13 thg 10, 2013

Ngày Xuân, về ngàn Nưa huyền thoại

Về xứ Thanh ngày Xuân lại nhớ câu ca: “Ai qua Nông Cống tỉnh Thanh/Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng”. 

Về Thanh Hóa những ngày đầu Xuân Qúy Tỵ này, du khách sẽ không thể bỏ qua cơ hội đến núi Nưa – theo truyền thuyết – là nơi bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh, người nữ tướng trong câu ca mà dân gian truyền lại) tập trận khi xưa. Bà đã cùng với nghĩa quân lên đỉnh núi Nưa mài gươm, luyện võ, khởi nghĩa chống lại quân Ngô.

Núi Nưa nay thuộc 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh. Đây là một dãy núi cao trùng điệp được bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Đất đai trên núi phì nhiêu, màu mỡ, cây cối tốt tươi, thảm thực vật phong phú; đặc biệt trong rừng có cây nứa tép mọc khắp nơi, được người dân địa phương dùng để đan lát các vật dụng gia đình, làm hàng rào… 

Trước đây, lên núi Nưa, người dân đi theo lối mòn của những người đi kiếm củi, kiếm nứa. Nay đã có con đường thênh thang men theo triền dốc núi đưa du khách thập phương lên vãn cảnh. 

Núi Nưa những ngày này ngập trong sương mù, càng lên cao sương mù càng dày đặc, có khi chỉ cách nhau chục mét cũng không nhìn thấy người đi trước. Bạn có thể leo bộ lên núi hoặc được đội ngũ “xe ôm” hay xe “chuyên dụng” trèo núi phục vụ nhiệt tình. 

Sau khi vượt hơn 3,5km từ dưới chân núi, du khách đã đặt chân lên đỉnh núi Nưa, nơi được địa phương tôn tạo, tu bổ đón khách thập phương về vãn cảnh, dự lễ hội 

Vươn Đào Tiên mờ ảo trong sương 

Đường vào Động Am Tiên trên đỉnh núi 

Trong Động có Giếng Tiên, nước trong vắt, mát và ngọt; quanh năm không bao giờ cạn 

Tương truyền là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận. Ngày nay du khách đến đây không quên mang theo can nhựa xin nước giếng về để cầu may. 

Lối lên Đền chính 


Đền thờ Bà Triệu lúc nào cũng đông nghẹt người 

Giữa mịt mù sương, khung cảnh trên núi trở nên huyền ảo, linh thiêng 


Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp từng lên đây trồng cây lưu niệm 

Theo truyền thuyết, núi Nưa là nơi bà Triệu tập trận khi xưa, với câu ca bất hủ: “Ru con con ngủ cho lành/Để mẹ gánh nước rửa bành Ông Voi/Muốn coi, lên núi mà coi/Có Bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”. Ông Voi ở ngàn Nưa đã đi vào huyền thoại trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. 

Những hàng rào bằng cây nứa tép 

Từ cổng Đền Am Tiên đi sâu vào 150m, chúng ta tới khu Huyệt Đạo. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 m2. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Tương truyền, đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức Đền Am Tiên, Núi Nưa). Theo sử sách để lại, đây chính là một trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt Đạo là khu cao nhất của núi Nưa, với độ cao gần 1.000m 

Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất, là nơi hồn thiêng của ngàn Nưa “thông lên trời”. 

Hóa vàng ngay cạnh Huyệt Đạo 

Núi Nưa có thảm thực vật phong phú 

Phối cảnh khu di tích núi Nưa 

Trong những ngày này lượng khách thập phương tới đây đông hơn bao giờ hết, già thì đến cầu lộc cầu tài, cầu sức khỏe, người trẻ thì cầu học hành, cầu tình duyên, công danh…. 


Lại Thìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét