9 thg 6, 2013

Tận diệt đại ngàn vì thú chơi hàng độc

Cặp độc bình bằng gỗ quý giá 50 triệu đồng.

Thú chơi đồ gỗ quý hiếm trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở thành cao trào trong vài năm trở lại đây. Việc săn lùng "hàng độc" không chỉ có giới đại gia mà ngay cả đối với những người dân thường. Thú chơi này đã làm cho rừng Tây Nguyên nhanh chóng bị cạn kiệt. Những loại gỗ quý đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị tận diệt đến cả gốc lẫn rễ. 



Hàng tỉ đồng một bộ bàn ghế

Tại TP Pleiku hiện có gần 30 cửa hàng gỗ mỹ nghệ được mua bán công khai mà phần lớn là tập trung ở đường Phạm Văn Đồng. Mỗi cửa hàng ở đây có từ vài chục đến vài trăm món hàng khác nhau thuộc hạng "top" như: bàn ghế các kiểu, độc bình các cỡ, sập ghép, sập liền, tượng thần tiên, tượng linh vật, lư hương, đèn thờ, lọ hoa… có xuất xứ từ núi rừng Tây Nguyên và các tỉnh đông bắc Campuchia, Nam Lào. Vào những ngày cuối tuần, tại các cửa hàng này… "ngựa xe như nước, hàng hóa như nêm".

Theo một nhân viên bán hàng tại cửa hàng gỗ mỹ nghệ TN cho hay, thời gian gần đây, độc bình cỡ 1,6m trở lên đang rất "sốt". Trung bình mỗi ngày, cửa hàng này xuất kho khoảng 3 cặp độc bình ra ngoại tỉnh. Các sản phẩm tượng thần tiên, tượng linh vật bằng các loại gỗ quý không đủ cung cấp cho thị trường.

Hầu hết, những sản phẩm được trưng bày tại các cửa hàng gỗ mỹ nghệ ở Pleiku đều được làm bằng các chủng loại gỗ quý như trắc, hương, cẩm, cà te, căm xe, thủy tùng… và được dán tem xuất xứ ở nhiều nơi khác nhau. Thậm chí có những sản phẩm có tem xuất xứ từ các làng nghề truyền thống thuộc các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo một số nhân viên bán hàng cho biết thì tem sản phẩm chỉ là để qua mắt lực lượng quản lý thị trường. Tại cơ sở mua bán đồ gỗ mỹ nghệ Hải Nam - một cơ sở hoành tráng bậc nhất ở TP Pleiku với hàng chục bộ bàn ghế, độc bình, hàng chục bộ sập; còn tượng thần tiên, tượng linh vật… thì nhiều vô kể.

Theo anh Hải, chủ cửa hàng này cho biết, hiện nay, anh đang có 3 cửa hàng trong đó có một "siêu thị hàng độc" 2 tầng thuộc hạng tầm cỡ tại TP Pleiku. 70% số lượng sản phẩm ở đây có xuất xứ trong tỉnh mà đặc biệt là nhiều sản phẩm từ vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như các huyện Ia Pa, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ, số còn lại được nhập từ Lào, Campuchia và các tỉnh phía Bắc. Cũng theo anh Hải giải thích, vùng đất có khí hậu khắc nghiệt thì gỗ càng đẹp, chất lượng gỗ càng tốt. Cùng với đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân được "tuyển" từ làng nghề Đồng Kị (Bắc Ninh) và La Xuyên (Nam Định) thì các sản phẩm cho ra thị trường càng tinh xảo và thu hút được nhiều đối tượng khách không chỉ ở trong tỉnh mà nhiều "đại gia" ở các thành phố lớn trong cả nước cũng đến đặt hàng.

Hiện nay, ngoài những mặt hàng phụ như lọ hoa, hũ tăm… các mặt hàng khác đang thu hút giới "mê" đồ gỗ đều có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng tùy theo chủng loại gỗ. Hiện, các mặt hàng bằng gỗ hương, trắc, thủy tùng… đang được giới đại gia ưa chuộng và đương nhiên, giá bán các mặt hàng này cũng cao ngất ngưởng. Tại cửa hàng TN, một bộ bàn ghế bằng gỗ hương có giá 400 triệu đồng. Một cặp độc bình bằng gỗ cà te, hay căm xe cao 1,8m có giá 50 triệu đồng. Đó là giá các sản phẩm được cho là hàng chợ, hàng sô lô, còn với các sản phẩm thuộc nhóm gỗ quý hiếm đang được các "đại gia" săn lùng và tự thuê thợ gia công như trắc, hương, thủy tùng… thì giá sẽ cao gấp đôi. 

Tượng thần tiên bằng gỗ quý có giả cả trăm triệu đồng.

Ông T. ở phường Tây Sơn (TP Pleiku) trong thời gian làm "lâm tặc" đã "sưu" tầm được một bộ gốc hương. Mới đây, ông chi ra 30 triệu đồng để thuê thợ đến tận nhà gia công một bộ bàn gồm 9 món (1 bàn và 8 ghế). Khi bộ bàn vừa hoàn thành, một số đại gia đã ngã giá 700 triệu đồng nhưng ông vẫn chưa muốn bán. Theo ông T. cho biết, bộ bàn của ông vẫn chưa nhằm nhò gì so với bộ bàn được làm bằng gỗ thủy tùng do một đại gia ở xã Biển Hồ (TP Pleiku) sở hữu. Bộ bàn này cách đây 2 năm đã được giới mê "hàng độc" ngả giá 800 triệu đồng. Hiện nay, bộ bàn này được treo giá 1 tỉ đồng nhưng vẫn chưa được chủ sở hữu đồng ý bán.

Các loại gỗ như trắc, hương, cẩm và đặc biệt là gỗ thủy tùng đang được dân chơi gỗ sành điệu ráo riết săn lùng và đương nhiên, giá các loại gỗ này cũng cực kỳ cao. Các loại gỗ quý hiếm này đang được mua với giá từ 50.000/kg trở lên không ngoại lệ cả gốc lẫn rễ, thậm chí là được mua ngay tại rừng. Có thể nói, thú chơi "hàng độc" đang được nhiều người "mê" vì bên cạnh tính hữu dụng, mỹ quan, lạ mắt không đụng hàng còn có tính phong thủy. Có được một sản phẩm "độc" trưng bày trong nhà thì người sở hữu nó có quyền hãnh diện với bè bạn, khách khứa khi đến nhà chơi. Một bộ bàn ghế bằng gốc cây phải đủ 9 món khác nhau hay phải được chạm trổ tượng 12 con giáp để đảm bảo về tính "độc" và hoàn chỉnh về mặt phong thủy thì giá trị càng cao.

Các sản phẩm khác như: cóc ngậm tiền xu, rùa ngậm bạc hay các tượng Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc... được quan niệm sẽ đem lại nhiều may mắn trong làm ăn kinh doanh, đem lại sự thăng quan, tiến chức... Tuy nhiên, dù ở khía cạnh hữu dụng hay quan niệm phong thủy, thì một sản phẩm tinh xảo được làm bằng chất liệu gỗ quý hiếm và hoàn chỉnh về tính phong thủy thì bao giờ giá cũng được đội lên. Đặc biệt các sản phẩm được làm bằng các loại gỗ nu thì giá cao hơn sản phẩm cùng chủng loại gỗ vài ba lần. 

Các đại gia đang chọn mua đồ gỗ “khủng”.

Thú chơi "hái" ra tiền

Hiện nay, thú chơi "hàng độc" ở tỉnh Gia Lai đang diễn ra khá rầm rộ không chỉ đối với các "đại gia" mà ngay cả đối với dân thường. Tại các xã còn nhiều rừng, hàng ngàn hộ dân đang sở hữu nhiều món "hàng độc" trị giá hàng trăm triệu đồng. Đây không chỉ là thú chơi mà còn là cơ hội để kinh doanh kiếm lời. Anh Vinh ở huyện Ia Grai (Gia Lai) đang có một bộ sập trị giá khoảng 50 triệu đồng và vài bộ độc bình lớn nhỏ khác nhau đang tìm mối để bán. Mới đây, anh "tuyển" được bộ sập liền bằng gỗ bằng lăng chuông với giá 20 triệu đồng. Nghe tin anh có bộ sập đẹp, một đại gia trong huyện đến trả giá 60 triệu đồng.

Theo anh Vinh cho biết, bộ sập này nếu để về sau thì giá càng cao hơn nhiều, nhưng vì cần tiền để "tuyển" thêm những sản phẩm mới nên anh đành phải bán đi. Anh Nghĩa, chủ một cửa hàng tạp hóa tại xã Kon Chiêng (Mang Yang, Gia Lai), với lợi thế ở khu vực còn nhiều rừng nên cũng tranh thủ "sưu tầm" một số loại gỗ tốt, rồi bỏ tiền ra thuê thợ gia công để cất giữ chờ được giá sẽ đem ra bán.

Một bác sĩ da liễu lắm tiền tại TP Pleiku đang sở hữu hàng chục món hàng thuộc hạng "đỉnh" trong nhóm "hàng độc". Đặc biệt với 2 bộ sập liền bằng gỗ hương rộng 2m, dài 3m được mua 200 triệu đồng từ cuối năm ngoái và 1 tượng Phật Di Lặc bằng gỗ thủy tùng. Theo bác sĩ này cho biết, mới đây, có người trả giá tượng Phật 120 triệu đồng nhưng ông không bán vì gỗ thủy tùng đang rất hiếm. Ông đã lên kế hoạch sẽ chi ra 2 tỉ đồng để săn lùng, thu gom "hàng độc", đến khi số vốn này sinh lợi được 4 tỉ đồng thì ông sẽ bán để an hưởng tuổi già. Đối với các đại gia hay những cán bộ phụ trách mảng công tác liên quan đến rừng thì việc sở hữu vài ba món "hàng độc" là chuyện không khó. 

Rừng đang bị tận diệt để phục vụ những thú vui xa xỉ.

Tôi đã có dịp vào "dinh thự" của một "đại gia" tầm nhất nhì ở thị xã An Khê (Gia Lai). Trong gian phòng khách của ông được trưng bày nhiều sản phẩm "hàng độc" như bàn ghế, độc bình, tượng thần tiên, linh vật… thuộc hạng hiếm thấy. Trị giá các sản phẩm hàng độc của của đại gia này hiện tại cũng xấp xỉ 5 tỉ đồng.

Từ khi hàng gỗ quý hiếm lên "cơn sốt" đã đẩy việc săn lùng gỗ mà đặc biệt là săn lùng "hàng độc" trở thành cao trào. Hàng ngày, trên khắp các vùng miền trong tỉnh, nhất là ở những vùng còn nhiều rừng, các "đầu nậu" thu gom gỗ quý đều có mặt. Nhưng khi các loại gỗ này khan hiếm thì họ lại thu gom cả gốc lẫn rễ. Dưới con mắt nhà nghề của những tay săn lùng gỗ, từ thân, cành đến cả tận gốc, rễ… có thể tạo ra được một sản phẩm nào đó thì họ đều mua cả, rồi đặt hàng để người dân ở khu vực gần rừng đi đào lấy rễ trắc, gốc hương… Ban đầu, các loại gỗ được mua theo đơn vị khối, nhưng hiện nay thì ngay cả gốc lẫn rễ cũng được tính bằng ký. "Cơn sốt" gỗ ở đây đã gây nên tình trạng trộm cắp gỗ quý hiếm khiến nhiều vườn tiêu được trồng bằng trụ gỗ quý bị thiệt hại nặng, nhiều cánh rừng bị bức tử, nhiều loại gỗ quý đang bị tận diệt. Tình trạng phá hồ tiêu, tường rào để lấy cắp gỗ trắc, hương... đã diễn ra khắp nơi. Nhiều cánh rừng bị đào bới để tận diệt gốc, rễ gỗ quý... 

Tượng Phật Di lặc giá 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Sữu (xã Nam Yang, Đắk Đoa) bị kẻ gian phá hồ tiêu lấy cắp 50 trụ gỗ trắc nên đành phá bỏ cả vườn tiêu 500 trụ đang là nguồn thu nhập chính của gia đình để giữ lấy trụ. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh này đành ngậm ngùi trồng mới lại vườn tiêu vì bị kẻ trộm phá hồ tiêu lấy cắp trụ gỗ…

Để có được "hàng độc" đem ra thị trường bày bán, ngoài một vài cơ sở sản xuất có giấy phép đăng ký, còn lại đều là sản xuất "chui". Tại các xã vùng biên giới như Ia O, Ia Tô (huyện Ia Grai); Ia Lâu, Ia Piơ (huyện Chư Prông, Gia Lai) có đến cả chục điểm gia công hàng gỗ mỹ nghệ mà chủ yếu là gia công "hàng độc". Các cơ sở này hầu hết là gia công theo đơn đặt hàng của các "đầu nậu" và lâm tặc. Anh Du ở TP Pleiku, một người chuyên săn lùng "hàng độc" cho hay: "Để đáp ứng được nhu cầu hàng độc cho các "đại gia" cũng không phải là dễ dàng. Mình phải cài cắm người ở các điểm "nóng" về gỗ để đặt hàng. Khi nào có gỗ tốt vừa ý các "đại gia" thì vào làm giá rồi nhờ các cơ sở hoạt động "chui" để gia công, sau đó chờ đến thời điểm an toàn mới thuê xe vận chuyển về giao tận nơi. Những món hàng không vừa mắt các đại gia thì lại bán rẻ cho các cửa hàng gỗ mỹ nghệ".

Chị Tuyết ở huyện Krông Pa (Gia Lai) lúc đầu chỉ mở một xưởng mộc nhỏ (sản xuất chui) để gia công sản phẩm như hũ tăm, lọ hoa… bán cho các cửa hàng ở Hà Nội. Thế nhưng, khi nhu cầu "hàng độc" Pleiku trở thành cao trào, chị lại đi thu gom gỗ từ "lâm tặc" rồi thuê thợ giỏi từ các tỉnh phía Bắc về để gia công "chui" theo đơn hàng từ các cửa hàng tại Pleiku và Hà Nội.

Thú chơi hàng gỗ đang là "mốt" không chỉ đối với những kẻ lắm tiền mà ngay cả đối với những người dân thường đã đẩy giá cả các sản phẩm "hàng độc" từ núi rừng Tây Nguyên tăng cao. Việc này đã vô tình tạo nguồn thu nhập khá lớn cho "lâm tặc". Nạn phá rừng tìm gỗ đang diễn ra tràn lan với quy mô ngày càng lớn hơn. "Lâm tặc" đang hoành hành ở nhiều cánh rừng già trên địa bàn tỉnh với những hình thức khai thác, vận chuyển rất tinh vi, thậm chí ngang nhiên chống đối lại cả lực lượng kiểm lâm. Nếu với đà khai thác rừng trái phép tràn lan như hiện nay không được ngăn chặn, thì chắc chắn vài ba năm nữa, đại ngàn Tây Nguyên chỉ còn lại những thứ đồ chơi vô bổ.


Tiến Thành 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét