15 thg 4, 2015

Yên bình bản làng Pù Luông

Những bản làng nằm yên bình trong các thung lũng, bốn bề được bao bọc bởi rừng nguyên sinh xanh thẫm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (nằm giữa hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang là điểm đến hấp dẫn đối với những du khách ưa khám phá, đặc biệt là những du khách ngoại quốc. 


“Hơn cả sự mong đợi”

Sau hơn một giờ đồng hồ chạy xe máy từ thị trấn Cành Nàng, H.Bá Thước, chúng tôi có mặt tại bản Hiêu (xã Cổ Lũng, H.Bá Thước), vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Trên con đường quanh co men dưới chân dãy Pù Luông, từng tốp khách du lịch người châu Âu đang trở về những căn nhà sàn trong bản sau một ngày đi bộ khám phá núi rừng.


Dòng thác Hiêu vào mùa khô giờ như một con suối nhỏ được người dân trong bản ngăn đôi chia nước về hai ngả để tưới cho những thửa ruộng bậc thang. Rất nhanh, sương chiều giăng kín len vào các ô cửa nhà sàn khiến cái lạnh của chiều đông ở chốn rừng núi thâm u thêm tê buốt.

Bên ánh lửa hồng giữa căn nhà sàn của anh Hà Văn Tùng, ở bản Hiêu, vợ chồng John Brown (quốc tịch Anh) phấn kích kể lại những trải nghiệm dưới chân dãy Pù Luông. “Quá thú vị”, “hơn cả sự mong đợi”, “khác quá xa hình dung”..., John Brown thốt lên.

“Chúng tôi đã từng qua nhiều điểm du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Mộc Châu, Sa Pa, Mai Châu… nhưng không một nơi nào như Pù Luông. Ở đây, chúng tôi được nghe cả tiếng thở của bầy trâu, tiếng vịt kêu bên khe suối vào mỗi buổi sơm mai. Và đặc biệt là được hòa vào với nếp sống bình lặng của những cư dân sinh sống giữa rừng già… Tuyệtt!”, John Brown nói. 

Những bản làng yên bình trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông 

Còn theo anh Lê Quốc Dũng, hướng dẫn viên du lịch cho một công ty có trụ sở tại Hà Nội, thường đưa khách tới Pù Luông, hầu hết khách du lịch ngoại quốc khi đến đây đều tỏ ra thích thú khi được cảm nhận rõ nhất vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, sống cùng những phong tục và nếp sinh hoạt của người dân bản địa.

Cũng theo anh Dũng, chính cuộc sống tự cung tự cấp của người dân trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã mang lại cho du khách một loại hình du lịch đặc sắc với giá cả phải chăng, mà hiếm nơi nào có được. Bình quân mỗi đêm lưu trú tại nhà dân trong bản chỉ mất khoảng từ 40.000 - 60.000 đồng/người; một bữa ăn với những sản vật địa phương như vịt Cổ Lũng, cơm lam, sắn lùi, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, ốc núi, cua đá… cũng chỉ khoảng 50.000 đồng/suất.

Vừa bảo tồn vừa tạo sinh kế cho người dân

“Mỗi tháng tôi đưa khoảng từ 3 - 4 đoàn khách từ Hà Nội vào đây. Đến Pù Luông mùa nào cũng đẹp, nhưng du khách đến đông nhất thường là vào tháng 3, tháng 4, tháng 10, tháng 11, khi lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang quanh các bản Hiêu, Son, Bá, Mười trong vùng lõi của Pù Luông. Du khách nước ngoài rất mê sự hoang sơ ở nơi đây. Cái họ cần nhất khi lưu trú tại những nơi như thế là vệ sinh an toàn thực phẩm và nơi ở phải có các công trình vệ sinh sạch sẽ”, anh Dũng nói.




Du khách châu Âu trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa trong những ngôi nhà sàn - Ảnh: Ngọc Minh 

Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Luông, cho biết những năm gần đây nhiều du khách châu Âu đã chọn Pù Luông làm nơi khám phá khi tới Việt Nam. Lượng khách ổn định và tăng đều qua từng năm. Theo thống kê năm 2014, khu bảo tồn này đón khoảng 4.000 lượt khách du lịch tham quan, trong đó có tới hơn 3.500 du khách quốc tế, chủ yếu mang các quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Bỉ, Hà Lan, Đức, Ý, Thụy Sỹ. Qua các dịch vụ lưu trú và ăn uống, nhiều hộ dân trong vùng lõi của khu bảo tồn đã có nguồn thu ổn định.

Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho những hộ dân tham gia làm du lịch, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ du khách; hỗ trợ người dân khung dệt cùng vật liệu để sản xuất các mặt hàng lưu niệm bán cho du khách.

“Chính sự hỗ trợ mang tính sinh kế của chúng tôi đã giúp người dân có thêm thu nhập và chính họ đã tích cực tham gia cùng bảo vệ sự nguyên vẹn của Pù Luông như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Và chỉ có sự nguyên vẹn của Pù Luông mới hấp dẫn được du khách tìm đến tham quan, khám phá”, ông Sự nói. 

- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha nằm trên khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc với 3 kiểu rừng chính là rừng rậm  trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.

Theo “điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa” của Viện Sinh thái công bố năm 2013, khu bảo tồn này hiện có 1.542 loài thực vật và 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á, cầy vằn bắc...

Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, hệ sinh thái mà Pù Luông còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của tây bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang và các làng bản dân tộc ít người ven suối.

Nơi đây có thác nước bản Hiêu hùng vĩ quanh năm không bao giờ cạn nước cùng hệ thống hang động kỳ thú, trong đó hang Kho Mường là một trong những hang động đẹp nhất ở Pù Luông. Hang Kho Mường có chiều dài khoảng 2,5 km dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pồn thuộc xã Lũng Cao xuống Cổ Lũng. Nơi đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, bởi vậy nó còn được người dân gọi là hang dơi…



Ngọc Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét