8 thg 4, 2015

Thăm đền thờ tổ nghề kim hoàn hơn 120 năm tuổi ở Sài Gòn

Nằm gần cuối con đường Trần Hưng Đạo (số 586, Q.5), Lệ Châu Hội quán chính là Đền thờ tổ nghề thợ kim hoàn sớm nhất tại Sài Gòn, được thành lập từ năm 1892.

Ngay từ cổng vào hội quán, tấm bảng hiệu đã ghi rõ: Thành lập năm 1892, đại trùng tu 1934. Theo những người xưa, hội quán khi mới cất xong vào năm 1892 có tên gọi là Nhà thờ tổ kim hoàn. 


Sau một lần sửa sang vào năm 1929, năm 1934, hội quán được đại trùng tu với các cột bằng gỗ lim, mái ngói móc lợp theo kiểu âm dương, phía trước đền có bộ cửa sắt bao bọc, trên vòm cửa có thêm bốn chữ: Lệ Châu Hội Quán bằng đồng. Thêm một lần sửa chữa vào năm 1946. Đến năm 1968 tiếp tục được trùng tu rồi kiến trúc này tồn tại cho đến ngày nay. 

Những chạm khắc gỗ xưa tinh tế trong hội quán 

Nhà thờ tổ nghề kim hoàn ngoài việc thờ tổ (hai ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương), ngày xưa còn là nơi quy tụ những người thợ kim hoàn giỏi giang (người Nam Bộ gọi là thợ bạc). Bên cạnh hai vị tổ sư, hội quán lập ra còn để nhớ ơn ba người họ Trần (ba anh em ruột và đều là học trò của ông Cao Đình Hương) là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền. Ba người họ Trần đã vào vùng Sài Gòn - Chợ Lớn truyền dạy nghề thợ bạc. Sau một thời gian, các ông tiếp tục qua Nam Vang (Campuchia) Lào, Thái Lan truyền nghề rồi không trở về nữa.

Cũng có tích kể rằng, cái tên Lệ Châu là do các học trò thợ bạc Chợ Lớn chọn Lệ Châu, với nghĩa là nước mắt để nói lên nỗi mất mát, thương nhớ những người thầy của mình. 

Hình ảnh lăng mộ tổ sư thợ bạc ở Huế 

Bàn thờ Tổ nghề tại hội quán 

Qua 123 năm, Lệ Châu Hội quán vẫn nằm trên một khuôn viên rộng hơn 800m2, tường gạch tô, mái lợp ngói âm dương, trước có sân rộng. Tuy nhiên, chung quanh đã bị bao bọc bởi những công trình kiến trúc hiện đại. 

Chiếc chuông đồng cổ 

Như nhiều nhà tổ khác, chính điện Lệ Châu Hội quán có ba khám thờ, được trang trí bằng những bao lam chạm trổ sắc nét. Khám thờ lớn ở giữa có bài vị chạm hai chữ Tổ sư theo lối đại tự, thờ Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ và Đệ nhị Tổ sư Cao Đình Hương. Hai khám thờ hai bên thờ các vị tổ đời thứ hai, là ba anh em họ Trần và ba anh em họ Huỳnh, là những người có công phổ biến nghề kim hoàn trên khắp đất nước Việt và các nước lân cận. 


Chiếc lư đồng lớn, quai chạm đầu kỳ lân mắt ngọc 

Trong đền còn có những hiện vật quí, như trống lớn và chuông cao hơn 1 mét, bình phong chạm khắc tinh xảo, lư hương lớn bằng đồng, con lân chạm trên lư có đôi mắt bằng ngọc thạch… 

Bình rượu cổ bằng đồng, chỉ mang ra khi cúng tế 

Năm 1998, ban quản trị Lệ Châu Hội quán đã ra từ đường họ Kim Hoàng ở Huế để rước hai bản sao sắc phong thần do vua Khải Định và vua Bảo Đại đã ban cho hai vị tổ. Hai bản sao này mỗi khi tế lễ đều được treo lên. 


Hai bản sắc phong (bản sao) 

Trong đền còn có một tủ trưng bày những món trang sức như vòng tay, khoen tay, trâm cài... bằng vàng, bằng bạc cực kỳ tinh xảo. Cho thấy tay nghề những người thợ bạc Việt Nam xưa nay đều tài hoa đến dường nào. 


Các loại nữ trang xưa, bày trong tủ kính 

Ngoài giá trị về kiến trúc, văn hóa, Lệ Châu Hội quán còn là nơi để những người theo nghề thợ bạc tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công truyền dạy nghề. Cũng là nơi hàng năm, vào 3 ngày lễ giỗ tổ (6, 7, 8 tháng 2 Âm lịch), hàng ngàn người trong ngành kim hoàn ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây đến để cúng bái và chia sẻ những tâm tư trong nghề nghiệp. 


Lễ giỗ tổ thợ bạc vào ngày 8 tháng 2 Âm lịch vừa qua 

Heo quay cúng tổ 

TRÂN DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét