11 thg 10, 2013

Chiêm ngưỡng 3 giếng cổ độc đáo ở Thượng Hội

3 chiếc giếng nằm ở ba nơi đặc biệt trong làng, gắn với nhiều suy nghĩ sâu sắc của người xưa tạo nên nét đặc biệt của Thượng Hội.

Hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình vốn là nét đặc trưng nông thôn Việt Nam. Giờ đây xã hội phát triển, giếng nước không còn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân nữa nên nhiều giếng bị bỏ quên hoặc đã bị xóa sổ. Tuy vậy, ở làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội, có 3 giếng cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Ba giếng cổ nằm lần lượt ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương tỏa chiếu, hòa khí âm dương làm con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục. Dân làng coi đây là tấm gương lớn, người dân trước khi ra khỏi làng hoặc lúc quay về thường soi mình vào đây. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc.

Ông Trần Tuyết, 80 tuổi, một nhà giáo về hưu ở xã Tân Hội cho biết: "Trong lịch sử, làng Thượng Hội từng được vua Tự Đức phong tước hiệu "Mỹ tục khả phong". Làng có 4 cổng, 3 giếng cổ, đến nay chỉ giữ được 2 cổng làng, nhưng 3 giếng cổ thì vẫn nguyên vẹn. Cuối làng là chiếc có hình bầu dục, như một tấm gương lớn khúc xạ ánh mặt trời, phản chiếu điều lành soi sáng cho cả làng. Nhà nào nằm trong vùng phản chiếu, sinh con gái ra thường rất xinh đẹp. Con gái Thương Hội nổi tiếng có nhiều người đẹp”.

Hiện giếng làng Thượng Hội được bảo tồn, tôn tạo không những làm đẹp làng quê mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tạo động lực cho địa phương xây dựng nông thôn mới.

Giếng Vuông nằm sát cổng làng cũng là giếng rộng nhất, đẹp nhất, vì nằm trước chùa Thiện Linh nên ngoài tên giếng Vuông, người làng còn gọi giếng Chùa. Mặt giếng Vuông rộng hơn 700 m2, bờ giếng có hàng cau, rặng cây nên nơi này còn là chỗ cho khách thập phương dừng chân, trẻ con câu cá, người lớn đánh cờ. 

Năm 1999-2000, làng Thượng Hội đã cải tạo giếng Vuông, thay vì giếng đất nay đã được xây bằng gạch xung quanh, giao cho nhà chùa quản lý 

Một chiếc giếng khơi được đào trong giếng vuông để lọc lại nước một lần nữa. Hiện giếng không còn sử dụng được nữa. 

Giếng Tròn nằm ở giữa làng nên còn gọi là giếng Giữa, xây bằng gạch, rộng khoảng 200 m2, nước xanh ngắt. Sau khi bờ giếng sạt lở, người làng đã góp tiền mua đá xanh về kè quanh giếng. Do dự án mở rộng đường làng nên một phần của giếng tròn bị lấp đi nên hiện giếng có hình bán nguyệt. 

Giếng Bầu Dục, còn gọi là giếng Soi, nằm sát cổng làng. Giếng Bầu Dục ở cuối làng rộng khoảng 1 sào (360 m2), sâu khoảng 3m, là giếng cổ nhất trong 3 giếng ở Thượng Hội. Bên bờ giếng, những bậc đá ong và bụi duối xanh vẫn còn từ hằng trăm năm nay. 

Người làng gọi đây là “giếng gương thần”. Bà con truyền tai nhau, đi đâu, về tới làng, soi mình xuống giếng sẽ thấy lòng khoan khoái, thanh thản. Cũng có người làng kể lại nhà nào trong vùng phản chiếu của giếng sinh con gái ra sẽ rất xinh đẹp. 

Giếng bầu dục được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước 

Cổng chính của làng văn hoá Thượng Hội. Làng Thượng Hội từng được vua Tự Đức phong tước hiệu "Mỹ tục khả phong" 

Cổng Trung của làng Thượng Hội. Cổng nằm giữa làng để phục vụ cho lễ hội Chèo Tầu. Có nhiều tranh luận sao cổng Trung giữa làng lại to đẹp hơn cổng chính. Cũng có tranh luận gọi là Trung hay Chung. Theo một số cụ cao niên ở làng giải thích, cổng nằm giữa làng nhưng dành cho 4 thôn dùng chung nên được xây to đẹp hơn cổng chính. Cổng do 4 thôn góp tiền xây với mục đích để phục vụ lễ hội. Trên cổng hiện còn 4 chữ "Lễ Nghĩa Đại Nhàn".

CTV Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét