12 thg 6, 2013

Lão nghệ nhân với chiếc bàn xoay kỳ lạ

Hẳn nhiều người đã nghe chuyện và Chuyên đề ANTG cũng từng đề cập về những chiếc bàn gỗ cổ có "công năng" kỳ lạ, đó là khi có người úp, ngửa bàn tay trên mặt bàn thì mặt bàn bỗng dưng xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, hoặc ngược lại. Nhưng, xuất xứ những chiếc bàn xoay này từ đâu và ai đã chế tác ra nó, có lẽ còn rất ít người biết. 

Chúng tôi tìm về làng mộc cổ Văn Hà (nay là xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), vì nơi đây hiện có một lão nghệ nhân duy nhất nắm giữ bí quyết chế tác bàn xoay. Đặc biệt, một "đệ tử ruột" của ông còn đang lưu giữ một chiếc bàn xoay đã truyền qua nhiều thế hệ, ngót nghét trên 200 năm...

Chiếc bàn xoay hơn 200 năm tuổi...

Đường về xã Tam Thành xa tít. Với chiếc xe máy cà tàng chầm chậm lăn bánh dưới cái nắng hè miền Trung như xối lửa, con đường càng xa vời vợi... Nhưng, thật may mắn khi đặt chân đến được đất Tam Thành, hỏi lão nghệ nhân có tay nghề tài hoa làm ra những chiếc bàn gỗ có "công năng" kỳ lạ thì dường như mệt nhọc đường trường trong mỗi chúng tôi đều tan biến. Vì ở đất này, ai cũng biết ông Đinh Thẩm, năm nay tuổi đã 93; cũng là nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà chế tác được bàn xoay...

Đón chúng tôi trong một ngôi nhà rường cổ, lão nghệ nhân tai đã nghễnh ngãng, song kể chuyện thì rất hóm hỉnh. Nghe chúng tôi hỏi về thông tin ông mới phục chế thành công chiếc bàn gỗ cổ tự xoay? Ông Thẩm cười móm mém, rồi thủng thỉnh: "Mới chi mà mới?! Tính ra cũng đã hai năm có dư rồi. Hồi đó, mấy cái anh làm ở văn hóa tỉnh chở lên cho tui coi hai chiếc bàn gỗ mặt tròn đã bị hư. Ngắm tới, ngắm lui, đường nét chạm khắc khá tinh xảo thì đúng là đồ mộc của người làng Văn Hà của tui đã đóng xưa kia, nên tui nhận lời để sửa lại giúp. Tức là sửa sao cho hai cái bàn, người ta đặt tay lên mặt bàn thì mặt bàn tự xoay tròn. Sửa xong, dưới tỉnh cho ôtô lên chở đi triển lãm. Còn họ triển lãm ở đâu thì tui cũng chẳng rõ...".

Thấy chúng tôi ra chiều tiếc rẻ, vì không tận mắt thấy được hai cái bàn cổ có "công năng" kỳ lạ mà tự đôi bàn tay lão nghệ nhân và những người thợ mộc làng Văn Hà đã "thổi hồn" cho nó, ông Thẩm nheo mắt, gật gù: "Có thiệt sự mấy chú là nhà báo muốn xem cái bàn cổ?! Hay là đi lùng mua đồ mộc cổ để bán lại?". Và, khi biết chính xác chúng tôi không hề nói dối, lão nghệ nhân mới bảo: "Mấy chú đi theo tui. Ở cái làng Văn Hà này từ xưa thợ mộc đã biết đóng bàn gỗ tự xoay. Nhưng, theo thời gian, những chiếc bàn cũng dần dần biến mất, người làm được loại bàn này thì lần lượt theo nhau về với trời, đất. Chừ cả làng chỉ còn độc một cái bàn gỗ cổ, áng chừng nó có đã hơn 200 năm rồi…".

Theo chân lão nghệ nhân quanh co trên con đường làng rợp mát bóng cây, rồi rẽ vào một ngõ nhỏ. Hỏi ra mới biết, đây là nhà ông Trần Ngọc Tuấn, cũng là một nghệ nhân của làng mộc Văn Hà. Đặc biệt hơn, ông Tuấn lại là "đệ tử ruột" của lão nghệ nhân Đinh Thẩm…

Với ông Tuấn, chiếc bàn là bảo vật gia truyền, được truyền lại từ đời các cụ Tổ của dòng tộc nên rất quý trọng. Ông Tuấn đặt chiếc bàn trên căn gác, ngay bên bàn thờ gia tiên. Tuyệt đối, ông không bao giờ cho bất cứ người lạ nào đến xem bàn, chứ chưa nói đến chuyện sờ vào nó. May mà có "sư phụ" Đinh Thẩm nên ông Tuấn mới chịu phá lệ, cho chúng tôi được "mục sở thị" vật gia bảo này... 

Chủ và khách cùng trải nghiệm với chiếc bàn cổ tự xoay tại nhà ông Trần Ngọc Tuấn.

Chiếc bàn cao chừng 80cm, thân là một trục gỗ tròn được tiện theo hình bình hoa, phía dưới đáy bình gắn vào 3 chân lượn sóng tiếp đất; còn bên trên miệng bình là miếng gỗ vuông, gắn vào miếng gỗ là 12 trụ nhỏ cũng được tiện hình chiếc bình hoa (mỗi mặt gắn 3 trụ khoảng cách đều nhau). Và trên 12 trụ nhỏ này cũng là một miếng gỗ hình vuông khớp nối khéo léo vào mặt bàn hình tròn, có đường kính khoảng 70cm, dày khoảng 2cm... Mặt bàn, theo năm tháng nước gỗ đã nhạt màu, nhưng nhìn kỹ bằng mắt thường cũng có thể xác định được, nó làm bằng gỗ mít… Mà quả đúng như thế, ông Tuấn cho chúng tôi hay, mặt bàn làm bằng gỗ mít vườn, song chân và thân bàn là gỗ chuồn. Nhưng, thú thực nếu không có "công năng" đặc biệt thì chiếc bàn này cũng giống mọi chiếc bàn khác, dù có được chạm trổ khéo léo và có tuổi hàng trăm năm đi nữa...

Sự quý giá và điều kỳ diệu của chiếc bàn cổ - vật gia bảo nhà ông Tuấn là khi có bàn tay con người đặt úp, hoặc để ngửa trên mặt bàn thì mặt bàn sẽ "trở mình" và... tự xoay! Có lẽ thấy chúng tôi chưa tin lời "thuyết minh" của mình, ông Tuấn kính cẩn mời "sư phụ" Đinh Thẩm cùng chúng tôi thực nghiệm. Trước khi chúng tôi đặt bàn tay lên bàn, ông Tuấn bảo: "Các anh phải tháo giày, bỏ dép ra, rồi đứng sát vào bàn. Trước tiên là úp bàn tay xuống mặt bàn, hướng tâm chú ý vào chiếc bàn thì nó sẽ tự quay theo chiều kim đồng hồ. Ngửa bàn tay, nó sẽ quay ngược lại".

Chúng tôi răm rắp làm theo. Không khí trong nhà lúc này im phăng phắc, đến nỗi mỗi người chúng tôi đứng quanh chiếc bàn dường như đều nghe được hơi thở của nhau. Một phút... hai phút... ba phút trôi qua. Bất chợt, dưới mặt bàn, chỗ khớp nhau giữa miếng gỗ hình vuông nằm trên 12 trụ tiện nhỏ dáng bình hoa, phát ra âm thanh rắc... rắc. Và thật kỳ lạ, mặt bàn rùng rùng chuyển động.

Đã có sự hướng dẫn của lão nghệ nhân Đinh Thẩm và ông Tuấn từ trước nên chúng tôi vẫn đặt nguyên đôi bàn tay úp trên mặt bàn và từ từ di động bước chân theo vòng xoay của mặt bàn. Vòng xoay mỗi lúc mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn khiến chúng tôi càng hối hả bước theo.

Thú thật, chúng tôi đi theo vòng xoay của mặt bàn như thể bị chính nó sai khiến vậy, nên vừa ngạc nhiên, xen lẫn chút hoảng sợ. Mặt bàn cứ xoay tròn và tốc độ mỗi lúc tăng lên. Vì thế, chưa đầy 5 phút sau, chúng tôi đã bị choáng nên đành bảo lão nghệ nhân Đinh Thẩm và ông Tuấn cùng bỏ tay ra.

Theo quán tính, mặt bàn vẫn xoay một lúc, song khi không còn bàn tay mọi người đặt trên nó nữa thì tốc độ chậm dần và dừng hẳn. Đợi chúng tôi lấy lại sức xong đâu đấy, lão nghệ nhân Đinh Thẩm lại cùng ông Tuấn, lần này bảo chúng tôi đặt ngửa bàn tay xuống mặt bàn cùng họ. Chờ đợi chưa tới 3 phút, lại nghe tiếng rắc... rắc… dưới gầm bàn, rồi mặt bàn đột nhiên "trở mình" rùng rùng quay theo chiều ngược kim đồng hồ... 

Chiếc bàn nhìn rất đơn giản, nhưng phải chế tác theo một kỹ thuật, bí quyết rất riêng của người thợ Văn Hà mới có "công năng" đặc biệt để tự xoay tới, xoay lui.

Liên tiếp thực nghiệm đến 3 lần, mặt bàn hết quay ngược lại quay xuôi, đã khiến chúng tôi mụ cả người, không thể hiểu ra làm sao cả. Bán tín bán nghi, chúng tôi lại mò mẫm, xem kỹ lại lần nữa từng góc cạnh chiếc bàn, cố tìm cho bằng được "bí mật" ẩn giấu nào đó bên trong. Song tuyệt nhiên không có gì đặc biệt cả. Chiếc bàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, khớp nối cũng rất đơn giản, không có một mảnh nhỏ kim loại nào...

Để thuyết phục hơn, ông Tuấn chỉ một người trong chúng tôi vào thực nghiệm. Một người, với những động tác úp, ngửa bàn tay, mặt bàn vẫn quay ngược, quay xuôi. Tuy nhiên, tốc độ quay có chút giảm đi... Theo lời ông Tuấn, ông là con trai trưởng trong gia đình nên mới được cất giữ chiếc bàn là vật gia bảo và dùng nó vào những dịp nhà có đám giỗ, đám chạp. Đã có rất nhiều người hay tin, tìm tới gặp ông để hỏi mua chiếc bàn với giá cao; trong đó có một "đại gia" ở Tp HCM ra ngã giá gần 200 triệu đồng, nhưng ông Tuấn không bán...

Một mai "bí quyết" thất truyền...

Theo lời lão nghệ nhân Đinh Thẩm, cùng với làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng mộc Văn Hà là một trong những làng nghề cổ xưa nhất ở Quảng Nam. Làng mộc Văn Hà xưa thuộc Tổng Chiên Đàn, đến thời nhà Nguyễn thì thuộc Tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông. Thuở nhỏ, ông Thẩm đã từng nghe ông cố kể rằng, vị Tổ nghề mộc Văn Hà có gốc người Thanh - Nghệ - Tĩnh, di cư vào lập làng Văn Hà từ thời Vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).

Người thợ mộc Văn Hà có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo nên đã góp phần làm nên những ngôi nhà rường cổ để đời, như nhà cổ cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở Tiên Phước (Quảng Nam). Trước năm 1975, Ngô Đình Diệm cũng đã bị "hút hồn" bởi những đường nét chạm trổ tinh xảo của ngôi nhà cổ này và đã gạ gẫm cụ Nguyễn mua bằng số tiền khá lớn, thậm chí còn đe dọa bằng súng đạn… nhưng cụ Nguyễn vẫn không bán. Hoặc Khổng Miếu, đình Chiên Đàn là những di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia có sự đóng góp công sức rất lớn của người thợ mộc Văn Hà xưa...

Có một câu chuyện in sâu trong tâm trí lão nghệ nhân Đinh Thẩm, cho dù đến nay tuổi đã gần đất xa trời, song ông vẫn nhớ từng chi tiết. Đó là chuyện vào thời Vua Thành Thái (1889-1907), nhà vua cho hai phường thợ mộc nổi tiếng xứ Quảng là: Kim Bồng và Văn Hà cùng thi thố tài năng, chạm cái trụ đèn tại kinh đô Huế. Thợ mộc Văn Hà đã thắng trong cuộc thi này, vì không chỉ chạm rồng quanh thân đèn mà còn tỉ mỉ chạm lộng phần bên trong; nên được nhà vua chấm điểm cao hơn, ban tặng sắc phong...

Uống cạn bát nước chè xanh, lão nghệ nhân Đinh Thẩm trầm ngâm rằng, năm chưa tròn 17 tuổi, ông đã nối nghiệp cha theo học nghề mộc từ những người thợ giỏi của Văn Hà. Quanh năm suốt tháng, những đội thợ mộc Văn Hà tỏa đi khắp tứ phương để làm nghề. Chủ yếu là họ làm những ngôi nhà rường, chạm khắc những vì kèo, cột rất tinh xảo. Điều đó có thể chứng minh bằng sự tồn tại của hàng trăm ngôi nhà rường cổ ở Quảng Nam cho đến bây giờ... Nói về chiếc bàn gỗ tự xoay, ông Thẩm khẳng định, chỉ có thợ làng Văn Hà ngày xưa mới làm được. Bản thân ông cũng đã làm đến 4-5 chiếc bàn như thế.

"Ngày xưa chỉ có nhà giàu mới mua nổi chiếc bàn xoay của thợ mộc Văn Hà. Vì, giá mỗi chiếc bàn cao lắm; có những chiếc bàn giá tính bằng cả con trâu, hoặc mấy trăm ang lúa..." - Ông lão nheo mắt nhìn ra vườn cây xanh mát như hồi tưởng lại thời "hoàng kim" của người thợ mộc Văn Hà. Lát sau, ông Thẩm giải thích rằng, lúc đầu thợ mộc Văn Hà chỉ nghĩ ra việc chế tác chiếc bàn tròn để dùng trong thờ cúng, về kỹ thuật, kích thước hầu như đều như nhau cả. Bàn được làm bằng gỗ mít, loại mít vườn lâu năm có ròng (lõi)...

Ngay cả bản thân lão nghệ nhân Đinh Thẩm cũng không biết rõ được, ai là người đầu tiên chế tác được chiếc bàn xoay. Tuy nhiên, đã nhiều đời nay, khi muốn làm bàn xoay người thợ buộc phải chọn gỗ mít hàng trăm năm tuổi, có ròng vàng rực, đem xẻ ra phơi phóng cho thật kỹ, thật khô mới đưa vào chế tác. Đặc biệt, phải chọn những tấm gỗ không bị sâu, không bị mắt, không nứt, không vặn thớ (sớ cây)... Đầu tiên, người thợ làm bộ chân bàn trước, có 3 chân lượn sóng đặt gắn với trụ lớn (trụ chính đỡ mặt bàn) theo thế chân kiềng. Quan trọng nhất vẫn là bộ trục có 12 trụ tiện hình bình hoa nhỏ gắn khớp với mặt bàn, buộc người thợ phải chế tác theo đúng một kỹ thuật nhất định. Đây cũng là bí quyết rất riêng chỉ có người thợ Văn Hà mới biết và làm thành thạo được. Còn mặt bàn hình tròn, gỗ có thể liền tấm, hoặc có thể ghép hai miếng với nhau, song tuyệt đối không được cong vênh...

Ông Thẩm cũng kể rằng, vào năm 2010, khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhờ ông sửa chữa, phục chế lại hai chiếc bàn tròn tự xoay, để mang đi hội chợ triển lãm sản phẩm độc đáo làng nghề truyền thống Quảng Nam, cũng đã có nhiều người đến với ý định đặt ông làm cho một chiếc bàn mới. Nhưng, bây giờ gỗ mít loại lớn rất hiếm, điều quan trọng hơn nữa là sức khỏe ông đã yếu, không thể một mình cưa xẻ, chạm khắc...

Ông lão thở dài: "Làng mộc Văn Hà ngày nay nghề truyền thống đã mai một dần. Cả làng bây giờ số người nắm được những kỹ thuật, bí quyết nghề mộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng cũng có khoảng chục hộ làm nghề mộc, như bây giờ người ta phụ thuộc vào máy móc, hơn nữa chỉ làm những sản phẩm không cần tay nghề cao, không cần cầu kỳ, tinh xảo...".

Lão nghệ nhân nói tiếp rằng, đầu năm nay (2012), ông được chính quyền huyện Phú Ninh mời truyền dạy nghề mộc truyền thống cho thanh thiếu niên. Lớp học của dự án này có 10 người, song rốt cục "rớt" chỉ còn 4 người chịu khó học, nắm bắt được những kiến thức sơ đẳng...

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người. Lão nghệ nhân Đinh Thẩm của làng mộc Văn Hà cũng không ngoài quy luật. Nhưng, nếu không có thế hệ "chân truyền" nghề mộc tinh xảo của làng Văn Hà thì mai này những "bí quyết" chế tác độc đáo của tiền nhân làng nghề truyền thống này cũng sẽ không còn. Đó cũng là nỗi niềm khiến cho lão nghệ nhân Đinh Thẩm khi nhắc tới nghề mộc làng Văn Hà là đôi mắt lại rưng rưng…


Long Vân - Thành Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét