11 thg 10, 2013

Người Mày ở Giăng Màn: Tộc người không tư hữu

Người Mày trong hệ gia đình Rục, Mày, Sách, Mã Liềng, Khùa, Trì, Thổ thuộc dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Tộc người Mày chỉ nhỉnh hơn một ngàn người dưới núi Giăng Màn, nhưng có một cuộc sống uyển chuyển với tự nhiên, thông minh với thế giới hoang dã và đặc biệt, họ chưa động chạm đến tư hữu và có nhiều cổ tục lạ lẫm, bí ẩn.

Bản làng người Mày dưới ngọn núi Găng Màn hùng vĩ

Người Mày ở Minh Hóa, Quảng Bình có cố kết cộng đồng đặc sắc. Sang thế kỷ XXI, họ vẫn chưa chạm đến con đường tư hữu cá nhân một cách nhuần nhuyễn như người Khùa ở lưng chừng núi, hay người Sách phía dưới núi, hoặc người Kinh ở hạ nguồn. Họ vẫn giữ gìn bản sắc chia sẻ thức ăn vào mùa săn bắn và cho nhau lương thực một cách vui vẻ.


Chia thịt mùa săn

Cứ vào tháng Bảy mùa mưa rừng, người đàn ông Mày chuẩn bị ná, tên độc từ một loại cây họ sung mọc bên suối có nhựa mũ cực độc. Vào lễ săn, già làng cúng mở cửa bản, hòn đá thiêng của bản đặt bên gốc cây khô, quanh bản có một cửa ra được gọi là cửa lên trời, những cây lồ ô được rút ra, mỗi thợ săn được mời bước qua đó, và dùng máu con gà sống bôi lên trán, chỉ dấu về sự hùng mạnh và điêu luyện được già làng ban cho con trai người Mày.

Những chuyến đi săn của người Mày thường kéo dài từ một tuần đến cả tháng, lương thực họ bới đi chỉ là mấy bắp ngô và ít sắn trên rẫy, không mang theo gạo bởi phải nhường gạo cho trẻ em và phụ nữ, người già trong bản.

Già Hồ Xếp nói: "Không bới gạo đi cũng là chứng tỏ bản lĩnh của con trai Mày dẻo dai như cây rừng, tồn tại khỏe hơn anh em khác như Khùa, Sách, Mã Liềng trong rừng rú khắc nghiệt".

Họ đi vào rừng và phân công tốp săn một cách thông minh, nếu dùng bẫy họ đi theo dấu vết của thú rừng, phát hiện đường đi, họ sẽ làm một cái bẫy cạnh nơi có nước, thú đến đó sẽ mắc bẫy.

Nếu là săn bằng ná và tên độc, có người tiền trạm, phát hiện có thú, một tiếng huýt như tiếng chim ưng được phát ra, cả nhóm bủa thành hình vòng cung và xả tên vào con thú. Chưa bao giờ người Mày đi săn trở về tay không.

Người Mày chuẩn bị đi săn

Một con lợn rừng, con nai, hay con mang hoặc bất cứ loài thú nào to lớn bị bắt được, bản của người Mày có bao nhiêu thành viên đều được chia hết. Người đầu tiên phát hiện chỉ nhiều nhất là được phát thêm cái đầu, ngoài chỗ thịt như mọi người. Cái đầu của con vật săn được là biểu tượng của thợ săn thiện nghệ.

Tôi được cùng Hồ Khiên đi săn thú. Một ngày quần rừng khu vực săn bắn, trời mưa, những động loạn khiến mọi con vật lẩn trốn. Gần như phải tay không ra về, nhưng cuối cùng, Hồ Khiên cũng bắt được một con rắn to và một con thỏ rừng.

Khiên đưa đến nhà cụ Hồ Xếp, để vị già làng phân chia. Số thịt làm ra không nhiều, già Hồ Xếp nói chỉ phân cho một số nhà khó khăn và gia đình Hồ Khiên, dĩ nhiên, người đi theo như tôi cũng được phân một miếng thịt thỏ và một khúc thịt rắn, bởi tôi có công đi với Hồ Khiên, già làng dặn thế.

Chưa tư hữu sâu sắc

Thật ra nói người Mày không tư hữu cũng là chưa lột tả hết cuộc sống hiện thực của họ. Chúng tôi quan sát gần một tuần liền, thấy rằng, họ đã bắt đầu sở hữu cá thể gia đình với các vật dụng nhỏ nhất và đơn sơ nhất.

Hiện tại, về sâu xa, người Mày không ý thức về tư hữu, họ sống quần tụ và đoàn kết, thông minh trong cách ở, cách săn bắn, cách ứng xử với núi rừng.

Làm ít lúa rẫy, sắn ngô, họ thu hoạch rồi bỏ vào cái lán trên nương, ở đó dòng họ, anh em đều được phép đưa về ăn, ai đói cũng có quyền nói với trưởng tộc hoặc già làng, rồi xin chủ nhân được ra lán lấy ít lương thực.

Con trai trưởng thành sẽ đi lấy mật

Anh em Mày chia nhau miếng ăn như chia nhau những câu chuyện kể về nguồn gốc người Mày hùng mạnh qua các đêm lửa bập bùng cuối năm do già làng dẫn dắt.

Cụ Hồ Xếp, người già làng thông thái nói: "Cái người Mày nhà này có mà người Mày nhà khác không có thì phải cho nhau, vì có khi mình không có thì người khác cho. Người Mày mỗi bản vài nóc nhà, không cưu mang nhau để sống bền với rừng thì thua con thú, con chim; chúng sống còn có bầy, có đàn, huống chi người Mày bắt được con thú, con chim, phải hơn chúng chứ".

Với họ, nhà cửa là cái bình thường, cho nên nó xơ xác tiêu điều, bởi với người Mày, chuyện tư hữu một căn nhà ở rừng họ chẳng đoái hoài. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng giúp dựng nhà mới, họ mới nghe kể về sự trọng đại của việc làm nhà trong đời người và bắt đầu gieo vào ý thức việc sở hữu căn nhà quan trọng như lễ trưởng thành.

Người Mày chưa có chăn nuôi lớn cho gia đình, cá nhân. Họ chỉ mới dừng lại ở nuôi vỗ gà và lợn, chó, heo chứ chưa nuôi bất cứ con gì. Nhưng chẳng may, "vừa rồi người dưới núi đưa thịt heo bệnh lên bán, dân mình ăn, rửa thịt gần nguồn nước heo ở, chúng lăn đùng ra chết hết mấy chục con cả bản, bài học lớn cho bản mình rồi", Hồ Meo nói.

Từ cái chết của mấy chục con heo, cả bản họp lại và rút kinh nghiệm, không phải lỗi của một gia đình, mà vì cả bản chưa thấy được cái bệnh nó nguy hiểm như thế nào.

Hào hoa với khách

Với người Mày, mỗi lần bản có khách, không phải chỉ một mình chủ nhà tiếp đãi mà lần lượt các nhà khác trong bản đều khoản đãi khách bằng những bữa cơm lúa nương và canh măng tươi với lá cọ rừng rất ngon.

Tôi may mắn được là một trong những vị khách như thế. Bữa cơm đạm bạc của dân bản Mày thết đãi, cho thấy tiềm lực ngôi nhà của họ và cũng bộc toát lên tâm hồn của họ, có cái gì cũng đưa ra mời khách.

Bữa ăn cơm lúa nương

Bữa cơm tối của cảnh núi rừng u tịch, bên ngọn đèn tạo ra từ loại dầu của cây cu lết trên rừng, giữa bản có nhà bắt được mớ cá khe cũng đưa đến chung vui đãi khách, rồi hỏi han bao chuyện cuộc sống miền xuôi, miền ngược.

Người Mày đang tồn lưu những gì thuộc về công sản nguyên thủy, nên mọi thứ thuộc về mưu sống họ đều chia sẽ, kể cả với khách phương xa.

Ngày nay, buôn bán đã tràn đến bản làng người Mày bằng chiếc xe máy của đội quân buôn chuyến, người Mày đã có thể ăn được con cá trích, cá nục từ dưới biển đưa lên. Nhưng họ chỉ dừng lại ở vật ngang đổi các đặc sản rừng, chưa thể có kỹ năng ngã giá.

Một số người Mày đổi sản vật cho các lái buôn chuyến thành tiền, có người vẫn không biết phân biệt giá cá nục thế nào, cá trích ra sao.

Tôi đưa tiền cho vợ Hồ Khiên đi mua cá, đưa cho chị 200.000 đồng, chị thấy rõ số hai, không đọc được các số không phía sau, mua đúng con buôn lừa mánh, hai trăm ngàn chỉ được hai cân cá. Hỏi sao chị không ngã giá, Y Phăng nói "không biết mô”, nghĩa là với chị không thể thêm bớt từng đồng như người dưới núi.

Không chỉ có vợ Hồ Khiên, nhiều người khác cũng như thế, bởi mãnh lực núi rừng kéo họ lại với quá khứ nhiều hơn, những va chạm và tiếp xúc với văn minh quá ít nên chưa thể bào mòn ý thức xưa cũ.

Người phụ nữ Mày vào rừng vẫn nhanh nhẹn với tài hái lượm, đàn ông Mày vẫn dẻo dai với săn bắn ý thức công sản của ngày nguyên thủy vẫn đeo bám tâm trí họ.

Hàn Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét