7 thg 6, 2018

Công viên thống nhất ở Quảng Trị: Biến nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình

Cột cờ Hiền Lương trong tổng thể khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. 

Sau 64 năm diễn ra sự kiện chia cắt đất nước bằng vĩ tuyến 17 qua sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị xúc tiến xây dựng di tích đặc biệt này để tạo động lực phát triển, xây dựng biểu tượng khát vọng hòa bình của đất nước Việt Nam bên sông Bến Hải.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - chia sẻ: “Đến lúc rồi, không thể chần chừ nữa, chúng ta cần xóa đi ám ảnh về nỗi đau chia cắt, thay vào đó là khát vọng hòa bình. Đó mới là tinh thần của dân tộc”.

Trao đổi với chúng tôi về dự án xây dựng công viên Thống Nhất - tên gọi mới của di tích đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, ông Nguyễn Văn Hùng đầy hào hứng đề cập tới kế hoạch thay mới diện mạo của di tích đặc biệt này.

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh gồm các xã: Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn và thị trấn Cửa Tùng của Vĩnh Linh. Bờ kia là xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nơi này đã chứng kiến sự kiện chia đôi đất nước thành 2 miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ - Ngụy.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 20.7.1954, vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải trở thành ranh giới 2 miền Bắc - Nam để chờ đến tháng 7.1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng, với những biến động của lịch sử nằm ngoài dự liệu, đất nước tiếp tục bị chia cắt cho đến 21 năm sau mới giành được độc lập, thống nhất.

Vì vậy, vĩ tuyến 17 là cái tên mãi mãi mang theo khát vọng hòa bình, là nỗi thương nhớ 2 bờ, là vết thương chiến tranh phải được hàn lại bằng những thanh bình hôm nay.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ khánh thành tượng đài chiến sĩ Công an Nhân dân Vũ trang bảo vệ giới tuyến trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vào tháng 9.2018, để hướng đến kỉ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng (tiền thân là Công an Nhân dân vũ trang) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân vào năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - chia sẻ đầy phấn chấn nhân sự kiện này: “Đây là niềm khích lệ lớn đối với tỉnh Quảng Trị, khởi động và thúc giục chúng tôi sớm hoàn thành mong muốn trùng tu, nâng cấp toàn bộ di tích, xây dựng công viên Thống Nhất đã được Chính phủ thông qua năm 2014, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình”.

Hiện nay, sinh sống tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn những cựu chiến binh từng là chiến sĩ công an nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến trước đây. Họ lưu giữ niềm tự hào từng chứng kiến những ngày tháng lịch sử của dân tộc.

Vào thời điểm đó, những đơn vị bảo vệ giới tuyến tạm thời sau Hiệp định Giơnevơ được tôi luyện trong chiến đấu và trưởng thành trên miền bắc xã hội chủ nghĩa vừa làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực phi quân sự, vừa chi viện cho chiến trường Quảng Trị, các tỉnh phía Nam và cách mạng Lào, hình thành và phát triển theo quy cách tổ chức lực lượng vũ trang.

Trước đây, khu di tích Hiền Lương - Bến Hải có 1 tượng đài Chiến sĩ Công an Nhân dân Bảo vệ Giới tuyến. Tượng đài này nhỏ và bị xuống cấp theo thời gian, thường bị nước sông Bến Hải dâng cao nhấn chìm.

Việc xây dựng tượng đài Chiến sĩ Công an Nhân dân Bảo vệ Giới tuyến mới như 1 biểu tượng của 1 thời kỳ lịch sử, 1 công trình mỹ thuật, văn hóa có ý nghĩa đối với sự phát triển du lịch, kinh tế xã hội địa phương, khích lệ niềm tự hào dân tộc và có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho nhiều tầng lớp nhân dân, là hành động mang ý nghĩa đặc biệt của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Toàn bộ khu vực đôi bờ Hiền Lương bên sông Bến Hải thấm đẫm màu sắc anh hùng ca gồm cây cầu Hiền Lương huyền thoại, nhà Liên hợp, Cột cờ Hiền Lương, Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn Công an Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Đồn Công an Cửa Tùng, Trạm Cảnh sát bờ Nam, Cụm tượng đài Khát vọng Thống nhất, các bến đò Cửa Tùng, Tùng Luật, Lũy, Thượng Đông, Dục Đức.

Một cựu chiến binh chia sẻ, có thể vì di tích mang dấu ấn của sự chia cắt đất nước nên không ai muốn nhớ đến, bị bỏ quên nhiều năm qua không tu sửa, mặc cho mưa nắng làm hỏng hóc, rêu phong nhiều công trình. Lui tới địa danh này nhiều nhất vẫn là các cựu chiến binh, các học sinh sinh viên, lực lượng vũ trang trong các bài học giáo dục truyền thống, còn khách du lịch tỉ lệ rất ít.

Nhân lực và vật lực đầu tư cho di tích ít ỏi, xuống cấp, tẻ nhạt và hiệu ứng lịch sử truyền thống cũng mờ dần đi. Điều đó không xứng đáng cho 1 di tích tầm cỡ đánh dấu 1 giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Chỉ còn phương án gìn giữ lịch sử để làm nội lực cho sự phát triển - Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định. Công trình Tượng đài Chiến sĩ Công an Nhân dân Vũ trang bảo vệ giới tuyến đặt bên cạnh kỳ đài Hiền Lương, đối diện với cụm tượng đài Khát vọng Thống nhất bên kia sông tạo thành 1 trục hướng Bắc Nam với hàm ý non sông nối liền 1 dải.

Ở đây sẽ có thêm màu sắc tươi sáng của hòa bình trên nền lịch sử được lưu giữ nguyên vẹn. Dự kiến, công viên Thống Nhất tại bờ Bến Hải có tổng diện tích hơn 51 ha, mở rộng mới khoảng 30 ha so với hiện trạng. Một số hạng mục công trình dự kiến trong quy hoạch như khu điều hành, khu dịch vụ ẩm thực, vườn hoa - cây xanh, khu cắm trại dã ngoại, khu “Vườn tượng hòa bình” với các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng đá với tổng kinh phí hơn 150 tỉ đồng.

Cảnh quan khu vực này sẽ đẹp và xứng đáng là điểm tham quan mới và là nơi thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

TRƯƠNG THÚY HẰNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét