4 thg 2, 2014

Âm thanh của tre nứa còn mãi với thời gian

Anh vào rừng sâu tìm những ống lồ ô.  Anh chọn ống to căng no gió núi. Anh lựa ống nhỏ chứa tròn tiếng suối.  Về làm đàn Ting gling. Anh treo thành dàn trên rẫy.  Anh giăng thành dãy trên nương. Nước suối kéo cần đung đưa ống đàn.  Cho những âm thanh vui rừng ấm núi ....

Đấy là những ca từ mở đầu của ca khúc Ting gling - Đàn suối khá nổi tiếng của Nhạc sỹ A Đủh phổ thơ của Tạ Văn Sỹ. Ca khúc này đã được Đoàn nghệ thuật dân tộc Kon Tum dàn dựng đi tham gia và giành được Huy chương vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Ting gling - là tên gọi theo tiếng đồng bào Ba Na về một loại đàn nước (thủy cầm), ngoài Ting gling, ở Kon Tum còn có Klong put của người Xơ Đăng, Đing Tut của người Giẻ-Triêng - ba loại nhạc cụ dân gian truyền thống được làm từ những ống lồ ô, ống nứa đơn giản, khiêm nhường, mọc hoang dã tự nhiên ở các cánh rừng, với ba cách sử dụng khác nhau là gõ, vỗ và thổi tạo ra những âm thanh vô cùng quyến rũ làm nên bản sắc độc đáo của các tộc người bản địa ở Kon Tum - những tiếng vọng trường tồn của thời gian từ đại ngàn hùng vĩ.

Vỗ đàn Klong put


Đi điền dã về văn hóa các dân tộc thiểu số ở các làng, bản của Đăk Tô, Tu Mơ Rông những năm trước đây, qua những nương rẫy của đồng bào dân tộc bản địa, có khá nhiều những dàn ống nứa được cột lại với nhau bằng dây mây đang đung đưa phát ra những âm thanh thánh thót, vang vọng trong không gian yên ả của núi rừng- đấy là những dàn đàn nước của bà con bản địa đặt ở các khoảnh nương rẫy để đuổi chim, thú phá lúa. Suốt dọc con đường mòn đi tắt từ các làng Măng Rương, Đăk Xanh xã Văn Lem (Đăk Tô) cắt qua các nương rẫy nối nhau cho đến các thôn Mô Pá, Kon Pia xã Đăk Hà (Tu Mơ Rông)... những dãy đàn nước bằng ống nứa được đặt ở ven nương rẫy khá nhiều, to nhỏ đủ loại.
 
Đi qua những khoảnh nương rẫy ở đây là được song hành cùng với một suối âm thanh như những bản hòa tấu bất tận không ngừng nghỉ, tiếng binh, tiếng boong như tiếng cồng, chiêng, tiếng thanh, tiếng trầm...đủ loại vô cùng vui tai, tạo ra cảm giác rất sảng khoái, khỏe khắn, lâng lâng rất khó tả...Ở những rẫy lúa sát chân núi, âm thanh đàn nước va đập vào vách núi vọng ra nghe như có cả trăm chiếc khèn bè cùng đều đều hòa nhịp...đúng như những vần thơ của của anh bạn nhà thơ “rừng rú” Tạ Văn Sỹ, lời bài hát trong ca khúc của “gã” nhạc sỹ đại ngàn A Đủh...Nước suối kéo cần, đung đưa ống đàn...cho những âm thanh vui rừng ấm núi...nước suối kéo cần...đung đưa đêm ngày...âm thanh trầm bổng lội suối xuyên rừng...
 
Đàn nước ở Kon Tum phổ biến nhất là ở hai dân tộc Ba Na và Xơ Đăng, người Ba Na gọi là Ting Gling, người Xơ Đăng gọi là Tơ rưng nước. Nó gồm 3 bộ phận hoạt động theo dây chuyền. Bộ phận thứ nhất gồm nhiều ống nứa kích cỡ khác nhau, được treo thẳng đứng, phân bổ theo thứ tự âm thanh phát ra từ trầm đến vừa và thanh cao. Bộ phận thứ hai gồm nhiều thanh gỗ, bố trí gắn với hệ thống truyền chuyển động, sao cho dây chuyền hoạt động, các thanh gỗ này chuyển động nhịp nhàng qua lại và gõ vào ống nứa phát ra âm thanh. Bộ phận thứ ba là máng hứng nước từ nguồn nước tự nhiên. Nước xối vào máng đến khi đầy, máng sẽ tự động trĩu xuống, kéo theo cả hệ thống thanh gõ hoạt động, lần lượt gõ vào các ống nứa làm các ống này phát ra âm thanh. Khi máng trĩu xuống, nước trong máng bị đổ hết ra ngoài, máng chuyển động trở về vị trí ban đầu, cũng lại làm cho hệ thống thanh gõ hoạt động gõ vào các ống nứa. Cứ thế, máng nước trĩu xuống, nâng lên, làm cho hệ thống thanh gõ chuyển động qua lại liên tục gõ vào ống nứa suốt ngày đêm và đàn nước cứ thế liên tục phát ra âm thanh theo chu kỳ chuyển động như trên. Sự độc đáo của đàn nước là nó được tạo ra có âm thanh, tiết tấu gần giống như một dàn cồng chiêng của đồng bào. Chỉ với những ống nứa, những đoạn gỗ, vậy mà đàn nước có đầy đủ các âm thanh trầm, bổng như các nốt nhạc.
 
Tuỳ theo nguồn nước, lớn hay nhỏ mà người ta làm đàn nước lớn hay bé. Ở nơi nguồn nước ít, thì là loại có 15-20 ống nứa, với nguồn nước lớn hơn thì làm 30-35 ống nứa. nguồn nước lớn hơn nữa thì làm đến 45-50 ống nứa hoặc làm 2 đàn nước loại vừa (30-35 ống nứa). Âm thanh đàn nước hàng ngày vừa đuổi chim, thú để giữ rẫy lại vừa là phương tiện để giúp vui cho bà con khi cả ngày làm lụng trên nương rẫy, người Ba Na và người Xơ Đăng ở Kon Tum đều có truyện cổ dân gian khá hay về nguồn gốc của loại đàn nước này.
 
Cùng với Ting gling đàn nước- loại đàn gõ, cũng làm từ ống lồ ô là loại đàn Klong put truyền thống của người Xơ Đăng, nhưng cách sử dụng lại khác là vỗ bằng hai tay vào miệng các ống lồ ô để tạo ra âm thanh khá độc đáo. Loại đàn dân gian này được cho là có xuất xứ ở các làng người Xơ Đăng ở xã Đăk Sao, Đăk Na (Tu Mơ Rông), người sử dụng đều là phụ nữ, khi khảo cứu về loại đàn này ở xã Đăk Sao chúng tôi được các cụ cao tuổi người Xơ Đăng ở đây cho biết là đàn Klong put cũng bị quên lãng nhiều năm do chiến tranh, người có công phục chế lại loại đàn này là cụ A Để ở làng Đăk Giá, xã Đăk Sao trong những năm kháng chiến ở vùng căn cứ cách mạng, về sau trở thành rất phổ biến ở các làng trong xã và các xã bên cạnh. Từ những năm 2000, đã nhiều lần chúng tôi trực tiếp đưa chị em người Xơ Đăng xã Đăk Sao (Tu Mơ Rông) vác bó ống lồ ô của bộ đàn Klong put này ra Thủ đô Hà Nội để diễn tấu. Không cần cột dây, chẳng cần giá đỡ, chỉ với hai cây lồ ô già để ở hai đầu tạo khoảng cách với mặt đất, chị em người Xơ Đăng cứ thế đặt các ống lồ ô lên và ngồi vỗ say sưa trước sự thán phục của khán giả Thủ đô, của nhiều nghệ sỹ có tiếng ở trung ương và nhất là khách nước ngoài. Không chỉ diễn tấu riêng Klong put mà chị em người Xơ Đăng còn hòa tấu chung Klong put với cả một dàn cồng, chiêng, trống tạo ra những bản giao hưởng nhạc cụ dân gian truyền thống hết sức đặc sắc, mặc dù họ chả biết nó là nốt nhạc gì. 

Diễn tấu Đing Tut của người Triêng - dân tộc Giẻ-Triêng huyện Ngọc Hồi

Loại nhạc cụ dân gian đặc trưng thứ ba là Đing Tut của nhánh người Triêng dân tộc Giẻ-Triêng ở huyện Ngọc Hồi. Cũng làm từ ống nứa nhưng khác với Ting gling đàn nước- loại gõ và đàn Klong put- loại vỗ, Đing Tut là những ống thổi hơi với 6 ống nứa, ngược lại với Klong put- người vỗ là phụ nữ thì người thổi Đing Tut lại là 6 người đàn ông với trang phục khoác chiếc váy truyền thống trên người và đội những chiếc mũ rất đẹp, nhiều họa tiết, hoa văn và màu sắc cầu kỳ của người Triêng. Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Triêng ở Kon Tum, Đing Tut có vai trò đặc biệt nhất trong các sinh hoạt diễn xướng dân gian.
 
Xuân Giáp Ngọ đang về. Bước vào năm con Ngựa tưởng chừng vội vã phi nước đại,  như lúc bước vào Xuân Quý Tỵ 2013 với dấu mốc Kon Tum tròn 100 năm tuổi đầy sôi động cả năm, nhưng có vẻ không phải thế, Kon Tum đang vào xuân cũng với nhịp điệu rộn ràng và náo nức, nhưng không hối hả, vội vàng gì lắm, thấy xuân đến chầm chậm, từ từ và tĩnh lặng hơn. Đường phố, bản làng tràn ngập sắc xuân, đầy ắp nắng vàng trong yên ả, xuân đến cũng là mùa của lễ hội dân gian, đây đó tiếng cồng chiêng, tiếng Klong put, tiếng Đing Tut đã bắt đầu thánh thót, âm vang- những tiếng vọng của thời gian, của núi rừng đang chậm rãi chuyển mình trong thời khắc giao hòa của khí thiêng đất trời sông núi vào xuân.
 
Xuân Giáp Ngọ 2014
Trần Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét