10 thg 6, 2013

Người giữ hồn cũ Thủ Thiêm

Sáu năm, bà đã đi khắp các ngóc ngách của Thủ Thiêm, chụp từng hàng cây, con đường, ngôi nhà, góc phố. Đến nay bà đã có một "bộ sưu tập" lên đến hàng chục ngàn bức ảnh về vùng đất này. Bà chụp vì lo sợ chỉ trong một vài năm nữa, những hình ảnh của một Thủ Thiêm ngày xưa sẽ ra đi vĩnh viễn. Những ngày này, khi Thủ Thiêm ngày càng thưa bóng người, nhà cửa đã đập phá san bằng, bà lại càng hối hả. 

Bà là Nguyễn Thị Thu Thủy, ở tại đầu đường Lương Định Của, khu phố 1 phường An Khánh, ngay tại đầu con phà phía bờ Thủ Thiêm thuộc quận 2.

Hàng ngày, bà Thủy lùng sục khắp các nẻo đường, hang cùng ngõ hẻm để săn ảnh (Hình do Tiểu Hổ chụp năm lên 9 tuổi)


Sốc nặng khi phải xa Thủ Thiêm 

Năm 1952 khi cùng với gia đình đến cư ngụ ở vùng đất này, bà Thủy mới lên 4 tuổi. Lúc đó Thủ Thiêm là một vùng chằng chịt sông rạch, mênh mông đồng nước, cư dân thưa thớt, đi mỏi cả chân mới gặp một căn nhà. Đa phần là nông dân, có thêm dăm gia đình ở ven sông chài lưới hoặc buôn bán nhì nhằng với bờ bên kia. Cư dân thưa thớt và chủ yếu khẩn hoang, ruộng bưng biền ngập nước năng suất rất thấp. Nhà nào cũng đất nhiều, ruộng nhiều, nhưng đa số vẫn nghèo.

Ngày còn nhỏ, cứ mỗi sớm mai lên, bà lại cùng đám trẻ trong xóm đổ ra bến đò, bắt chước người lớn buôn bán vài thứ lặt vặt hoặc góp nhặt các thứ rơi vãi đem đi bán. Người ta buôn bán trao đổi các thứ với các tàu nước ngoài đến neo đậu trên khúc sông này hoặc tàu thuyền từ miền Tây lên. Cứ như thế bà cùng những đứa trẻ lớn lên như cỏ như cây và vùng đất này từ khi nào đã gắn bó thành máu thịt của bà. "Tôi quê ở huyện Tân Trụ tỉnh Long An, nhưng khi lớn lên tôi chỉ biết nơi này, và tôi xem đây là quê hương", bà tâm sự. Với nơi này mỗi hàng cây, con đường, bến đò và cái bến phà Thủ Thiêm này là những hình ảnh quen thuộc hàng ngày, nó gắn liền với tuổi thơ của bà và theo bà suốt cả cuộc đời.

Khi nghe tin toàn bộ vùng đất Thủ Thiêm này sẽ di dời, bà như rơi từ núi cao xuống vực sâu. "Tôi bị sốc nặng đến độ stress. Tôi như bị mất đi một phần cuộc sống của mình". Bà không thể nào tưởng tượng được rằng một lúc nào đó, người ta lại có thể đi khỏi cái nơi mà cả đời mình đã gắn bó. Bà lại không hình dung được sau khi rời khỏi căn nhà đó thì sẽ đi về đâu và tương lai sẽ ra sao. Đêm không ngủ được, sáng ra mở mắt lại nghe người ta nói về chuyện di dời, lòng bà cứ như có lửa đốt.

Lưu giữ một Thủ Thiêm bằng hình ảnh

Những lúc căng thẳng, bà lại ra khỏi nhà. Cái nắng, cái gió thênh thang, những hàng cây xanh mát làm lòng bà thấy dịu lại. Ra khỏi nhà bà thường cầm theo máy ảnh. Từ năm 13 tuổi bà đã tập tành chụp ảnh. Giờ thì chiếc máy ảnh trở thành bầu bạn. Ban đầu bà đi chụp chim cảnh, hoa lá giải khuây. Càng chụp hình, bà thêm yêu vùng đất này đến se thắt.

Một buổi sáng, người hàng xóm đối diện nhà bà dời đi nơi khác. Bà chợt nhận ra xung quanh mình ngày càng vắng vẻ và bất chợt hoảng hốt. Bà vội lao ra đường, chụp lấy chụp để. Lần này bà không chụp cây cảnh, chim cò hoa lá nữa, mà chụp tất cả những gì trên đường bà đi, mắt bà nhìn thấy. "Lúc đó tôi như sợ mất cái gì, chụp như điên", bà kể. Bà nghĩ, nếu không ghi lại những gì cuối cùng trong những ngày ngắn ngủi này, thì một Thủ Thiêm sẽ biến mất mà con cháu sau này không hề biết gì về một vùng đất mà ngày xưa cha mẹ ông bà nó đã từng rất gắn bó, bằng cả những nhọc nhằn.

Vậy là từ đó những tháng ngày rong ruổi của bà trên khắp nẻo đường. Đi với bà là một đứa cháu gọi bà bằng cô, Tiểu Hổ, mới 6 tuổi. Cứ mỗi sáng ra, chiếc xe đạp cà tàng mà bà gọi là con chiến mã, đưa một già một bé, cùng nhau rong ruổi khắp nơi. Bà chụp nghiến ngấu những gì mình chứng kiến. Con suối, dòng sông, cánh đồng, bến nước, cảnh người dân lao động tất bật hàng ngày, những ngôi nhà "hoang" do chủ cũ đã dời đi, bức tường loang lổ, đống gạch đá ngổn ngang sau khi người ta giải phóng mặt bằng… Tất cả được thu vào ống kính với những góc chụp nâng niu. Một người đàn ông oằn mình đẩy chiếc xe ba gác chở đầy đồ đạc, người bán vé số ngồi đọc báo ở quán nước bên đường, cảnh chợ An Khánh càng vắng vẻ những ngày về sau… đều được bà ghi lại.

Đang đi trên đường, bà đã thu được hình ảnh một cặp vợ chồng đang dời nhà, tất cả tài sản trên một chiếc xe tải nhỏ. Một ngôi trường giải tỏa, nhìn cảnh tan hoang lòng bà bâng khuâng, bà giở máy ảnh chụp phần nham nhở còn lại của bức tường trên đó vẫn còn những hình con thỏ con nai màu sắc sặc sỡ. Bà đã tiếc hùi hụi mấy ngày trời vì khi thấy một con chim đậu trên đống gạch đá đổ nát mà không mang theo máy ảnh. Bà chụp ngôi đình An Khánh có trên 100 năm, nhà thờ 170 tuổi, và cho rằng đây là những kiến trúc cổ, nếu được thì Nhà nước nên giữ lại làm điểm nhấn nét văn hóa của vùng đất. 

Hoàng hôn trên sông Sài Gòn. 

Người phụ nữ sống một mình với 2 con chó trong ngôi nhà trơ trọi còn lại duy nhất giữa vùng đất đã di dời hết.

Nơi bà quan tâm nhất là bến phà Thủ Thiêm. Nhà bà ở ngay đầu cổng xuống phà nên có nhiều kỷ niệm về nó. Bến phà này là nhân chứng của một vùng đất đã có trên 100 năm qua. Không biết bao nhiêu lần, bà cứ quanh quẩn ở cái bến phà này, khi sáng sớm, khi trưa, khi hoàng hôn và cả lúc đêm về. Bà mua chiếc vé xuống phà, sau đó phà qua lại sông cập bến 5-7 chuyến bà vẫn chưa rời. Bà chĩa ống kính ra sông, lên bờ, rồi chụp miệt mài. Để có được một cảnh bình minh trên bến phà, bà đã thức dậy canh từ 5 giờ sáng. Những buổi hoàng hôn xuống cũng vậy, bà ngồi hàng giờ để chờ lúc ánh sáng ưng ý nhất. Vẫn những cảnh đó, người đó, nhưng gần như ngày nào bà cũng chụp. "Vậy mà mỗi lần chụp, vẫn cứ thấy có cái mới. Có khi do góc chụp, do tình cảm hoặc do cảm xúc của mình", bà lý giải. Một cây bần bên bờ sông được bà chụp đi chụp lại nhiều lần. Cầm một bức ảnh trên tay, bà nói: "Đây con sông ngày xưa, nó đẹp ghê chưa. Nước trong, xanh ngăn ngắt như mắt mèo".

Chụp bằng máy phim, lại phải sang rửa ảnh ra giấy quá tốn kém, bà gom góp tiền bạc, mua chiếc máy ảnh Nikon đồ sộ và ống kính chụp xa loại dùng cho dân chuyên nghiệp. Mua xong chiếc máy, trong nhà bà còn đúng 20 ngàn đồng. Để Tiểu Hổ đỡ buồn chán lúc bà lùng sục và ngồi săn ảnh, bà mua cho nó một chiếc máy ảnh du lịch, và nó cũng cùng chụp với bà. Đứa bé theo bà thường xuyên đến nỗi, nó chụp ảnh cũng trở nên thành thạo. Tấm hình mà bà đang săn ảnh trong bài này do Tiểu Hổ chụp lúc nó mới lên 9 tuổi. Từ khi theo bà đứa bé mới học lớp 1, nay nó đã vào trường trung học cơ sở.

Một trái tim nhân hậu

Mỗi sáng, điểm đến đầu tiên trong hành trình của bà là một người phụ nữ không chồng, ở một mình với hai con chó giữa một vùng ruộng đồng hoang vu. Xung quanh đã di dời hết, nhưng người phụ nữ này còn một số việc phải giải quyết với Ban đền bù giải phóng mặt bằng nên bà còn ở lại. Người đàn bà ấy chừng 50 tuổi - sau này biết tên là Sánh - thường trò chuyện với 2 con chó để quên ngày. Chị ta xưng là mẹ, và nói chuyện với hai con chó như nói chuyện với người. Nhìn vào hành động và lời nói, bà Thủy biết người đàn bà này có vấn đề về thần kinh. Từ đó, gần như rất thường xuyên cứ mỗi sáng, bà lại lên đây, mang theo cả thức ăn điểm tâm cho hai người, tâm tình, trò chuyện.

Bà lo sợ rằng người đàn bà này một lúc nào đó không còn… nói được tiếng người, nên khi đi chụp hình bà chở theo. Đến địa điểm bà lùng sục săn ảnh, còn người đàn bà kia cứ ngồi đó nghêu ngao hát "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng…". "Có lần tôi đến nhà bà chơi rồi về, đã đi qua mấy bờ đất mà vẫn nghe tiếng hát của bà vượt qua hàng vạt lau sậy đuổi theo giữa một đồng vắng mênh mông, nghe mà nao cả lòng".

Những tháng ngày lê la chụp ảnh đẩy bà gần hơn với thân phận con người. Một ông lão trên 80 tuổi ngồi vá xe đạp bên đường, không còn sức để bơm xe, lụm cụm vá không kín bị người ta mắng mỏ khiến bà đau lòng. Một thanh niên bị nhiễm HIV, nhà cửa không có, hai mẹ con phải chăng một tấm bạt nilon trên ụ đất giữa cánh đồng để mẹ chăm con. Ngày người thanh niên đó chết, xóm cũng đã di dời hết, có người thì ái ngại nên không ai đến tiễn đưa. Chỉ có vài người bạn cùng bị nhiễm đến khiêng quan tài, vừa đi vừa hát dưới mưa, bà nói, "nghe vừa dở lại càng thê lương". Một cô gái giang hồ mượn tiền, bà biết cô gái đó không bao giờ trả lại được, nhưng vẫn cho mượn. Bà nói tất cả những cảnh bà chứng kiến, "nó rất tầm thường, nhưng nó là đời đấy".

Những năm tháng ở Thủ Thiêm bà không giao thiệp nhiều, nhưng giờ những người đã di dời khỏi Thủ Thiêm lâu lâu trở về thăm chỗ ở cũ đều đến nhà bà uống nước. Người nhận tiền tự di dời, đi về 3 hướng là quận 9, Hóc Môn và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau một thời gian có những người nhớ chỗ ở cũ tìm về thăm. Lòng bà cồn lên nỗi xúc động khi thấy người hàng xóm cũ của mình về mắc võng trên hai cây bàng nằm đó từ trưa đến tối, lẳng lặng không chuyện trò. Vậy là bà rủ ông, hai vợ chồng đánh chiếc xe máy từ quận 9 lên đến xã Thới Tam Thôn huyện Hóc Môn để thăm hàng xóm cũ. Đến nơi bà đã rơi nước mắt khi thấy có người không có tiền mua nhà, phải mua lại cái chuồng bò của người dân nơi đây mà ở. Bà trở về và nói với chồng thử đưa việc này đến lãnh đạo Nhà nước xem sao, bởi lẽ ra 1 m2 đất ở quận 2 phải mua được cả chục mét đất ở Hóc Môn hoặc vài mét chung cư mới đúng, đằng này lại không đổi ngang được 1 mét. May sao liền đó cũng có những đợt bồi thường bổ sung lần 2, lần 3, nhìn người dân Thủ Thiêm nhận tiền mà bà vui mừng như chính mình được tiền.

Bà nói, bà đang dự định viết hồi ký về vùng đất này. Nhưng qua câu chuyện của bà, có cảm nhận, ngoài chuyện đời sống, sinh hoạt, câu chuyện của một vùng đất được bà kể lại sẽ thông qua những số phận con người nghèo khổ. Nó, cùng với những mảng khác, chính là Thủ Thiêm đấy, một Thủ Thiêm nghèo mà thân thương, mà sau này người ta chỉ còn tìm lại trong ký ức

Đặng Vỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét