4 thg 2, 2014

Bảo vật quốc gia - Xá lợi tháp minh - văn bia cổ nhất

Bia Xá lợi tháp minh tại Bắc Ninh được xác định là tấm văn bia cổ nhất ở nước ta.

Văn bia Xá lợi tháp minh - Ảnh: ThS Phạm Lê Huy 

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quang, xã Trí Quả, H.Thuận Thành) đào đất làm gạch ở gần khu vực chùa làng, đã va phải một vật rất cứng. Đó chính là tấm bia Xá lợi tháp minh. Khi đó, bia gồm hai phần úp khít vào nhau, được kết dính bằng một chất nào đó chưa rõ, phải dùng mai đào đất mới tách đôi được. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Ông Đức sau đó mang tấm bia này cất giữ đến năm 2012. Trong thời gian này, ông có cho một vài người biết đôi chút chữ Hán Nôm xem.


 
Có thể tạm thời xác nhận đây là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam
Nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy

“Khi chúng tôi đi tìm tư liệu cho Bảo tàng Bắc Ninh, cán bộ xã nói từng nghe về một tấm bia như vậy”, bà Thơm, cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh, nhớ lại. Thế là việc tiếp cận tấm bia bắt đầu. Bà Thơm đã lui tới nhà ông Đức nhiều lần, chỉ với mong muốn được nhìn thấy và chụp ảnh tấm bia đó. Bản thân ông Đức, theo câu chuyện kể, giữ tấm bia kín đáo đến mức người nhà cũng không biết ở đâu. Thật may, khi đủ tin tưởng, ông Đức đã tặng lại tấm bia cho bảo tàng mà không đòi hỏi gì về vật chất. Tuy nhiên, bảo tàng đã tặng ông một tấm gò đồng của làng Đại Bái, trên có chữ An.

Tùy Văn đế

Bài minh trên bia ghi rõ bia được làm vào năm 601, vua Tùy Văn đế đã cho làm tháp xá lợi để Đức thái tổ, hoàng hậu, hoàng đế... cùng những người khác đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc. Bài minh cũng nêu rõ tên người đưa xá lợi đến xây tháp.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguồn gốc xá lợi được Tùy Văn đế phân phát có ghi rõ trong Cảm thông lục và Quảng hoằng minh tập. Tư liệu chép, khi Tùy Văn đế còn chưa lên ngôi, có một vị sa môn Bà la môn đến nhà đưa ra một bọc xá lợi và nói nên lưu lại bọc xá lợi này để cúng dường. Nhà sư nói xong biến mất. Sau Tùy Văn đế giở bọc xá lợi đó ra đếm thì thấy lúc nhiều lúc ít vì xá lợi đó là "pháp thân" của nhà Phật nên không thể đo đếm được theo cách thông thường. Tùy Văn đế bèn làm một chiếc hòm thất bảo để cất giữ những xá lợi đó. Sau này, nó được mang đi để xây các tháp xá lợi.

Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy, từ năm 601 - 604, Tùy Văn đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại hơn 100 châu. “Đây là một phần trong chính sách phục hưng Phật giáo của người sáng lập vương triều nhà Tùy. Chính sách có ý đồ sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu thập nhân tâm, tái ổn định tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc sau một thời kỳ biến động kéo dài. Đây cũng là một dịp để nhà Tùy xác lập cương giới, khẳng định lại quyền thống trị đối với những phần lãnh thổ đã chinh phục trực tiếp hoặc kế thừa một cách gián tiếp từ các vương triều đi trước”, ông Huy phân tích.

Ông Huy cũng cho rằng việc các tháp xá lợi như vậy không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính trị, mỹ thuật và Phật giáo Trung Quốc. Trên thực tế, nó đã có những liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị và Phật giáo Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 6 - đầu thế kỷ 7. Bởi lẽ, trong số hơn 100 châu huyện được nhà Tùy lựa chọn để phân phát xá lợi, có cả các châu Giao, Phong, Trường, Hoan, Ái... vốn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền nhà Tiền Lý.

Nghiên cứu của ông Huy cho thấy trong danh sách 30 châu được phân phát xá lợi và dựng tháp có hai nhóm. Một nhóm ghi rõ tên chùa dựng tháp. Nhóm còn lại không ghi tên chùa, trong đó có Giao Châu. Ông cũng cho biết có ghi chép cho thấy Giao Châu đã lựa chọn chùa Thiền Chúng làm nơi xây tháp năm 601 và thông báo lại sự kiện đó với nhà Tùy. Khi chôn xá lợi, người ta cũng thường chôn kèm bia đá có minh văn, chính là tấm bia đá mà ông Đức đã tìm thấy.

Niên đại

Theo ông Huy, trên cơ sở so sánh về mặt nội dung cũng như các hiện vật liên quan, có thể thấy bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh có nhiều điểm tương đồng với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp năm 601 hiện còn lưu giữ được tại Trung Quốc. Tuy nhiên, xung quanh niên đại 601 được ghi trên bia Bắc Ninh, trong giới học giả Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất phủ định niên đại 601 cũng như giá trị lịch sử của bia và cho rằng đây là một tấm bia giả cổ, mới được chế tác gần đây.

Quan điểm thứ hai cho rằng bia được khắc vào thế kỷ 7, tuy nhiên vào thời điểm muộn hơn năm 601, có thể vào năm 604.

Quan điểm thứ ba cho rằng bia được khắc vào năm 601, cùng thời điểm với niên đại "Nhân Thọ nguyên niên" ghi trên bia.

Tuy nhiên, theo ông Huy, phân tích văn bản học cho thấy khả năng đây là bia mới giả cổ rất thấp. Bởi khi so sánh với các văn bia đã được tìm thấy tại Trung Quốc, chúng ta thấy bia Bắc Ninh có nhiều điểm tương đồng về cả nội dung và hình thức. “Mặt khác, bia Bắc Ninh cũng mang những nét đặc thù riêng, ngay cả so với bia Thanh Châu là minh văn có nhiều điểm tương đồng nhất. Điều này cho thấy ít nhất bia Bắc Ninh không phải là bản sao rập khuôn của bất kỳ một mẫu văn bia nào đã được biết đến trước đó”, ông Huy phân tích.

Tư liệu cũng cho thấy Giao Châu vừa nằm trong danh sách phân phát xá lợi vừa nằm trong danh sách các địa phương tấu lên nhà Tùy về việc xây tháp năm 601.

“Với tình hình tư liệu hiện nay, có thể tạm thời xác nhận đây là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam. Niên đại 601 của văn bia này sớm hơn 17 năm so với tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn có niên đại năm 618, được Giáo sư Đào Duy Anh phát hiện tại Thanh Hóa năm 1960”, ông Huy kết luận.

Trinh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét