6 thg 2, 2014

Lễ hội nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng

Lễ hội nàng Hai hay còn gọi là nàng Trăng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng. Lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, gắn với tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với ước mong về mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Hiện lễ hội này vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn tại xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) và xã Kim Đồng (huyện Thạch An).

Mới đây, trong khuôn khổ của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ hội Nàng Hai của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng đã được tái hiện sinh động, thu hút đông đảo người xem.

Theo tín ngưỡng dân gian người Tày, trên cung Trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên là con các Mẹ Trăng, hàng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho dân chúng ở trần gian. Lễ hội Nàng Hai là cuộc hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, giúp dân việc đồng áng, mùa màng bội thu, muôn nhà hạnh phúc.

Trai bản đưa lễ vật ra cúng tại miếu thổ công để mời Mẹ Trăng xuống trần cầu mùa, cầu phúc.


Thực hiện nghi lễ xin lửa trước khi vào cúng tại miếu thổ công.

Thầy bụt và 12 cô gái tượng trưng cho 12 nàng Trăng làm lễ tại miếu thờ thổ công.

Nghi thức cúng tại miếu thổ công mang nhiều màu sắc tâm linh của đồng bào Tày.

Sau khi cúng xong ở miếu thổ công, thầy bụt và 12 cô gái đến lán Hai để thực hiện nghi lễ cầu Hai.

Thầy bụt và bà dẫn chuẩn bị lễ vật để dâng cúng Mẹ Trăng ở lán Hai.

Lễ vật gồm có xôi, gà, lợn tượng trưng cho ước vọng về cuộc sống no ấm.

Thầy bụt thắp hương khấn Mẹ Trăng trong lán Hai.

Các thiếu nữ nhập vai nàng Hai đón Mẹ Trăng xuống trần.

Lễ hội Nàng Hai là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp các hình thức múa, hát, nhạc trong không gian bản làng, phục vụ cho nghi lễ cầu phúc, cầu mùa. Lễ hội gồm 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiến Hai. Mỗi một phần nghi lễ sẽ có những lễ vật khác nhau.

Nghi lễ đầu tiên là lễ đón Hai. Tại lễ này, thầy bụt (thầy cúng) sẽ ra miếu thổ công để xin thổ công mời Mẹ Trăng xuống trần gian. Khi thầy bụt bắt đầu lầm rầm khấn vái chính thức mời Mẹ Trăng xuống trần gian giúp dân việc đồng áng và cầu phúc cho dân bản, 12 cô gái được chọn đóng làm 12 nàng Hai cũng sẽ bắt đầu múa hát theo lời thầy bụt. Và kể từ giờ phút đó, các cô được xem như đã trở thành nàng Hai xuống giúp cầu mùa, cầu phúc cho dân bản.

Nghi lễ thứ hai là lễ cầu Hai được diễn ra tại hai nơi là miếu thổ công và lán Hai. Trong phần lễ này, thầy bụt sẽ lần lượt làm lễ cúng 12 mẹ Trăng, với đại diện là 12 cô gái tượng trưng cho 12 Mẹ Trăng, tượng trưng cho 12 tháng âm lịch trong năm. Theo quan niệm của người Tày, mỗi Mẹ Trăng sẽ trông coi việc cầu phúc và mỗi phần việc đồng áng khác nhau.

Nghi lễ cuối là lễ tiến Hai. Đây là nghi lễ khá quan trọng, thu hút nhiều người dân ở các vùng lân cận tới dự. Lễ tiến Hai thể hiện sự quyến luyến của các Mẹ Trăng và các nàng Hai trước lúc về trời, với những lời hát dặn dò và lời hẹn ước sẽ gặp lại năm sau, thể hiện niềm tin mãnh liệt của cộng đồng dân bản vào sự phù hộ của Mẹ Trăng gắn với ước mong tốt đẹp về cuộc sống bình yên, no ấm, của đồng bào Tày nơi miền sơn cước.

Các nàng Hai thực hiện nghi lễ tiến Hai.

Nghi lễ cúng đi xung quanh lán Hai là nghi lễ quan trọng để tiễn Mẹ Trăng về trời.

Bà dẫn và các nàng Hai phá dỡ lán Hai để tiễn các Mẹ Trăng về trời.

Sau phần nghi lễ phá dỡ nhà Hai là phần lễ tiễn Mẹ Trăng vượt biển về trời.

Bà dẫn đi đầu đoàn rước, tay bê một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối tượng trưng cho sức mạnh vượt biển của Mẹ Trăng.

Mọi người cùng thả thuyền chuối xuống ao, tượng trưng cho chuyến vượt biển trở về trời của Mẹ Trăng.

Những chiếc thuyền chuối tượng trưng cho chuyến vượt biển về trời của 12 Mẹ Trăng. 

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét