14 thg 11, 2014

Tản mạn cà phê Hà Nội

Tôi nhớ năm 1986 lần đầu tiên ra Hà Nội, thèm cà phê đi tìm hoài mà không thấy. Đến khi tìm được quán rồi thì lại ngơ ngẩn khi chủ quán hỏi: Đen hay nâu?, bởi từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ ở trong Nam chỉ biết tới cà phê đen chớ làm gì có cà phê nâu? Còn đến khi uống cà phê thì than ôi, nó nhạt thếch chán phèo. Chưa hết, khi uống ly cà phê đen xong thì không có nước trà uống. Muốn uống trà thì phải kêu thêm và phải trả thêm tiền (và nhớ phải gọi là chè chứ không phải là trà nhé!). Về Nam, tôi khẳng định với mọi người: Hà Nội không biết uống cà phê, chỉ biết uống chè thôi!

Khoảng năm 1999, tôi nhớ rằng khi ra Hà Nội uống cà phê xong muốn uống trà vẫn phải gọi thêm một ly trà và tính thêm tiền.

Không biết thói quen ấy thay đổi từ bao giờ, nhưng từ năm 2000 trở về sau uống cà phê ở Hà Nội cũng giống như ở Sài Gòn. Chất lượng cà phê, phong cách phục vụ, không gian quán, mặt bằng giá đều tương tự. Tương tự thôi, chứ Hà Nội vẫn là... Hà Nội, không phải Sài Gòn. Thí dụ, có lần uống cà phê Wifi ở Hà Nội, tôi mở tablet ra và hỏi người phục vụ hotspot nào và password. Hắn chỉ một hotspot và bảo: Cái này khỏe hơn ạ! Ơ, tôi mất mấy giây để hiểu rằng câu này tương tự như câu: Cái này mạnh hơn! ở Sài Gòn.

Quán cà phê ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Lê Hồng Phong, Hà Nội

Mãi gần đây, tôi mới biết người Hà Nội cũng uống cà phê từ rất lâu rồi, tận thời Pháp thuộc (nhưng chắc không giống và không nhiều bằng Sài Gòn). 5 quán cà phê xưa nhất Hà Nội và bây giờ vẫn còn tồn tại được khai sinh ra từ thập niên 1940, 1950 của thế kỷ trước. 5 quán cà phê đó là Lâm, Năng, Giảng, Nhân, Nhĩ. Tên quán chỉ có một chữ và thường là tên ông chủ sáng lập quán. Hiện giờ các vị khai sáng đều đã qua đời, quán do con cháu các cụ quản lý, nhưng vẫn cố giữ nét truyền thống xa xưa.

Trong 5 quán cà phê ấy tôi đã có dịp đến 2 quán là Lâm và Giảng.

Cà phê Lâm có chủ quán đầu tiên là cụ Nguyễn văn Lâm, ra đời năm 1952. Quán nằm ở đường Nguyễn Hữu Huân từ 1960 đến giờ. Điều nổi tiếng của quán là nơi đây là nơi các văn nghệ sĩ vang danh một thời như Văn Cao, Hữu Loan, Bùi Xuân Phái, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Tô Hoài... thường đến uống cà phê. Trong quán còn trưng bày rất nhiều tranh và bút tích của các văn nghệ sĩ ấy.

Bên trong cà phê Lâm, 91 Nguyễn Hữu Huân có rất nhiều tranh Bùi Xuân Phái

Quán cà phê nhỏ xíu, những cái bàn nhỏ xíu, những chiếc ghế đẩu nhỏ xíu. Có lẽ đó là cái không gian xưa cổ của quán cà phê Hà Nội thế kỷ trước. Có lẽ điều lớn nhất ta thưởng thức ở đây chính là không gian của quán, với những bức tranh cổ...

Cà phê Giảng xưa hơn, do cụ Nguyễn văn Giảng mở ra từ 1946. Cụ Giảng là nhân viên pha chế của khách sạn Metropole (Pháp). Hiện giờ có 2 quán Giảng do 2 người con của cụ Giảng mở ra, một quán ở đường Yên Phụ, một ở 39 Nguyễn Hữu Huân.

Tiếng là số 39 Nguyễn Hữu Huân (mặt tiền), nhưng cái mặt tiền của cà phê Giảng chỉ có... 1 met, nên đi ngang qua dễ bị khuất mắt (phố cổ Hà Nội chật hẹp mà). Bước vào con hẽm khoảng vài chục mét mới tới quán. Và bước vào trong, cũng phong cách quán cà phê cổ Hà Nội: bàn nhỏ xíu, ghế nhỏ xíu. Trên tường thì thay vì tranh cổ của Bùi Xuân Phái là những tấm ảnh cũ của gia đình cụ Giảng để chứng tỏ đây là quán... Giảng gin!

"Mặt tiền" cà phê Giảng là đây, chỉ khoảng 1 met.

Bên trong là bàn nhỏ, ghế nhỏ, trên tường là ảnh gia đình cụ Giảng

Điểm nổi tiếng của cà phê Giảng là món cà phê trứng. Nghe nói đây là món do cụ Giảng sáng chế ra từ món cà phê capuccino lúc làm việc cho khách sạn Metropole. Trong danh sách các loại cà phê ngon nhất thế giới do tạp chí Buzzfeed bình chọn mới đây thì cà phê trứng Hà Nội xếp hàng đầu (xem tại đây)! Thức uống này là sự kết hợp của lòng đỏ trứng gà, sữa, đường, bơ. Tất cả được đánh mịn lên rồi uống cùng cà phê nóng (hoặc ca cao, nếu không thích dùng cà phê).

Cà phê trứng ở quán Giảng

Ngon, lạ, rẻ. Chỉ có 20.000 đồng một ly.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét