6 thg 2, 2014

Hoang dã lễ pơ thi miền biên viễn

Dưới những tán cây bằng lăng cổ thụ quanh nhà mồ, tiếng cồng chiêng trầm hùng ngân vang hòa lẫn tiếng khóc than ai oán, tiếng người í ới mời gọi nhau uống rượu cần, tiếng thở phì phò của trâu bò đang bị cột để chuẩn bị cho bữa tiệc lớn của buôn làng… 

Đó là khung cảnh đầy màu sắc, hoang dã trong ngày lễ pơ thi (lễ bỏ mả) của đồng bào Jrai ở làng Pi, xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) mà tôi được chứng kiến. 

Người làng Pi cùng uống những ché rượu cần trong lễ pơ thi - Ảnh: Tiến Thành


Tục lệ trăm năm

Cũng như nhiều buôn làng khác, lễ pơ thi vẫn được tổ chức hằng năm ở các buôn làng biên giới xã Ia O. Mái đầu đã lốm đốm bạc, khuôn mặt nhăn nheo nhưng đỏ au vì men rượu cần, già làng Ksor Pơng kể bằng cái giọng lơ lớ: “Từ đời ông bà mình sinh ra đã có pơ thi rồi. Ngày xưa, nhà mồ được làm bằng gỗ trắc, gỗ hương để giữ được lâu năm cho con cháu sau này biết mà giữ tục lệ ấy”.

Cũng theo già Pơng, để chuẩn bị cho lễ pơ thi, người làng Pi đã phải chuẩn bị cả tháng trời, nào trâu bò, lợn gà, nào ủ rượu cần thật kỹ cho thơm nồng… Lũ thanh niên làng được cắt cử vót tre nứa để trang trí cho ngày lễ, rồi cùng nhau xây khu nhà mồ. Người già trong làng thì chuẩn bị những bài khấn, tế trang trọng.

Già làng Pơng nhẩm tính: “Pơ thi này có khoảng 23 con bò và 6 con trâu được cả làng cùng góp”. Vừa nói, già chỉ tay về khu tượng nhà mồ - nơi những con trâu, con bò đang bị cột chặt để chuẩn bị cho bữa tiệc của làng. Một nhóm thanh niên đang say sưa xếp thành hàng dài, cùng tấu lên những điệu chiêng chậm rãi, hào sảng. 

Thanh niên làng Pi đánh cồng chiêng quanh tượng nhà mồ - Ảnh: Tiến Thành

Một người đàn bà thưởng thức món thịt heo gói lá chuối - Ảnh: Tiến Thành

Những con bò, con trâu được dân làng cùng góp để chuẩn bị cho bữa tiệc lớn - Ảnh: Tiến Thành

Dưới những gốc bằng lăng cổ thụ quanh nhà mồ, đàn ông và đàn bà cùng ngồi túy lúy bên hàng chục ché rượu cần được xếp thành hàng dài, tua tủa những cần tre lẫn nhựa thơm mùi men gọi mời khách nhập cuộc. Ai cũng uống thật say, vừa nhấm nháp cơm lam và những miếng thịt trâu, thịt heo gói trong tàu lá chuối còn tươi rói.

Ở những bụi cây nhỏ hơn, đàn bà và trẻ nhỏ mắc võng nằm nghỉ ngơi, những cô gái trẻ thì bận rộn nấu nướng những món ăn truyền thống. Một tốp thanh niên hỉ hả hun một con heo mán trên đống lửa bập bùng. Mùi khói khét lẹt lẫn với màu bàng bạc của ánh chiều bao trùm khắp không gian.

Bên trong nhà mồ, những người đàn bà lặng lẽ sửa soạn lễ vật để chia tay người chết, vừa thủ thỉ những tiếng não nề bằng thứ tiếng mẹ đẻ. Chốc chốc, có ai đó vô tình chạm vào sợi Jrao (những chiếc chuông được nối với nhau như lục lạc treo ngang nhà mồ) cất lên tiếng leng keng đến bi sầu, buồn thảm. 

Thanh niên làng hun heo, chuẩn bị cỗ cho buổi lễ pơ thi - Ảnh: Tiến Thành

Bên trong nhà mồ, người sống làm những nghi thức chia tay vĩnh viễn với người chết - Ảnh: Tiến Thành

Nỗi buồn làng Pi 

Có một điều lạ ở lễ pơ thi làng Pi là không hề có tượng nhà mồ, thứ được xem không thể thiếu được trong bất kỳ lễ pơ thi nào. Thay vào đó là bốn chú chó sứ được đặt ở bốn góc nhà mồ.

“Những người biết tạc tượng của làng chết rồi. Lũ thanh niên làng giờ rất hiếm người biết đẽo tượng lắm! Mà rừng cũng chẳng còn để lấy gỗ đẽo tượng” - già Pơng nói với giọng chua xót.

Già làng Pi kể thêm câu chuyện hi hữu: “Hai tuần trước, làng mình cũng tổ chức pơ thi lần hai khi đưa gần 200 mộ từ khu nhà mồ ở dưới lòng sông Sê San lên trên cao. Khu nhà mồ ấy có từ thời Pháp và làng đã bỏ mả từ năm 1976. Nhưng khi thủy điện Sê San 4 chặn dòng, cả khu nhà mồ bị ngập trong biển nước. Biết việc bỏ mả lần hai cho một khu nhà mồ là điều vô cùng cấm kỵ với người Jrai nên mình phải họp làng mấy lần, nói mãi bà con mới nghe”.

Ánh mắt đượm buồn của già Pơng bỗng dõi ra xa như thở phào, chua chát về hướng biển nước thủy điện Sê San 4 - nơi những cánh rừng nguyên sinh và cả khu nhà mồ cũ phải nhường chỗ cho công trình thủy điện. Trước khi tiễn khách, già Pơng còn dẫn chúng tôi vào cuộc rượu, mời thưởng thức cơm lam ngọt lịm trong ống tre. Ai cũng say...

17g, trời xâm xẩm tối, chúng tôi rời lễ pơ thi vẫn thấy những tốp người ở làng Pi đang nườm nượp gùi, vác những lễ vật để cùng đóng góp, cùng chung vui đến thâu đêm suốt sáng… 

Tượng chó bằng sứ thay thế tượng nhà mồ trong lễ pơ thi ở làng Pi - Ảnh: Tiến Thành

Người làng Pi cùng nghỉ ngơi trong lễ pơ thi - Ảnh: Tiến Thành

Pơ thi (tiếng Kinh là lễ bỏ mả), là một lễ lớn của đồng bào Tây nguyên nói chung và người Jrai nói riêng. Người Tây nguyên quan niệm thế giới vạn vật hữu linh, và khi có một người chết thì đấy chưa phải là chết mà họ mới tạm rời cõi sống để chuẩn bị sang thế giới Atâu và trong thời gian chôn cất, người sống vẫn chia của cải, mang cơm nước để phục vụ hằng ngày. 

Cho đến một ngày, khi người sống đã chuẩn bị đầy đủ bò, heo, gà, dê... sẽ quyết định làm lễ pơ thi để lần cuối cùng, vĩnh viễn chia tay, không vướng bận với người chết nữa.

TIẾN THÀNH 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét