9 thg 6, 2013

Những cỗ quan tài đặc biệt và huyền thoại ngọc am

Loài cây thân gỗ thơm ngát, lá kim được các nhà thực vật xếp vào họ Hoàng đàn, bộ Thông này có tên Latinh là Cupressus funebris, nhưng dân gian quen gọi là cây ngọc am, hoàng đàn rủ. Người Trung Quốc gọi nó là San mộc, còn người Tày, Nùng ở vùng cao phía đông bắc nước ta gọi là Máy vạc. 

Những phát hiện khảo cổ thú vị gần đây từ các ngôi mộ còn lưu giữ nguyên vẹn thi hài do được tẩm liệm bằng tinh dầu ngọc am, đặt trong quan tài ngọc am, khiến không ít người bắt đầu nhen nhóm ước mơ về sự "vĩnh cửu"…


Những “ngôi nhà của thế giới âm”

76 tuổi, phong thái nhanh nhẹn, khỏe khoắn, chòm râu dài mới điểm bạc, nhưng từ lâu ông Hoàng Ngọc Trương (thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã nghĩ đến "ngôi nhà êm ấm" cho mình ở "thế giới bên kia". Những bộ quan tài làm bằng ngọc am thơm nức chuẩn bị sẵn cho mình và người thân chính là gia sản khiến vị nguyên Chủ tịch UBND thị trấn có lối sống đạm bạc này mãn nguyện nhất.

Dẫn chúng tôi đến bên mấy cỗ hậu sự có chữ "Bảo" viết bằng chữ Nho đang được xếp ngay ngắn trong lán gỗ ngoài hiên nhà, ông Trương tự hào nói: "Phải công phu lắm tôi mới có được bộ quan tài này. Khoảng năm 2009, người Mông ở thôn Túng Phùng (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì) vào rừng đào dúi thì phát hiện cái rễ cây ngọc am. Càng đào sâu thì càng thấy chiếc rễ to ra, rồi hiện nguyên hình là một cây ngọc am lớn đã vùi sâu trong lòng đất tự bao giờ. 

Cây ngọc am quý ở Hoàng Su Phì.

Nghe tin, tôi cùng với ông Hoàng Ngọc Lâm (82 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì) đến xem, hỏi mua rồi làm đơn xin khai thác. Suốt một năm trời, bên kiểm lâm "lắc đầu", bên huyện cũng "lắc", phải đến khi đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang cho phép bằng văn bản, chúng tôi mới được xẻ khúc ngọc am này ra, trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Tất cả được ba cỗ quan tài, tôi được chọn một cỗ tốt nhất, ông Lâm lấy hai cỗ còn lại. Hai cỗ quan tài ngọc am kia là tôi mới xoay xở mua được gần đây, để dành cho vợ và em vợ tôi".

Cách không xa nhà ông Trương, gia đình thầy cúng Lù Sào Tỉn (63 tuổi) cũng có hai bộ quan tài bằng gỗ ngọc am. Năm 1988, ông Tỉn mua được 8 tấm gỗ xẻ từ cây ngọc am to lớn nhất xã Tả Sử Choóng, đem về phơi khô rồi đến năm 2006 mới đóng thành quan tài, khi nghe thầy bói bảo năm đó vợ ông sẽ ốm mà mất. "Nhưng đến nay, vợ tôi vẫn béo tốt phương phi, nên hai cỗ quan tài vẫn nằm trong góc cầu thang đó" - ông Tỉn cười to lộ hàm dưới chỉ còn trơ lợi.

Các cỗ quan tài của ông Trương, ông Tỉn đều làm theo lối cổ (đầu to đuôi nhỏ), tuy ông Tỉn đóng dầy dặn (khoảng gần 10cm) và láng đẹp hơn, nhưng ông Trương vẫn cho rằng cỗ quan tài của mình tuyệt nhất: "Cần phân biệt cây ngọc am và ngọc am. Ngọc am hiểu sát từng chữ thì là "ngâm lâu trong bùn đất (am), quý như ngọc", nên gỗ cây ngọc am chưa được chôn vùi ít nhất là 15 năm trong lòng đất thì chưa thật sự quý.

Ngọc am phải trải qua bao biến thiên của trời đất, từ cây ngọc am cổ thụ bị vần vũ xô vùi xuống vực hàng trăm năm, bị phong hóa đến khi chỉ còn trơ lại cốt tủy của gỗ, thì mới quý giá vô ngần. Chôn bằng quan tài ngọc am thì thi hài có thể giữ được vài trăm năm, còn quan tài bằng gỗ cây ngọc am thì chỉ giữ được chừng dăm chục năm là cùng".

Dòng họ của ông Hoàng Ngọc Trương vốn xuất phát ở vùng Chèm (Hà Nội). Các cụ của ông lên đây lập nghiệp sau khi tham gia phong trào yêu nước của cụ Phan Bội Châu bị thất thế, đến đời bố ông thì đã là người Tày. Ông Trương không xa lạ gì với những cỗ quan tài ngọc am, bởi bố, mẹ, các bác của ông khi tạ thế đều được chôn bằng loại quan tài ấy.

Lúc hơn 10 tuổi ông được xem người ta đào mộ một người phụ nữ ở bản Cán Chề Giền (xã Tụ Nhân), chôn đã 30 năm trong lòng đất mà khi mở quan tài ngọc am, quần áo the lụa vẫn còn tươi thơm, thân xác vẫn còn mềm như đang ngủ.

Theo ông Hoàng Ngọc Trương, từ xưa, ở các khu vực như Túng Sán, Chu Bá Phùng, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Thèn Chu Phìn, Nậm Ty… có rất nhiều cây ngọc am. Nhưng người Trung Quốc và người Pháp đã khai thác quá nhiều, nên núi rừng Hoàng Su Phì bây giờ còn lại rất ít loại gỗ này.

"Tôi vẫn nhớ hình ảnh những người Hán to lớn, sống mũi cao, dắt từng đàn bò sang ta kéo gỗ ngọc am về. Họ dùng những chiếc thuốn sắt dài hai ba sải tay đâm chọc khắp các vực, suối, bờ bãi để tìm ngọc am. Họ lấy đi rất nhiều ngọc am, nhưng cũng không ít người phải bỏ mạng trên đất này vì bị cây đè, rắn cắn hoặc không hợp thủy thổ…

Sau này, khi chúng ta khai khẩn ruộng nương, còn thấy rất nhiều những cỗ quan tài làm bằng ngọc am nằm ở đầu các ruộng bậc thang, còn nguyên hài cốt. Đó là mộ các thợ rừng người Hán đi tìm ngọc am chết trên đất này, và người ta dùng ngọc am mai táng, hy vọng sau này đem được hài cốt về nước. Người Việt xưa không có thói quen chôn cất bằng quan tài ngọc am, mấy mươi năm trở lại đây mới có ở vùng này".

Sự thật về báu vật ngọc am

Bên cạnh gỗ ngọc am, thì tinh dầu ngọc am cũng đang được giới chơi đồn đại là cực quý. Nhưng quý như thế nào, và thiết thực dùng vào việc gì, thì lại rất mơ hồ. Thực ra, người xưa coi trọng tinh dầu ngọc am vì nó rất quan trọng trong việc ướp thi hài khi mai táng. Sau khá nhiều lần dò hỏi, chúng tôi cũng tìm hiểu được công nghệ chiết xuất thứ tinh dầu ấy.

Một tay đầu nậu ở xã Tả Sử Choóng (Hoàng Su Phì) chuyên thu gom ngọc am và chiết xuất tinh dầu lậu cho biết: "Dụng cụ sang chiết tinh dầu thì đơn giản thôi, hai chiếc chảo to, loại chuyên nấu thắng cố ấy, đặt úp vào nhau. Rồi cho gỗ ngọc am đã được chặt nhỏ như quân cờ vào bên trong. Ngọc am này thường là loại gốc rễ vùi lâu ngày trong đất, chứa nhiều tinh dầu, hoặc tận dụng loại vụn vặt không bán được ở dạng lũa.

Sau đó thì đốt ở chiếc chảo phía trên chứ không đốt phía dưới, dầu từ trong gỗ bị nóng sẽ chảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi nổi lửa vài phút. Chiếc chảo nằm dưới được đục thủng một lỗ, làm đường ống nứa cho dầu chảy ra. Dầu này cũng giống như dầu sa mộc, pơmu, nhưng có màu sẫm như dầu nhớt xe máy và có mùi thơm ngát. 

Ông Hoàng Ngọc Trương rất tự hào với những cỗ hậu sự ngọc am của mình.

Ở vùng này, ngọc am vụn có chứa nhiều tinh dầu, giá bán khoảng 12.000- 18.000 đồng/kg. Cứ 200kg ngọc am thì chiết xuất được hơn 10 lít dầu, bán được chừng 120.000 đồng/lít. Còn để chiết xuất được 1 lít tinh dầu có màu sáng như dầu chuối, thơm nức thì cần rất nhiều dầu thô, và công nghệ tinh vi hơn nhiều. Chúng tôi bán mỗi lít tinh dầu ngọc am khoảng hơn 2 triệu đồng, còn đã qua tay thì nó đội lên vô tội vạ".

Ngày nay, người trong nước thường sử dụng tinh dầu ngọc am theo kiểu "nhỏ giọt", tức là chủ yếu lấy mùi thơm quyến rũ của nó để làm thơm phòng khách, nội thất xe hơi... Chỉ có các đầu mối thu mua số lượng lớn và xuất bán ra nước ngoài mới có thể dùng vào nhiều mục đích khác. Còn theo những tài liệu khảo cổ về những thi hài còn giữ được nguyên vẹn sau hàng trăm năm chôn cất thì lượng tinh dầu ngọc am dùng khá nhiều, cho thấy việc tẩm liệm thi hài là rất tốn kém.

Trở lại với câu chuyện trước năm 1945, xác người phụ nữ ở bản Cán Chề Giền đã được chôn 30 năm vẫn phải đào mộ để di dời đi chỗ khác. Đó là mẹ của người đàn ông người Tày có tên là Vàng Cồ Pao (Vương Quốc Bảo), một người rất có thế lực ở Hà Giang thời đó. Ông Vàng Cồ Pao nhờ thầy phong thủy lựa được một chỗ đất tốt, có thể kết phát để đặt chiếc quan tài ngọc am của mẹ mình vào đó, hy vọng con cái sau này sẽ phát đạt.

Nhưng khi đào huyệt thì phát hiện chỗ đất đó đã có một chiếc hũ chứa hài cốt, do người khác đã chọn chôn cho người thân của họ. Cậy vào thế lực của mình, ông Pao đem bỏ chiếc hũ ấy đi, đặt mẹ mình nằm vào đó. Người nhà kia uất ức, vác đơn đi kiện khắp nơi, mãi rồi ông Pao cũng phải trả lại miếng đất đẹp mà ông cố tình chiếm giữ.

Nói điều này để thấy rằng, người Việt hay người phương Đông nói chung rất coi trọng việc mồ yên mả đẹp. Vậy nên, đối với người xưa, nhất là các gia tộc có thế lực thường chú trọng chọn khu đất tốt, có thể kết phát để đặt mồ mả, phát triển uy thế của gia tộc thêm bền vững.

Chuyện xưa kể, Vua Tự Đức từng biếm chức viên quan Án sát tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Khắc Nguyên vì vị này dám lén dùng tinh dầu ngọc am để ướp xác cho mẹ. Nghĩa là, các triều đại phong kiến quy định rất chặt chẽ việc hạng người nào mới được gìn giữ thi thể lâu dài bằng cách dùng quan tài ngọc am, ướp tinh dầu ngọc am. Bên cạnh đó, với chi phí cực kỳ đắt đỏ và sự kỳ công của việc tẩm liệm, mai táng, không phải gia đình thường thường bậc trung nào cũng có thể làm được.

Đem những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về ngọc am đến hỏi ông Trần Ngọc Lâm (59 tuổi, ở thành phố Lào Cai), một người thông thạo về núi rừng phía Bắc nước ta như trong lòng bàn tay, ông Lâm chỉ cười. Với ông Lâm, loại cây thuộc họ Thông đáng được coi là quý nhất và đang có nguy cơ tuyệt chủng nhất là cây vân sam, chứ không phải ngọc am.

Ở Việt Nam, vân sam cực hiếm, chỉ riêng có ở trên núi Phanxipăng, đỉnh cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn. Hơn nữa, loài cây này có khả năng cho nấm phục linh ngàn năm. Còn ngọc am thì chỉ thực sự quý trong công nghệ ướp xác xưa, và cây này vẫn xuất hiện khá nhiều ở những đỉnh núi không quá cao của núi rừng phía Bắc nước ta. Lời đồn ngọc am từ xưa chỉ được dùng làm đồ ngự dụng như giường, tủ, ghế, đôn, thùng tắm… trong cung đình cũng không có cơ sở, vì người dân nước bạn vẫn dùng rất nhiều, như người Việt quen dùng gỗ lim, lát, dổi…, người Mông quen dùng pơmu, sa mộc vậy.

Từng qua lại nhiều vùng của Trung Quốc, ông Lâm thấy rất nhiều cánh rừng ngọc am của họ ở vùng giáp biên giới nước ta, nhưng họ đã đóng cửa rừng nghiêm ngặt để bảo vệ, rồi tích cực thu mua ngọc am ở nước ta, Myanmar, Malaysia… để sử dụng. "Tôi thấy người Trung Quốc thu mua tinh dầu ngọc am về làm thuốc trị thương, sát khuẩn, tẩy trùng, xoa bóp lưu thông khí huyết. Hoặc nữa là họ tận dụng mùi thơm độc đáo của ngọc am để dùng làm nước hoa, nước tắm…”


Lê Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét