6 thg 4, 2015

Bình – Tĩnh du xuân

Mới nghe, cứ ngỡ là tour ung dung, thư thả; sống chậm để hưởng xuân. Ai dè, đọc kỹ, mới hay các nhà thiết kế tour chơi chữ: Bình là Quảng Bình, Tĩnh là Hà Tĩnh; nghĩa là du xuân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Từ Hà Nội hay Sài Gòn cũng nên bay ra Huế rồi đi ô tô đến Quảng Bình. Ngày đầu, bay sớm, có thể tranh thủ ghé Thánh địa La Vang, Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương, Lũy Thầy… Ngày thứ hai dành hẳn cho Quảng Bình. Ai đã đi khắp các hang động nổi tiếng ở Việt Nam; từ Thiên Cung (Hạ Long), Phong Nha và Tiên Sơn (Quảng Bình) đến Ngườm Ngao (Cao Bằng)… thường cho rằng Phong Nha đẹp và hoành tráng nhất. Nhưng nhận định trên sẽ bị đảo lộn khi đến động Thiên Đường.

Bãi Đá Nhảy, một thắng cảnh ở Quảng Bình.

Đúng như tên gọi, Thiên Đường là một trong những hang động đẹp, kỳ ảo, có chiều dài 31,5 km, đang được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư và khai thác. Đến Thiên Đường phải theo đường Hồ Chí Minh qua Phong Nha chừng 27 km. Vừa xuống xe ngay cổng, khách đã cảm thấy sự khác biệt. Khí hậu dịu hơn, không gian thoáng đãng và sự chăm chút của con người. Có thể đi xe điện với các nữ lái xe duyên dáng hay trekking (tạm gọi đi bộ dã ngoại) thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trên đoạn đường khoảng chừng 1,5 km.

Để lên cửa hang ở độ cao 360 m, có hai lựa chọn. Nếu có sức thì vượt 524 bậc thang đường thẳng. Còn không thì đi dốc vòng, cũng chưa tới 1 km. Giới đi du lịch có một “phương châm” dã ngoại khi leo dốc là “Ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau” và khi xuống dốc là “Ngực tấn công, mông phòng thủ”. Theo kinh nghiệm của tôi, khi lên nên đi đường dốc và xuống bằng cầu thang. Một điều khá thuận lợi cho du khách là nơi đây được nhà đầu tư chăm chút từng lối đi, thùng rác cho đến nhà vệ sinh…

Cửa động hẹp và nhỏ đến bất ngờ, nhưng chỉ mấy bước là Thiên Đường hiện ra, lộng lẫy, hớp hồn du khách. Hầu như du khách thực sự choáng ngợp với sự kỳ ảo của vô số thạch nhũ và măng đá, từ hình dạng đến màu sắc, từ tuổi đá đến cấu tạo. Động khô, không có sông ngầm và khá bằng phẳng. Hệ thống cầu thang gỗ khang trang, dài hơn 1.000 m, rộng 2 m, vững chãi đón khách thưởng ngoạn, cứ như lạc vào lâu đài cổ tích đá. Cách quãng, lan can lại được biến tấu thành ghế dựa cho khách nghỉ chân. Các bóng đèn LED được bố trí khéo léo, tạo cảm giác gần gũi như ánh sáng tự nhiên. Động dài 31,5 km nhưng chỉ mới đưa vào khai thác hơn 1 km. Bề ngang rộng nhất gần 200 m, chỗ hẹp nhất chừng 30 m. Trần động, nơi cao nhất chừng 80 m, chỗ thấp nhất chỉ hơn 10 m. Nếu có điều kiện thì “Khám phá tiếp 6 km động Thiên Đường” bằng treking và bơi xuồng kayak.

Động Phong Nha, nơi du khách thường tìm đến khi ghé Quảng Bình.

Động Thiên Đường đẹp kỳ ảo với vô số thạch nhũ đủ hình dạng, màu sắc.

Hang Tám Cô nổi tiếng linh thiêng với nhiều câu chuyện ly kỳ hư thực. Chỉ có bốn nữ nhưng chẳng hiểu sao lại gọi là Tám Cô? Trước hang có cây Tình Yêu (cây si quấn chặt cây lim) thắm thiết. Rồi cây chuối cô đơn (chuối thường mọc theo cụm) cao gần 8 m và ra tám buồng trái. Cặp tắc kè núi sinh tám trứng và kêu tám tiếng… Ngày 14-11-1972 (trước hiệp định Paris hơn 2 tháng), bom Mỹ thả đã khiến 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh và làm sập cửa hang, bít lối ra của tám thanh niên xung phong, trong đó có bốn nữ. Họ đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1996, mãi 24 năm sau, mới phá được cửa hang để xây đền thờ. Trước khi tạm biệt Quảng Bình, nhớ viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, danh tướng huyền thoại quân sự không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới; rồi vượt sông Gianh, qua đèo Ngang đến Hà Tĩnh.

Ngày thứ ba, trẩy hội chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Đây là chùa Hương gốc, xây dựng từ thế kỷ XIII; trước phiên bản chùa Hương ở Hà Tây, Hà Nội 400 năm. Chùa còn giữ nguyên nét cổ kính hoang sơ, nằm lưng chừng ngọn Hương Tích, cao 550 m – một trong bảy ngọn núi đẹp của 99 ngọn Hồng Lĩnh mây vờn, gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng đi tìm chốn đậu càng thêu dệt nên nhiều câu chuyện huyền bí.

Để lên tới đỉnh chùa, phải đi thuyền chừng 2 km qua lòng hồ nhà Đường (địa phương gọi là hồ nhà Đờng), có từ thời Bắc thuộc. Hồ đẹp như tranh vẽ. Sau đó, vượt thêm 2 km đường rừng rợp bóng thông, dịu hương cỏ cây hoa lá, nhấp nhô đá suối. Khách bộ hành nhịp bước theo tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Lâm Tuyền như một bản nhạc du dương và cảnh sắc trên đường thay đổi liên tục, tạo cho du khách sự an tịnh thành tâm; không xô bồ thế tục. Sau cùng là lên cáp treo chừng 15 phút để tới sân chùa. Nếu không đủ sức đi bộ thì có thể đi xe ôm hoặc xe điện vào thẳng ga cáp treo.

Khu di tích có am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương và lên cao hơn nữa là vườn Trang Vương. Phía sau chùa là những tảng đá lớn vươn ra che chở, những thân cây cổ thụ tỏa bóng rêu phong tạo nên vẻ u tịch, trầm tư, thiêng liêng, huyền ảo. Trong thượng điện, còn lưu giữ nhiều bảo vật mang giá trị mỹ thuật cao, đặc biệt là Hồng Chung được đúc vào năm 1741, dưới thời Cảnh Hưng, nặng khoảng 200 kg, trang trí bốn mặt cân xứng tương ứng với bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Nhà Tam Bảo, tuy không cao lớn, nhưng thâm nghiêm u tịch, hội đủ Tam thế Phật với nhiều Phật tích, huyền thoại về đời và đạo khiến lòng người gần thêm với cõi thiện. Am Quan Âm, mà dân địa phương vẫn gọi là am Phật Bà, được tạo ra từ một động đá tự nhiên khá sâu, từ xa xưa, phần cửa động được xây dựng thành một bảo tháp, trang trí họa tiết, linh vật đặc trưng mỹ thuật thời Lý-Trần.

Điểm nhấn tiếp theo là viếng mộ và tham quan khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Tìm hiểu cuộc đời thăng trầm và sự nghiệp của ông, để hiểu hơn kiệt tác văn học truyện Kiều, rồi suy ngẫm và liên hệ những chuyện đời.

Ngày thứ tư của hành trình là vườn Thị cổ tích, ở Nghi Lộc, Nghệ An. Những gốc thị khổng lồ, gần 700 tuổi, từng buộc voi chiến của nghĩa quân Lam Sơn (đầu thế kỷ XV) và quân sĩ Quang Trung (1789) để làm nên những chiến tích hiển hách. Có thể xin mấy cây thị con về gây giống. Rồi lên núi Quyết, viếng đền thờ Quang Trung và hiểu thêm về Phượng Hoàng trung đô.

Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét