22 thg 6, 2013

Trâu không còn buồn vì máy cày

Trong bài Bình ca số 1 của nhạc sĩ Phạm Duy, đoạn 2 của phiên khúc 2, có câu: “Này em con trâu già, nằm chơi trâu nhai cỏ, nhìn những chiếc máy đang cày bừa, trâu đừng buồn vì máy cày nghe…” 

Nhơn tầm ngưu ở lẩu trâu Tám Khuynh. Ảnh: Trần Việt Đức 

Vâng trâu không còn buồn vì máy cày. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử và ở lại trong ký ức tuổi thơ mộng mị của nhiều thế hệ, ít nhiều trong chúng đã chuyển sang nhiệm vụ khác, nhất là trâu ở miền Tây.
Lần đầu tiên, có dịp đi ngang tỉnh lộ 8, trông thấy bảng hiệu Cơm Trâu ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, tôi bèn liên tưởng đến cơm gà Thượng Hải. Hổng biết hai món này có gùn ghè nhau nổi không? Đức Lập có trở thành dấu chỉ địa lý của cơm trâu nổi không? Điều chắc chắn là cái thứ gà mà nhập chui qua đất Việt nấu cơm gà Thượng Hải thì chỉ xách dép cho cơm trâu.

Nói chung, về các tỉnh miền Tây không nhớ đến món trâu nhúng hèm, nhúng mẻ, coi như chuyến đi được tính là mới về miền Tây có một nửa, không trọn vẹn. Bởi vậy không phải chỉ có ngưu mới tầm ngưu, mà nhơn càng tầm ngưu dữ!

Sài Gòn một số nơi cũng có món trâu nằm chìm khuất trong thực đơn dài dặc. Như quán Tám Khuynh ở quận Phú Nhuận, vườn ẩm thực Đông Hồ, quận 10…

Thịt trâu, nhất là trâu lai dòng Murrah của xứ cà ri nị thì thịt bò ở ta, may ra chỉ có bò tơ Củ Chi phang theo bở hơi tai mới bắt kịp.

Theo cuốn Tổng đàn trâu và các chiến thuật trên thế giới, đàn trâu bớt buồn vì máy cày của Việt Nam khoảng ba triệu, chỉ bằng 3% số lượng trâu của Ấn Độ, mà đàn trâu nước này chiếm tới 56,5% đàn trâu thế giới. Thế mà, theo FAO, Ấn Độ dẫn đầu về sữa trâu với số lượng 56.960.000 tấn, thì xứ ta xếp thứ 10 với 31.000 tấn. Chẳng biết dòng sữa ấy chảy về đâu, các nhà sữa có mua không? Tiếc là mình chưa được thưởng thức món yogourt sữa trâu – béo hơn và giàu đạm hơn cả sữa bò. Có người đoán rằng ngày xưa, khi thấy khổ hạnh chỉ đem lại đau khổ mà trí tuệ chẳng hề tăng tiến, đức Phật quay lại dùng thức ăn, trong đó có cháo sữa trâu do thôn nữ Sujata dâng cúng. Vì bò ở xứ này hưởng quyền như dân biểu – bất khả xâm phạm.

Thịt trâu không hề thua thịt bò về cái ngon một tí ti ông cụ nào cả. Thậm chí ngon hơn và lại ít cholesterol hơn. Dân miền Trung ít ăn thịt trâu, vì xứ này trâu không có nhiều, nên trong cái ký ức về ngon của họ không có hương vị trâu. Những dịp ăn thịt trâu của họ được thưởng thức toàn những con trâu nạn, bệnh, lão, làm sao thấm được cái ngon của thịt-trâu-chính-danh.

Tôi cho rằng trâu nhúng mẻ và trâu steak đều là những món thuộc hàng thượng phẩm. Điều này cũng có cái may vì bò Kobe bế quan toả cảng, không xuất dương nên trâu nhúng và steak không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng các món nói trên thực sự cũng không qua loại bò Úc tinh tuyển – vốn cũng ít xuất dương vì khó bán số lượng nhiều ở một nước còn nghèo nhưng lại dễ bị lừa. Như nhiều đại gia đã từng bị lừa bởi thứ phở bò Kobe mắc như trân châu một dạo.

Lại nữa, thịt trâu bò húc giá nhau, làm nảy sinh mối nghi ngờ thứ rẻ được hô biến thành thứ mắc hơn trong hàng quán. Nhưng những người sành ăn khó mà bị mắc lừa, trừ khi thịt được dùng chế biến một món gì bị khuất tầm nhìn, như nướng lá lốt chẳng hạn. Nhưng cái lầm này đâu có thiệt hại gì cho người tiêu dùng, lợi hơn là đàng khác. Vì được ăn trâu nướng lá lốt ngon hơn bò là chắc. Còn người bán thời buổi khó khăn cũng chỉ kiếm thêm được chút ít chứ nhiều nhỏi gì.

Nhưng ở Mỹ thì món buffalo burger không hề rẻ, vì thịt trâu núi xứ này mắc hơn thịt bò.

Còn mấy món đặc sản về trâu như khô trâu một nắng Đồng Tháp, trâu gác bếp của những người dân vùng núi đồi Tây Bắc. Những thứ này vừa nhắc đến miệng đã không còn chịu nổi, nhất là cái mùi khói hương xa của miếng thịt gác bếp…


Ngữ Yên

1 nhận xét:

  1. chó, trâu - con vật trong nhà
    bao người thoải mái đem ra chửi đời
    đồ trâu, đồ chó - hết xài!
    nay thành đặc sản - buồn đời lắm thay!!!!

    Trả lờiXóa