5 thg 10, 2013

Tìm hiểu về túi đeo vai K’choi của người Xê Đăng ở Kon Tum

Nếu như người lao động dưới xuôi có đôi quang gánh, chiếc làn làm dụng cụ mang vác đồ đạc thì người Xê Đăng lại có chiếc K’choi theo họ suốt trên mọi nẻo đường trên rừng, xuống suối, mang tất cả dụng cụ cần thiết cho cuộc sống của mình. K’choi là loại dụng cụ truyền thống người đồng bào Xê Đăng được làm từ cây mây hoặc cây sâm lũ, hình cánh dơi, có hai quai đeo như chiếc ba lô, hoa văn trang trí cầu kì, phù hợp với cuộc sống vùng cao. 

K’choi se tă - K’choi dành cho phụ nữ Xê Đăng - Ảnh: A Định Hănh. 


K’choi đã có mặt trong đời sống của người Xê Đăng tự bao giờ không rõ, chỉ biết rằng vật dụng này có trong ngôi nhà từ khi những chàng trai, cô gái còn nhỏ xíu, lẫm chẫm tập đi. K’choi dành cho phụ nữa là K’choi san tă, chỉ có 1 ngăn túi, kích cỡ nhỏ, vừa vặn với người phụ nữ khi làm việc. K’choi sa tă có đáy và hai cạnh bên uốn hơi cong hình vòng cung, tạo nên hình dáng tròn trịa thon thả như những cô gái Xê Đăng đang tuổi xuân thì. Loại này có cách đan phức tạp, với nhiều hoa văn họa tiết phong phú và văn tinh tế, sắc sảo, với màu đỏ, đen, trắng, vàng. Loại dành cho nam giới tên là K’choi poong, to hơn, dài hơn, phù hợp với đàn ông khi phải mang vác nhiều thứ lên rừng, lên rẫy, săn bắt,…không có hoa văn phức tạp nhưng diện tích lớn hơn nên cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. K’choi poong có hình trụ đứng, miệng hơi loe rộng, đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng như chàng trai Xê Đăng rắn rỏi, vững chãi. K’choi poong có một ngăn dài ở giữa và có 2 ngăn ngắn hơn nằm hai bên, phía trên đan liền hai sợi dây nối với miệng của ngăn giữa dùng để đeo ôm sát vào lưng. Giữa các ngăn và hai bên ngoài có gắn các cây gỗ hoặc mây đã được vuốt nhẵn và to ra ở phần dưới có tác dụng làm đế đỡ cho toàn bộ K’choi poong không cong gãy.

Trong sâu thẳm tâm hồn người Xê Đăng, K’choi như một người bạn tâm giao cùng họ chia sẻ mọi niềm vui, cùng trải qua những công việc khó nhọc thường ngày. Từ hạt lúa, củ sắn, củ khoai, nắm rau cho đến rìu, rựa, dao… tất cả đều ở trong K’choi, giúp đôi tay người vùng cao bớt phần vướng xíu, giúp đôi chân thêm phần dẻo dai, nhanh nhẹn. K’choi cùng người Xê Đăng đi từ bản làng này sang bản làng khác, từ con suối này lên đỉnh núi kia, cùng chàng trai vào rừng săn bắn, cùng cô gái lên nương gieo hạt trồng cây. Nếu bạn lên những bản làng của người Xê Đăng, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh, những bà mẹ đeo K’choi, đằng sau là em bé mới được vài tháng, K’choi là cái nút thắt chặt mối liên hệ mẹ con. Rồi khi em bé lớn hơn chút nữa, sẽ được cha mẹ đan cho chiếc K’choi xinh xắn, vừa tầm em bé đeo để làm việc phụ giúp cha mẹ. K’choi không chỉ là vật dụng thuần túy trong công việc hàng ngày mà còn là sản phẩm trang trí không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Trong khi tiến hành lễ, già làng thường đặt một chiếc K’choi ở gần bàn thờ để chứa đồ cúng như thịt heo, thịt gà, tấm thổ cẩm. Rồi khi múa hát tập thể, mỗi cô gái lại đeo K’choi trên lưng, vui vẻ múa ca uyển chuyển, K’choi như vật trang trí, điểm tô thêm nét duyên dáng của sơn nữ Xê Đăng. 

K’choi poong - K’choi dành cho nam giới Xê Đăng - Ảnh: Nguyễn Văn Phi. 

Để làm được một K’choi đẹp bền chắc có họa tiết hoa văn cũng rất công phu. Trước hết là khâu chọn nguyên liệu, phải là loại mây non hoặc cây sâm lũ (loại cây họ mây nhưng dai hơn và có gai, người đồng bào thường dùng nó để làm dây nỏ) vì mềm, nhỏ, dễ dàng thực hiện các thao tác kỹ thuật phức tạp. Không chọn tre lồ ô, trúc nứa, loại này rất dễ gãy, và không dễ dàng uốn cong để trang trí hoa văn, họa tiết. Sau đó mang về cắt ra từng đoạn rồi chẻ thành lạt vót thật nhẵn mới đem đi ngâm bùn cho đến khi thân mây dẻo ra mới đan được. Từng mũi đan K’choi là từng nốt tâm tình của người nghệ nhân Xê Đăng, dường như họ dồn hết tình cảm và thêu dệt ước vọng của mình qua từng sợi mây, họa tiết như một lời gởi gắm. Có thể khái quát quy trình đan K’choi như sau:

Đầu tiên là tạo hình: Để tạo ra K’choi se tă thì nghệ nhân đan thành 1 tấm có chiều dài 80 cm, rộng 25 cm, sau đó gấp đôi tấm đan lại, may hai bên viền để tạo hình ống trụ. Còn K’choi poong cũng đan tương tự như K’choi se tă nhưng dài khoảng 85 cm và rộng khoảng 30 cm, đan thành tấm rồi gấp đôi tạo ngăn nhưng đan phần ngăn túi chính ở giữa trước, đến phần ngăn phụ hai bên thì đan dang rộng ra theo đúng kích cỡ muốn. Riêng ngăn phụ thì đan riêng nhưng cũng đan thành tấm rồi gấp đôi lại, không cần tạo hoa văn.

Tiếp theo là tạo hoa văn: hoa văn là một trong những điểm nhấn nổi bật và tạo tính sinh động, thẩm mỹ cho sản phẩm đan lát của người Xê Đăng. Có nhiều loại hoa văn được thể hiện trên K’choi như hình tứ giác (pú pé), hình quả trám, kỷ hà, hình chân rết, hình sóng nước,…tùy vào diện tích sản phẩm và sở thích của nghẹ nhân mà được thực hiện.

Gắn dây quai đeo (tơ koa koong): là một bộ phận quan trọng của K’choi để mang lên lưng lên rừng, lên rẫy. Dây quai đeo được tết sau khi đan xong mê thân và tết miệng K’choi. Việc đan mất khoảng 1 ngày, cọng nan mây dùng làm dây quai đeo dài 1,5m, khoảng 8 dây. Dây quai đeo được tết rộng ra, hơi bè ở đầu tiếp giáp với miệng K’choi để đeo tren vai cho êm, còn đầu dưới tết thành sợi đuôi sam thon nhỏ. Để tạo cho K’choi se tă thêm phần điệu đà, người ta tết thêm các sợi tua rua nhiều màu dọc quanh thân K’choi, làm bằng sợi loang xi mai (một loại cây cho sợi để dệt, mọc trên rừng, nhìn gần giống cây bông).

Nhìn qua K’choi ta có thể đoán được trình độ của người nghệ nhân làm ra nó dựa vào những đường quấn thắt của dây mây xung quanh K’choi và chất lượng hoa văn trang trí bên ngoài. Có những K’choi đạt đến độ tinh xảo gần như tuyệt đối, hình dáng vuông vắn, nốt đan chính xác, hoa văn đều đặn, đường nét rất chặt chẽ, không sợ bung ra sau một thời gian sử dụng. Với những chiếc K’choi đó, để càng lâu càng bóng láng, lên màu thâm trầm, đẹp đẽ, nhìn qua là biết đáng quý chừng nào. Năm năm, tháng tháng, từng cô gái, chàng trai Xê Đăng lớn dần lên, dẫu đi qua bao con suối, leo qua bao cánh rừng thì trên lưng họ vẫn là chiếc K’choi đẹp đẽ, ghi đậm dấu ấn thời gian.

Hà Oanh 

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Nghề đan lát của người Xơ Đăng ở Kon Tum
tác giả Phan Thanh Bàng, A Đinh Hănh, Kon Tum, năm 2011. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét