18 thg 2, 2014

Kỳ thú ghềnh đá Bàn Than

Huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có hai địa danh mà bất cứ du khách nào đến đây đều rất thích là biển Rạng (xã Tam Quang) và ghềnh đá Bàn Than (xã Tam Hải). Cả hai địa danh này cách nhau chưa đầy 6km và đều nằm ở phía đông thị trấn Núi Thành khoảng 10km.

«
          Cách thành phố Tam Kỳ chừng 40km về hướng đông nam, ghềnh đá Bàn Than nằm ven theo đường bờ biển Thuận An, nơi con sông Trường Giang đổ ra cửa biển Tam Hải.
                  »
Vậy là một hành trình bụi ngẫu hứng ngoài dự kiến dẫn chúng tôi đến Núi Thành. 5h sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ thị trấn Núi Thành. Dọc theo con đường Quốc lộ 1, qua đoạn đường nối 619 đi xã Tam Quang, sau 10 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt ở Biển Rạng.

Không giống những nơi khác, Biển Rạng không đông đúc, không ồn ào, nó bình lặng, thơ mộng, huyền ảo như một nàng công chúa vẫn còn đang ngái ngủ, đưa nhẹ cánh tay vén tấm rèm trắng đón những tia nắng mặt trời long lanh đầu tiên trong ngày. Yếu ớt, nhẹ nhàng nhưng lại lung linh đến mê hồn như chính cái tên của nó. Biển Rạng có nghĩa là một khung cảnh đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất, rạng rỡ nhất trước những tia nắng bình minh đầu tiên rọi xuống thế gian. Hình ảnh đôi tình nhân cùng dắt tay nhau đi trên ghềnh đá, cùng tắm biển vui đùa thỏa thích trong một không gian chỉ có 2 người và trời đất khiến chúng tôi không thể không nghĩ Biển Rạng như một món quà thiên nhiên vô giá được đặt tại đó để làm sinh sôi, nảy nở cho những mối tình cảm đẹp đẽ của con người.

Lân la mãi chúng tôi mới dứt được để kịp đi chuyến phà sớm sang làng biển Tam Hải. Chuyến phà quê đông đúc nhưng không mùi khói bụi đô thị. Chỉ mất khoảng 10 phút ngồi trên phà, chúng tôi cập bến Tam Hải. Ngôi làng vẫn được ví như một bình rượu bầu được bao quanh là biển. Phía tả là rừng dừa, phía hữu là những bãi đá được vẽ thành những chuỗi đường cong nhiều màu sắc…

Mỏm đá ông Đụn - bà Che, hai mỏm đá nổi tiếng nhất ở ghềnh Bàn Than. Nơi đây gắn với câu chuyện dân gian cảm động về những người ngư dân vùng Tam Hải.

Những lớp đá được nước biển bào mòn tự nhiên như các lớp sóng xô ra vùng biển Rạng.

Du khách đi qua bờ biển hoang sơ Tam Hải để đến ghềnh đá Bàn Than.

Vẻ đẹp hoang sơ giao hòa giữa đá, sóng lôi cuốn đông du khách đến Bàn Than.

Dấu vết bào mòn của tự nhiên trên ghềnh đá ở biển Rạng.

Nhiều tảng đá lớn xếp chồng lên nhau tạo nên hình thù kỳ thú.

Ghềnh đá Bàn Than thuộc địa phận làng chài Tam Hải, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40km.

Bình minh biển Rạng.

Phần lớn đá ở đây có sắc đen nổi bật tạo nên địa danh Bàn Than.

Ngư dân mưu sinh dưới chân ghềnh đá Bàn Than. Tại đây có răng san hô kéo dài hơn 10km, nơi sinh sống của nhiều loại hải sản. Đặc biệt đây là nơi sinh đẻ, phát triển của ấu trùng tôm hùm. 

Có lẽ cũng là một cái duyên khi tình cờ người chúng tôi hỏi đường lại là một cô bé người làng chài Tam Hải. Thu Duyên đang cùng các bạn đồng nghiệp của cô là các y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành) về cắm trại tại biển Bàn Than. Duyên cho biết các bạn của cô đều rất thích thú với quang cảnh thiên nhiên hoang sơ và những ghềnh đá với hình thù lạ mắt của biển Bàn Than. Bởi vậy, Duyên không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu cô dẫn các bạn về biển Bàn Than quê mình nữa. Lần nào về đây, hội bạn của Duyên cũng ở lại chơi cả ngày không chán với các hoạt động: cắm trại, leo ghềnh đá, tắm biển… Cô bé cũng không gần ngại khi mời những người lạ như chúng tôi nhập cuộc vui cùng đoàn.

Đi cùng đoàn của Duyên, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi mà hướng dẫn viên du lịch lại chính là người địa phương như Duyên. Đi trên con đường dài gần 3km, kéo dài từ bãi Nồm sang bãi Bắc, Duyên bắt đầu kể cho chúng tôi về sự tích ông Đụn – bà Che. Theo Duyên chia sẻ đây là câu chuyện mà những người già trong làng kể lại cho các thế hệ sau để nhắc nhở con cháu nhớ về câu chuyện cảm động của hai vợ chồng ngư dân ngóng con ngoài khơi xa, sau này trở thành những vị thần bảo vệ làng biển Tam Hải từ bao đời nay.

Duyên cho biết cái tên Bàn Than, theo như lời các cụ trong làng nói thì Bàn ở đây có nghĩa là mặt bàn, bằng phẳng, còn Than để chỉ màu đen. Trên vùng biển này có rất nhiều những tảng đá màu đen có mặt bằng phẳng. Trong ánh nắng mặt trời nó lại lấp lánh đen tuyền như than chứ không bị xám xịt. Nên người dân trong làng gọi là biển Bàn Than. Nơi mũi đá Bàn Than có rất nhiều khối đá khổng lồ có hình thù kì dị, mà trông xa như những con cá mặt quỹ, hình cá voi, thủy quái… dạt vào bờ. Bởi vậy, Bàn Than được mệnh danh là bức tranh thiên tạo, trên nền xanh của nước biển nổi lên những vách đá sắc đen như than với những vân, đường nét kỳ lạ, bãi đá chông chênh phía dưới bọc lớp rêu thẫm màu.

Vừa đi, Duyên vừa chỉ tay cho chúng tôi thấy bãi Bắc, bãi Nồm. Mỗi bãi có một vẻ đẹp riêng và có những thời khắc riêng: Bãi Nồm rực rỡ nhất lúc bình mình, bãi Bắc đẹp nhất khi hoàng hôn. Cả đoàn dường như bị hút hồn vào cuộc hành trình khám phá những ghềnh đá Bàn Than, không để ý đến cả thời gian. Khi ngó lên mặt trời cũng bắt đầu xế bóng. Ghềnh đá Bàn Than lúc này lại bắt đầu trở về với những hình dáng của những vách đá đen có phần hơi kỳ bí dựng sát mép biển. Một cảnh quan hùng vĩ và hiếm thấy trên cả dải ven biển miền Trung.

Thắng cảnh Bàn Than là một trong những bãi đá ngoạn mục của khu vực duyên hải miền Trung, với nhiều mỏm đá cao chênh vênh (hơn 40m), tạo nhiều hình thù lạ mắt. Chúng tôi có một niềm tin đặc biệt rằng trong tương lai đây sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa du lịch khám phá, mạo hiểm.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét