2 thg 11, 2014

Xanh xanh dừa nước Cẩm Thanh

Cây dừa nước gắn liền với mảnh đất Nam Bộ lắm sông nhiều, rạch nhưng ngay tại mảnh đất Quảng Nam thuộc miền Trung đầy nắng gió, cây dừa nước lại trở thành một đặc sản du lịch xanh gắn liền với tên đất Cẩm Thanh.

Được biết đến nay vẫn chưa có tài liệu khoa học nào cho biết cây dừa nước đến bén rẽ, bám đất ở xã Cẩm Thanh (Tp. Hội An) từ khi nào. Nhưng theo ông Võ Tấn Mười, một người dân địa phương cho biết, người Cẩm Thanh truyền miệng thì cây dừa nước được những thương lái buôn ghe bầu tại địa phương lấy ở phương Nam mang về trồng ở vùng ngập mặn này cách đây khoảng 200 năm. 

Theo thời gian, cây dừa nước đã sinh trưởng phát triển tốt thích nghi với môi trường nước nhiễm mặn của vùng đất Cẩm Thanh. Sau này, người dân tiếp tục nhân rộng và dừa nước phát triển thành rừng dừa quanh năm xanh tốt. Hiện nay cây dừa nước được trồng phổ biến trên các con sông, lạch tập trung chủ yếu ở các thôn: Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, Vạn Lăng.

Chúng tôi đi thuyền thúng của bà Bà Trần Thị Kéo chèo len lỏi qua các thôn thăm rừng nước xanh mướt. Bà Kéo cho biết, ở Cẩm Thanh có hơn 30 phụ nữ tham gia nghề chở thuyền thúng đưa khách du lịch đi khám phá rừng dừa. 

Cẩm Thanh đã phát triển du lịch xanh gần 10 năm nay và là một địa chỉ du lịch vệ tinh quanh phố cổ Hội An. Du khách có thể đi theo tour hoặc tự mình khám phát ốc đảo dừa nước này bằng cách thuê thuyền của người dân bản địa.

Du khách nước ngoài khám phá rừng dừa nước Cẩm Thanh...

... và được hướng dẫn chèo thuyền thúng.

Du khách nước ngoài thích thú với những trò chơi dân gian được làm từ lá dừa nước của vùng Cẩm Thanh.

Món bánh tràng cùi dừa là đặc sản vùng dừa nước Cẩm Thanh.

Khám phá ngôi nhà được làm từ cây dừa nước ở vùng Cẩm Thanh. 

Những bộ ấm chén được chế tác thủ công từ sọ quả dừa nước vùng Cẩm Thanh.

Bà Sáu Mót hướng dẫn du khách têm trầu cánh phượng, một nét văn hóa của người Việt.

Du khách khám vẻ đẹp vùng quê Cẩm Thanh. 

«
          Cẩm Thanh là một xã vùng ven biển, có tổng diện tích tự nhiên gần 900ha nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An. Là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang. Vùng nước này thường xuyên nhiễm mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái cây dừa nước sinh sôi nảy nở thành những rừng tạo nên màu xanh mát đặc trưng nơi đây.
                                            »
Bà Kéo luồn qua những con rạch nước trong vắt đưa chúng tôi đến chơi nhà bà Sáu Mót. Ngôi nhà bà Sáu Mót nằm bên bờ sông Thu Bồn được làm hoàn toàn bằng vật liệu từ cây dừa nước theo phương pháp thủ công truyền thống. Tại đây, chúng tôi đã gặp một đoàn khách Hà Lan đang thưởng thức món bánh tráng cùi dừa do chính tay bà Sáu Mót chế biến. 

Bà Sáu Mót kể câu chuyện hương ước làng dừa làm đoàn du khách nước ngoài thích thú. Ở Cẩm Thanh từ khi phát triển du lịch xanh, các gia đình trong xã tự soạn một quy định sau đó đó phổ biến toàn xã thành hương ước về việc cấm chặt phá cây dừa nước.

Hương ước quy định rằng, người dân Cẩm Thanh chỉ được khai thác lá dừa nước làm nhà ở, làm các mặt hàng lưu niệm vào 2 đợt trong năm là vào tháng 2 – 3 và tháng 9 – 10 và cấm chặt gốc dừa nước bất kỳ lý do nào. Nếu vi phạm sẽ bị xã phạt 2 triệu động. “Lá dừa tạo nên một rừng xanh để phát triển du lịch, gốc dừa là nơi trú ngụ của vô số loài thủy sản nước lợ là hai nguồn thu chính của bà con xã chúng tôi. Chúng tôi mà phá rừng dừa khác nào tự chúng tôi tự hủy hoại cuộc sống của mình”. Bà Sáu Mót thật thà tâm sự.

Chúng tôi tiếp tục xuống thuyền thúng của bà Kéo nhập đoàn theo đoàn khách Hà Lan khám phá nét văn hóa sông nước vùng dừa nước và tự làm những trò chơi dân gian từ từ lá dừa. Đoàn thuyền chúng tôi dừng lại ở hạ nguồn sông Thu Bồn để anh Nguyễn Mạnh, con trai của bà Sáu Mót biểu diễn trò chơi thuyền thống của người Cẩm Thanh là quay thuyền thúng.

Chỉ với một chiếc chèo anh Nguyễn Mạnh đã lắc chiếc thuyền thúng xoáy vòng trước sự tán thưởng của du khách làm huyên náo cả một khúc sông Thu Bồn.

Cẩm Thanh là một điển hình trong việc làm du lịch theo kiểu homestay ở Hội An. Đến đây, du khách cảm nhận được người dân đã cùng nhau gây dựng “thương hiệu” du lịch xanh, mang chút hương vị phương Nam giữa miền Trung nắng gió.

Bài và ảnh: Thông Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét