24 thg 6, 2018

Nhớ cây vải tổ Thanh Hà

Mỗi mùa thu hoạch vải người dân khắp nơi lại nhớ về cây vải tổ có tuổi thọ gần 200 năm ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Từ cây vải tổ này mà đến nay cây đã sinh sôi, đơm hoa, kết trái ở khắp các vùng miền trong cả nước.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây


Đi theo những con đường hai bên rực màu vải chín, chúng tôi tìm về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà thăm cây vải tổ. Giữa khoảng vườn rộng, cây vải tổ có tuổi thọ gần 200 năm vẫn tươi tốt, vươn những tán lớn xum xuê, ôm trọn cả một góc vườn. Ông Hoàng Văn Lượm, đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm (Người có công đầu đưa cây vải về trồng ở Hải Dương) dẫn chúng tôi ra thăm cây rồi kể: "Thời trẻ, trong một lần dự tiệc với người nước ngoài ở một nhà hàng lớn tại Thành phố Hải Phòng, cụ Cơm được ăn loại quả rất ngon. Cụ đã lấy 3 hạt về ươm tại vườn nhà. 3 hạt này đều nảy mầm thành cây nhưng sau đó 2 cây bị chết, chỉ còn 1 cây sống. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây phát triển tốt và cho quả ngọt. Vụ nào cây vải cũng sai trĩu quả. Được biết vải xuất phát từ vùng Thiều Châu (Trung Quốc) nên cụ Cơm đặt nó tên vải thiều". 


Năm 2015, Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam đã công nhận đây là cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam Ảnh: Quang Minh . 


Từ cây vải của cụ Cơm mang về trồng ngày ấy đến nay cây vải đã sinh sôi, nảy nở ở nhiều nơi. Ông Lượm cho biết thêm, sở dĩ cây vải thiều Hải Dương không ngừng được mở rộng tại nhiều vùng, miền trong cả nước là do năm 1958, Bác Hồ khen vải Thuý Lâm là giống vải quý, ăn rất ngon và khuyên nhân dân nên phát triển giống vải này. Đến thập niên 60 của thế kỷ trước, từ phong trào làm vườn hợp tác và Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, vải Thuý Lâm đã được nhân giống tích cực ở các xã trong huyện. Không lâu sau, vải Thuý Lâm được trồng khắp tỉnh Hải Dương. Thương hiệu vải Thanh Hà ra đời và nổi tiếng từ đó. Một số người dân ở Thanh Hà sau này sang các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh làm kinh tế đã mang theo giống vải Thanh Hà. Từ đó mới xuất hiện vải Bắc Giang, Quảng Ninh. Ở Lục Ngạn (Bắc Giang), nơi cây vải được đưa từ Hải Dương lên trồng cũng đã bám rễ và trở thành "cây vàng" của nông dân nơi đây. Đi xa hơn, cây vải thiều đã có mặt ở Đắk Lắk, Kon Tum...

Trái ngọt từ cây vải tổ. 

Mặc dù có tuổi thọ gần 200 năm, nhưng đến nay cây vải tổ vẫn khỏe mạnh và cho trái ngọt đều đặn hàng năm. Đời đời con cháu cụ Cơm vẫn cần mẫn chăm chút để cây vải mãi xanh tươi. Để người đời sau biết và nhớ đến người trồng cây, huyện Thanh Hà đã thực hiện Dự án "Cải tạo, bảo tồn cây vải tổ". Các hạng mục của dự án như: nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm (người có công đưa cây vải thiều đầu tiên về trồng tại thôn Thúy Lâm), nhà khách, khuôn viên ao, tường bao xung quanh, bãi đỗ xe và một số công trình phụ trợ khác đến nay đã hoàn thiện sẵn sàng đón du khách khắp nơi về thăm. Biết ơn người trồng cây vải tổ, huyện Thanh Hà cũng đã lập tấm bia ngay dưới gốc cây với dòng chữ: "Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải thiều tổ". Nhân dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đã về đây và treo tấm phướn "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (ông Tổ vải thiều)".

Theo ông Lượm, cháu cụ Cơm, quả ở cây vải tổ có chất lượng khác xa vải thiều cây ở các nơi và ngay chính vải thiều ở trong thôn Thúy Lâm này cũng khó có cây nào trái ngon đến thế. Quả của cây vải tổ tuy nhỏ nhưng gai lỳ, bóng mượt, vỏ mỏng, cùi dày, giòn, hạt nhỏ, khi bóc không bị chảy nước. Vải có vị ngọt đậm, hương thơm nồng nàn dễ chịu lan tỏa khi thưởng thức. Mỗi mùa vải chín, cây vải tổ lại đón hàng trăm lượt khách về đây tham quan. Họ đến đây để thực hiện đạo lý tốt đẹp của người Việt "ăn quả nhớ người trồng cây"

Nâng tầm giá trị
Trải qua năm tháng, cây vải thiều đã bám rễ, ăn sâu ở nhiều vùng đất ở Thanh Hà và nhiều vùng miền khác nhau ở Hải Dương. Phù sa những con sông lớn của nơi đây đã ôm ấp, vun đắp cho những miệt vườn hoa trái sai trĩu quả hằng năm, trong đó có cây vải. Cây vải thiều cũng đã được nông dân Chí Linh ươm trồng và cho nhiều mùa quả ngọt. Những năm gần đây, quả vải thiều Hải Dương ngày càng được nâng cao giá trị. Bởi chất lượng, thương hiệu quả vải đã được khẳng định. Thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng. Khi thương hiệu đã được khẳng định, nông dân Hải Dương vẫn tiếp tục nỗ lực để nâng giá trị cho loại quả đặc sản nổi tiếng này. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: "Hiện nay huyện đang tích cực tìm giải pháp để nâng giá trị cho quả vải. Để làm được điều này, đòi hỏi người nông dân phải tận tình chăm sóc để quả vải không chỉ có mã đẹp mà phải có chất lượng tốt. Thị trường tiêu thụ phải được mở rộng. Vải thiều Thanh Hà không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh được nhiều thị trường xuất khẩu".

Ban thờ cụ Hoàng Văn Cơm tại gian thờ tổ, thôn Thúy Lâm. 

Hiện nay, vải thiều Hải Dương còn được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh sơ chế, chế biến thành nước giải khát, sấy khô để xuất khẩu sang các thị trường. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) đã xuất khẩu thành công vải cấp đông sang thị trường Hàn Quốc khẳng định: "Nâng giá trị cho quả vải thiều không khó nhưng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của chính người nông dân. Bởi để xuất khẩu thành công quả vải phải được chăm sóc theo quy trình an toàn". 

Hiện ông Hoàng Văn Lượm - cháu đời thứ 5 của cụ Cơm, được dòng họ giao cho bảo quản, chăm sóc Khu di tích cây vải tổ. 

Những mùa vải ngọt vẫn tiếp nối. Người trồng vải vẫn cần mẫn để cây vải phát triển tốt tươi, sinh sôi, nảy nở khắp các vùng miền trong cả nước nhưng họ vẫn không quên mảnh đất Thúy Lâm (Thanh Hà) nơi có cây vải tổ vẫn tỏa bóng qua trăm năm. 

Trải qua các vòng kiểm định khắt khe với đầy đủ cứ liệu thuyết phục, năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã công nhận cây vải tại vườn nhà cụ Hoàng Văn Cơm là Cây vải tổ.



Hải Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét