4 thg 2, 2014

Chùa Prés on Prés Buôl Prés Phék

Chùa Prés on Prés Buôl Prés Phék hay còn được gọi là chùa Bốn Mặt, tọa lạc tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 7km theo hướng Quốc lộ 1A đến ngã 3 An Trạch, rẽ phải đi về huyện Kế Sách.

Tượng Phật Bốn mặt 

Theo một số tư liệu lưu lại, chùa được xây dựng vào năm 1537, có diện tích 65.000 m². Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, đường nội bộ, sân, thư viện, trại để ghe ngo, nhà ở cho các vị sư, tháp để tro cốt người chết và lò hỏa táng,... Hơn 470 năm hình thành và phát triển, Chùa Bốn Mặt đã trải qua 20 đời trụ trì và hiện nay trụ trì chùa là Thượng tọa Thạch Boene.

Trong quá trình trụ trì mỗi vị hòa thượng đều có công lao to lớn trong việc vận động đồng bào Phật tử để xây dựng và trùng tu ngôi chùa tạo thành nơi lý tưởng về đời sống tinh thần để đồng bào Phật tử gửi gấm niềm tin, tu dưỡng đạo đức và gìn giữ mối quan hệ đoàn kết cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa.

Cổng chùa Bốn Mặt là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu xanh nhạt, được thiết kế tinh xảo với 03 ngọn tháp tròn 5 tầng được đắp nổi hình tượng các nhân vật trong văn hóa Khmer như: rắn Nagar, thần gió Reahu, chim thần Krud. Bên dưới tháp có ghi tên chùa Prés on Prés Buôl Prés Phék bằng tiếng Khmer với nét chữ màu vàng được đắp nổi trông rất đẹp mắt.

Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.

Ngôi chánh điện của chùa Bốn Mặt hiện nay đã trãi qua 3 lần trùng tu, gần đây nhất là vào năm 2011, chùa được sơn lại màu với màu vàng trông rất rực rỡ và sang trọng. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau nhiều lần trùng tu nhưng chánh điện vẫn còn giữ được kiến trúc nguyên thủy từ lúc ban đầu xây dựng với kết cấu gạch cộng với nước, cát, rơm, vôi để tạo thành một hổn hợp kết dính bền chặt cho đến ngày nay. Chánh điện xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật ở mỗi cạnh của chánh điện. Kết cấu mái ngôi chánh điện cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, được xây dựng theo dạng tam cấp, tức là có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần lên trên, trung tâm có đỉnh nhọn cao vút được đắp nổi hình tượng thần Mahaprum quay mặt về bốn hướng. Ở mỗi cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer.

Bên trong chánh điện, ngoài tượng Phật Thích Ca như các ngôi chùa Khmer khác và các hình họa mô tả về các tích của đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi nhập cõi niết bàn, chùa còn thờ một tượng Phật bốn mặt có nguồn gốc lâu đời. Theo lời kể của Thượng tọa Thạch Boene, vùng đất này xưa kia chỉ là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp, trong khi khai hoang đồng bào Khmer đã đào được một pho tượng Phật vào năm 1537, có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị phật. Người dân cho đây là điềm lành nên xây dựng ngôi chùa tại đây và rước tượng Phật vào chùa để thờ. Hiện nay, phía trước ngôi chánh điện có bảng lưu niệm với nội dung kể về nguồn gốc ngôi chùa: “Quá khứ qua đi, ở Sroc Ba Rai, vùng đất chiến thắng tất cả các kẻ thù, mới có hiện tượng lạ xuất hiện, tượng Phật bằng đá kim cương bảy màu nổi lên ở nơi này vào năm 1537 – PL 2081, mới đặt tên là Prés on Prés Buôl Prés Phék, cứ nối tiếp nhau gọi tên này từ đó cho đến nay”. Ngoài ra, chung quanh việc phát hiện tượng Phật Bốn mặt được lưu truyền, còn nhiều truyền thuyết với lời kể hết sức huyền bí và hấp dẫn. Có thể nói tượng Phật Bốn mặt tại chùa là tượng Phật Bốn mặt duy nhất tại Việt Nam. 

Thượng tọa Thạch Boene bên gốc đào Hồng Nhung trên 100 năm 

Đi trong khuôn viên rợp bóng cây xanh mát của ngôi chùa, chúng ta bắt gặp con đường dẫn đến Giếng Tiên, nơi có một truyền thuyết dân gian về tạo hóa ưu ái cho vùng đất này vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay. “Tương truyền ngày xưa dân chúng cơ cực, không có nước ngọt sinh sống, đất đai thì khô cằn, cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhân dân ngày đêm cầu nguyện, khấn vái sự giúp đỡ của trời, đất. Rồi lời than vãn thấu tai Ngọc Hoàng, người bèn cho 2 vị Tiên Ông và Tiên Bà hạ phàm tại vùng đất này đào giếng nước ngọt để cứu dân chúng nơi đây. Cũng do các Tiên Bà đào giếng tích cực, các Tiên Ông thì lo mãi mê ngắm Tiên Bà nên chậm trễ thời gian, kết quả Giếng Tiên ông tuy to nhưng cạn hơn, còn Giếng Tiên bà nhỏ hơn nhưng sâu và nhiều nước ngọt hơn. Từ đó về sau người dân nơi đây vẫn dùng nguồn nước ngọt này sinh sống và tưới tiêu cho hoa màu”.

Theo thời gian, Giếng Tiên đã được bồi đắp thành đất liền chỉ còn dấu vết là một con kênh nhỏ chạy dài. Hiện nay, huyện Châu Thành đã có đề án khôi phục Giếng Tiên để khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch với tổng diện tích khoảng 30.000 m². Riêng nhà chùa đã cho xây dựng đàn tế thiên ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với mục đích cầu nguyện an lành, hạnh phúc cho nhân dân trong vùng.

Bên cạnh đó, một điều thú vị của chùa Bốn Mặt là trong khuôn viên chùa được trồng rất nhiều cây đào Hồng Nhung với số lượng trên 100 cây, có nguồn gốc từ Campuchia với tuổi thọ trung bình mỗi cây từ 20 đến 100 năm. Đặc tính của loài cây này là có trái quanh năm, nhất là vào mùa mưa trái rất nhiều. Khi trái chín có màu đỏ đậm và tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng so với các loại trái cây khác, bên trong thịt màu trắng, khi ăn vào có vị bùi, ngọt rất ngon.

Ngoài ra, chùa còn là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer như: Dolta, Ooc – Om – Booc; Chôl – Chnăm – Thmây, đám làm phước, lễ dâng y,... và thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ truyền thống do đoàn nghệ thuật Khmer xã Phú Tân biểu diễn, nơi để các em học sinh trường cấp I, II Phú Tân B tập thể dục.

Chùa Bốn Mặt là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị mang đậm sắc thái, thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương nơi đây. Nếu được tổ chức quy hoạch tốt, chùa có thể là điểm đến du lịch lý tưởng, kết hợp với một số làng nghề, chùa khác trong vùng xây dựng thành tuyến du lịch tâm linh – tín ngưỡng – làng nghề rất hấp dẫn.

Nguyễn Dũng 

* Tài liệu tham khảo:
1/ Thượng tọa Thạch Boene - Trụ trì chùa Bốn Mặt.
2/ Ông Ngô Sương (80 tuổi) - người dân sinh sống bên cạnh chùa.
3/ Các điểm tham quan du lịch tỉnh Sóc Trăng - Trung tâm TTXTDL tỉnh Sóc Trăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét