18 thg 10, 2013

Hoa gạo rực trời tháng Ba

Mùa hoa gạo gắn liền với tháng ba, cái màu hoa đỏ thắm rưng rức trong ký ức của những người con xa quê.

Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo đâu đó quanh làng, thường ở đầu làng hoặc chơ vơ giữa đồng. Hoa Gạo còn có những cái tên thật mỹ miều như hoa Pơ lang, hoa Mộc Miên cái tên chỉ thoáng nghe qua thôi cũng đủ để bạn tưởng tượng đến những áng văn thơ, những lời hát say đắm lòng người.

Với các cụ ta xưa thì hoa Gạo là tín hiệu để nhận biết sự giao mùa và chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp:

“Bao giờ đom đóm bay ra 
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng” 

Người xưa có câu “hồn cây đa, ma cây gạo” chắc hẳn vì thế mà cây gạo hay được trồng ở đầu làng để vong hồn của ma đói chỉ quanh quẩn đầu làng. Vì thế cây gạo cũng hay gắn với cổng làng. Hoa gạo năm cánh đỏ tươi lúc hoa rơi cánh hoa xoay như chóng chóng nhìn thật đẹp. Có cây gạo nằm bên sông quê vào mùa hoa gạo rụng đỏ mặt sông nhìn thật nên thơ.


Đi dọc bờ đê Sông Hồng từ làng gốm Bát Tràng đến Hưng Yên mùa này, bạn sẽ gặp nhiều gốc gạo hoa cũng rất đẹp hoặc đi theo triền đê từ ngã tư Vác đến Ba Thá bạn sẽ gặp nhiều gốc gạo đẹp dọc bờ sông Đáy. Tôi không sinh ra ở thôn quê nhưng cũng thấy nao nao khi thấy cây gạo, lại nhớ về những miền quê tôi đã đi qua với khúc sông, mái đình, cổng làng. Hình ảnh cây gạo và những bé thơ chơi dưới gốc gạo luôn làm tôi say lòng.

Bất chợt lại nhớ bài thơ về hoa gạo gắn với câu chuyện tình của đôi nam nữ trong huyền thoại:

"Lửa hạ nhen hồng lên dáng hoa 
Đường thôn thắm đỏ sắc quê nhà 
Em nhắn: đang mùa hoa gạo nở
Anh về ôn chuyện Mộc Miên xưa! " 

Yêu lắm mùa hoa gạo tháng ba...

Hoa gạo ven sông 

Hoa gạo sau nhà 



Hoa gạo bên mái đình 

Hoa Gạo còn có những cái tên thật mỹ miều như hoa Pơ lang, hoa Mộc Miên 




Hoa gạo bên con đường bụi đỏ thôn quê 



Hoa gạo nở rộ gọi mời chim chào mào 

CTV Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét