3 thg 11, 2014

“Cưới vợ trả của” - tập tục lâu đời của đồng bào Stiêng, Bình Phước

Người Stiêng lưu truyền những giá trị văn hóa, quan hệ ứng xử trong đời sống thường ngày mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có tục “cưới vợ trả của”.

Người STiêng có quan niệm, việc cưới không phải là việc riêng của gia chủ, mà cũng là niềm vui và trách nhiệm của cộng đồng, buôn, sóc. Ảnh minh họa

Trong số các dân tộc anh em cùng sinh sống tại tỉnh Bình Phước, người STiêng chiếm số đông và có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Người STiêng có ngôn ngữ, tiếng nói và chữ viết riêng; họ cũng lưu truyền những giá trị văn hóa, quan hệ ứng xử trong đời sống thường ngày mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có tục “cưới vợ trả của”.

Cũng giống như người Kinh, nghi thức đầu tiên trong đám cưới của người STiêng là “lễ hỏi”. Trong lễ hỏi, nhà trai cử hai người làm mai mối (gọi là Đhran) sang nhà gái hỏi cưới. Trong đám hỏi, khi ông mai dừng lời hát, nhà trai, nhà gái, già làng và ông mai cùng kích năng (thách cưới). Đây là một tục lệ cổ truyền đã có từ lâu đời và đến nay vẫn còn duy trì, dù rằng đã có những thay đổi đáng kể. Số lễ vật thách cưới mà nhà gái đưa ra thường tương đương với giá trị mà ngày trước cha cô gái phải bỏ ra để cưới mẹ cô gái. Trước mặt già làng, hai bên gia đình và bà con trong sóc tham dự, cha cô gái đếm 30 que tượng trưng cho 30 cái tố nhất, 2 que tượng trưng cho tố ghi, 5 que tượng trưng cho 5 tố con rồng, 2 que tượng trưng cho 2 slung, 1 que tượng trưng cho 1 con bò và 2 que tượng trưng cho 2 con trâu, số lễ vật này lần lượt được trao cho ông mai. Và trước mặt mọi người, ông mai trao lại cho cha của chàng trai.

Thông thường thì nhà trai phải chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của nhà gái đưa ra. Cha của chàng trai hoàn toàn chấp nhận yêu cầu cảu nhà gái và sau nhiều hồi bàn bạc cả hai gia đình đã thống nhất những điều kiện của nhau như bắt vợ sau khi cưới, hay gia đình nhà gái có việc gì cần giúp đỡ thì chàng rể phải sang làm… Sau khi định ngày cưới, hai người mai mối thông báo với nhà gái và được nhà gái đồng ý bẻ cây thách cưới, gọi là tục kích năng.

Bản chất của “tục kích năng” chính là hình thức “cưới vợ trả của”. Cha cô gái bẻ những cây que đưa cho người làm mai đếm, để biết nhà gái thách cưới bao nhiêu con trâu, bò, heo, tố (bình, vại) rượu? Nhà trai buộc phải chấp nhận yêu cầu của nhà gái, nếu không đáp ứng được thì bắt ở rể trả nợ. Sau khi thống nhất, nhà trai mang đầy đủ sính lễ tiến hành lễ cưới. Khi hai họ, đôi trai gái và người làm mai ngồi trước tố rượu cúng thần linh, cũng là lúc người nhà gái làm thịt trâu, heo, gà… thết đãi hai họ và bà con trong buôn,sóc.

Khi có điều kiện để trả đủ số lễ vật cho nhà gái thì được đưa cô dâu về nhà trai hoặc ra ở riêng, nếu chưa trả được thì phải ở rể cho nhà gái đến khi trả hết nợ. Ngày nay vợ chồng có thể ra ở riêng và trả nợ cho cha mẹ vợ sau. Sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới với gia đình, dòng họ và cộng đồng…

Người STiêng có quan niệm, việc cưới không phải là việc riêng của gia chủ, mà cũng là niềm vui và trách nhiệm của cộng đồng, buôn, sóc. Vì vậy, mỗi khi có đám cưới họ cùng nhau chuẩn bị lễ vật, thức ăn, chia sẻ công việc với gia chủ và say sưa tham dự lễ. Bên cạnh đó, họ còn tồn tại “tục nối dây”: Nếu vợ chết, người chồng có thể lấy em gái vợ; anh trai chết, em trai có thể lấy chị dâu (nếu được em gái, chị dâu chấp thuận).

TH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét