27 thg 4, 2015

Ngật ngưỡng giữa chợ vùng cao

Trên vùng cao phía Bắc, đến đâu cũng gặp “đặc sản rượu” chưng cất từ gạo, ngô, sắn, thóc... với các “thương hiệu” gắn liền với vùng đất như: Rượu ngô Thanh Vân (Hà Giang), rượu ngô Mường Khương (Lào Cai), rượu ngô Na Hang (Tuyên Quang), rượu ngô Bắc Hà (Lào Cai), rượu San Lùng Bát Xát (Lào Cai), rượu táo mèo... Và dĩ nhiên, còn có vô khối thứ rượu khác được ngâm với lá, củ, quả rừng.

Một gia đình chuyên cung cấp rượu ngô ở xã Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang). Do phải liên tục cung cấp cho thị trường nên dụng cụ nấu rượu không còn truyền thống như trước mà được “hiện đại hóa” bằng nồi nhôm, bếp than và men nấu, được mua đại trà ngoài chợ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi lít "rượu ngô đặc sản Hà Giang” này, được bán với giá chỉ 20 nghìn đồng 


Rượu vùng cao không chỉ dùng trong các dịp Lễ Tết, giỗ chạp - ma chay - cưới hỏi mà còn là thức uống quen thuộc mỗi sáng, trưa, chiều, tối ở nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ở các buổi chợ phiên vùng cao, dãy hàng quán bán rượu luôn thu hút sự chú ý của cánh đàn ông con trai, thậm chí cả một số phụ nữ từ bản xa xuống chợ. Bán được con gà, mớ rau, bó củi để mua gạo, muối, dầu đèn phục vụ cuộc sống thường nhật, số tiền còn lại chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng để dành mua chai rượu và ngồi trò chuyện, tâm sự cho đến khi tàn chợ, mới ngật ngưỡng về bản, bắt đầu những ngày vất vả kiếm sống và chờ đến phiên chợ sau xuống núi, lại sà vào quán rượu, thành vòng luẩn quẩn bao đời nay.

Rất nhiều hệ lụy từ việc uống rượu đã xảy ra trên vùng cao, như: Tai nạn giao thông; bạo hành gia đình; bệnh tật; đói nghèo, thậm chí cả những vụ tự tử... nhưng mọi cố gắng động viên, giáo dục, thuyết phục của chính quyền - Đoàn thể cơ sở đối với những người nghiện rượu, hay dùng rượu vẫn chỉ mang tính phong trào.

Một số hình ảnh ghi lại từ những “khu uống rượu” ở chợ vùng cao. 

Hàng bán rượu ở chợ Bắc Hà (Lào Cai) 

Rượu ngô Bắc Hà trong vắt và giá bán chỉ 30 nghìn đồng/ chai 

Quán rượu là nơi những người đàn ông gặp gỡ, tâm sự khi gặp nhau 

Bình đẳng trong cách chạm chai, khi gặp nhau 

Ông uống rượu, cháu uống sữa 

Thẫn thờ cùng rượu 

Vợ gọi nhưng nhất quyết không chịu về 

Say quá, phải nhờ người dìu 

Ngủ gục bên đường, túi vẫn đút nguyên chai rượu 


Hai vợ chồng cùng say, nên phải dừng lại ngủ cho giã rượu 

Ai uống cứ uống, ai say cứ vạ vật 

Mai Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét