20 thg 2, 2014

Mùa xuân đi hội chùa Keo

Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo. Ngày mồng 4 Tết âm lịch hàng năm, chùa Keo khai hội mùa xuân để đón khách thập phương về tham quan và dâng hương nhân dịp năm mới.

Chùa Keo là di tích lịch sử văn hóa với 2 cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và Đền thờ đức thánh Dương Không Lộ (Không Lộ Thiền sư) - vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa.

Từ bên ngoài, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm rồng mẹ và rồng con chầu nguyệt. Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khuôn viên chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 18 công trình, gồm 133 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Đó là các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá… Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. 

Chùa Keo từ bên ngoài đi vào khu Tam Quan 



Du khách thập phương về dự Lễ hội xuân chùa Keo 


Có thể nói chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc. Khu thờ Phật của chùa Keo có gần 100 pho tượng. Công trình kiến trúc tiêu biểu nhất ở chùa Keo phải kể đến tòa gác chuông cao 11,04 m, có 3 tầng. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796. 

Gác chuông được coi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam 

Khánh đá tại tầng 1 của gác chuông 

Đến thăm chùa Keo, ta có thể thấy sự kính trọng của người dân đối với đức thánh Không Lộ. Đối với dân làng, Không Lộ Thiền sư không chỉ là Thành Hoàng làng mà còn là vị Thủy thần che chở cho họ. Nhiều đồ thờ quý giá là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Hàng năm chùa Keo diễn ra 2 kỳ hội là hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và hội thu được tổ chức vào các ngày 13-14-15 tháng 9 âm lịch. Lễ hội chùa Keo hấp dẫn bởi sự hòa quyện giữa nghi thức tôn giáo truyền thống và các hoạt động văn nghệ dân gian, sinh hoạt văn hóa. Ngoài phần rước kiệu, thuyền rồng, lễ hội thu hút du khách mọi lứa tuổi với những điệu múa ếch vồ, các trò thi như thi bắt vịt, thi nấu cơm, ném pháo, bơi chải … 

Nghi thức tế lễ dâng hương khai hội đầu xuân 

Bên trong đền thờ đức Thánh Không Lộ Thiền Sư 


Thuyền rồng trong buổi tế lễ 



Gian thờ Tổ 


Các đội thi trổ tài kín nước, đánh lửa, thổi cơm dâng lên lễ Thánh nhân dịp đầu năm 

Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình từ thế kỷ 17. Những nghi thức tôn giáo và những hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian tại lễ hội chùa Keo phản ánh rõ nét đời sống tâm linh, văn hóa và những ước vọng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Điều đó tạo sức cuốn hút lớn đối với du khách mọi lứa tuổi đến với chùa Keo vào mỗi dịp lễ hội

Bài và ảnh: MAI VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét