tâm tư, tình cảm, tính cách tâm hồn của người S’Tiêng. Trong đó, cồng và chiêng được coi là nhạc cụ đặc sắc nhất của người S’Tiêng và cũng góp phần vào tính đa dạng, độc đáo của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Cồng chiêng cùng với các nhạc cụ của người S’Tiêng cũng có vai trò là phương tiện giao lưu trong cộng đồng, giữa con người với thần linh, con người với thiên nhiên. Với không gian văn hóa cồng chiêng, người S’Tiêng biết cách sử dụng và gìn giữ cho con cháu như một món bảo vật, biểu tượng văn hóa của dân tộc mình…

Người S’Tiêng rất khéo léo trong việc tạo ra những sản phẩm thủ công phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đó là các sản phẩm đan lát, dệt. Nếu như những chiếc đơm bắt cá, chiếc gùi, bẫy bắt thú rừng, đồ bắt mối… được người đàn ông tạo thành thì những bộ quần áo dệt từ thổ cẩm lại được người phụ nữ khéo léo làm nên. Cả hai loại sản phẩm cũng phản ánh quá trình phân chia lao động, tổ chức xã hội hợp lý của người S’Tiêng. Trải qua bao đời, những nghề truyền thống này vẫn còn được lưu giữ và đã trở thành tài sản quý giá của các thế hệ con cháu.

Anh Pierre Lima, du khách Pháp chia sẻ: “Thật ngẫu nhiên tôi được tham quan và tìm hiểu các hiện vật của người S’Tiêng, một dân tộc thiểu số của Việt Nam. Không gian trưng bày thật ấn tượng, các hiện vật cũng phản ánh những nét độc đáo, thú vị trong văn hóa nông nghiệp của dân tộc S’Tiêng…”.

Dụng cụ bắt mối đan bằng tre.

Dây thừng bện bằng mây để bắt thú.

Gùi đựng đồ khi lên nương.

Bu dùng để nhốt gà.

Cồng.

Đàn bằng tre.

Khèn bầu.

Tù và bằng sừng trâu.

Trống bằng gỗ bọc da.

Sản phẩm thổ cẩm S’Tiêng.

Ly đựng vôi ăn trầu bằng kim loại.

Vòng trang sức đeo tay bằng kim loại. 

Triển lãm chuyên đề “Văn hóa dân tộc S’Tiêng” diễn ra đến 19/8/2018 tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5). Triển lãm trưng bày khoảng 120 hiện vật chia thành các nhóm bao gồm: Nhóm dụng cụ lao động sản xuất, nhóm dụng cụ săn bắt, nhóm hiện vật về ẩm thực, nhóm hiện vật trang sức; nhóm hiện vật về nghề thủ công truyền thống, nhóm các loại nhạc cụ. Tất cả phản ánh sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng dân tộc S’Tiêng, một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam.
 
Bài và ảnh: Thành Đạt - Sơn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét