9 thg 4, 2015

Văn hóa sông nước miền Tây ở chợ nổi Ngã Năm

Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 60km, chợ nổi Ngã Năm là một trong những nơi đậm nét văn hóa vùng sông nước Nam bộ.

Tên gọi Ngã Năm xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp. Nhiều người bắt đầu tụ họp về đây để giao thương, dần dần trở thành nơi buôn bán đặc thù của dân Nam bộ. 


Chợ là điểm giao của năm con sông theo các ngả, gồm Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua và Phụng Hiệp xuống. Đây là một trong những chợ nổi lâu đời, nhộn nhịp nhất đồng bằng sông Cửu Long. 

Từ mờ sáng, chợ nổi Ngã Năm đã hoạt động. Khu vực trung tâm có đến hàng trăm ghe, tàu đủ loại đậu san sát. Những ngày cuối tuần, lễ, tết chợ càng nhộn nhịp và náo nhiệt hơn. 

Mọi hoạt động buôn bán, sinh hoạt đều diễn ra trên ghe. 

Ghe lớn, nhỏ từ các nơi đến đây để mua bán, trao đổi đủ loại hàng hóa. Chợ Ngã Năm đóng vai trò đầu mối, các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm tươi sống, trái cây, lúa gạo... 

Cây bẹo là hình thức quảng cáo độc đáo ở chợ nổi. Chủ ghe thường treo những mặt hàng tượng trưng và muốn bán lên cây bẹo để người mua từ xa dễ dàng nhìn thấy, tìm đến. 

Trái cây miệt vườn là mặt hàng phong phú nhất ở chợ nổi. 

Vẻ đẹp mộc mạc đậm chất Nam bộ nơi đây. 

Chợ đông vui giữa lời mời gọi của những bạn ghe, hàng quán di động với các món như cháo, bún nước lèo, hủ tiếu, cà phê... Tất cả tạo nên nét đẹp riêng cho chợ nổi Ngã Năm. 

Đĩa cơm sườn với giá 10.000 đồng ở chợ nổi. 

Không chỉ hòa mình vào hoạt động buôn bán tấp nập trên sông, bạn còn được quan sát cảnh sinh hoạt của những cư dân bản địa. Đời sống nơi đây thường khiến người lần đầu đến sông nước miền Tây cảm giác tò mò. 

Khi chợ kết thúc, những chiếc ghe lại len lỏi vào kênh rạch khắp nơi để bán lẻ hoặc tấp vào bờ, chuẩn bị cho phiên chợ ngày sau. 

Bùi Hiệp – Trần Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét