10 thg 6, 2013

Huyền bí rừng Ma Nới ở Ninh Thuận

Xuyên suốt những khu “rừng ma” của người Raglai ở xã vùng cao Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bóng hình của những con chim ma quái, huyền bí muôn phần. Được tạc từ thân cây rừng, toàn thân màu đen và được nối với những sợi dây máu (một loại cây thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe cho người thể trạng yếu), những cánh chim bí hiểm ấy đung đưa trong gió, áng ở trước và trên nấm mồ của người khuất núi ở những khu “rừng ma”. Con chim ma quái ấy là chim gì, vì sao nó lại hiện diện trong hành trình về cõi a-tâu (cõi ma) của người đã chết?! 

Cánh chim bí ẩn trong thế giới Atâu

Như vùng rừng Mã Đà ở tỉnh Đồng Nai từng nổi tiếng với câu nói "Mã Đà sơn cước anh hùng tận", Ma Nới là xã vùng sâu, xa cách trở nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nhưng đó là chuyện của một thời quá vãng. Ma Nới nay vẫn là xã vùng sâu, xa nhưng sự cách trở đã được thu hẹp khi con đường xuyên qua những cánh rừng, những con suối nhấp nhô, lầy lội nay đã được thay thế bằng đường nhựa bóng láng đến tận trung tâm xã. Và cũng vì quá xa xôi, tách biệt với thế giới bên ngoài nên theo tâm tình của thầy giáo dạy tiểu học Pinăng Tình ở điểm trường thôn Do, người rất quan tâm đến văn hóa, bản sắc dân tộc mình, Ma Nới vẫn còn lưu giữ được nhiều nét son, phong tục tập quán đặc trưng, như tục tạc chim ma cho người về cõi a-tâu, là minh chứng.
Thầy giáo Pinăng Tình cùng không ít già làng ở Ma Nới bật mí rằng khi một người về với Yàng (thần linh, thần núi), lúc tiễn đưa người chết ra rừng ma, người làng và thân nhân người quá cố không quên tạc những cánh chim cắm trên nóc nhà mồ. Tâm tình ấy khiến chúng tôi rất bất ngờ bởi tục tạc chim ma ấy vừa có nét chung, lại có nét riêng với tục tạc tượng nhà mồ của đồng bào Êđê ở Đắk Lắk và đặc biệt là người Jarai tại tỉnh Gia Lai.

Cái nét chung ở đây là tục tạc "tượng ma" nhằm để người chết có bầu có bạn, cho cuộc sống ở thế giới bên kia của họ không cô đơn. Điểm khác biệt ở chỗ tượng nhà mồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, tạc từ người đến thú. Riêng người Raglai ở Ma Nới chỉ tạc mỗi… "chim ma". Cánh chim ở thế giới a-tâu ấy là chim gì, và vì sao bà con chỉ tạc mỗi loài chim ấy?!

Không cưỡng lại được sức "hấp dẫn" nhuốm màu kỳ bí của những cánh chim chốn a-tâu ấy, chúng tôi quyết định mò vào rừng ma. Khi biết được ý muốn khám phá "thế giới" người chết của những vị khách miền xuôi, thầy giáo Pinăng Tình tỏ ra ngần ngại, ông khuyên không nên và sau đó thì chối từ việc dẫn đường với lý do "mình sợ lắm!".

Người Raglai tâm niệm khi không có việc thì không được phép vào rừng ma. Bởi nếu không sẽ bị con ma rừng theo dấu chân, theo mùi người tìm về làng gây họa, làm cho người người bị đau bệnh, làm cho gia súc ngã ra chết...(?!). Ngày trước muốn thoát được tai ương, các già làng kể phải dời làng mà đi. Mà dời làng thì không phải là chuyện nhỏ. Phải chọn khu đất thoáng, gần sông gần suối, có thế núi dựa lưng, có nhiều đất đồi để làm rẫy…, thật không dễ dàng chút nào.

Nhất quyết không dẫn đường vào rừng ma của làng nhưng không vì thế mà thầy giáo Pinăng Tình kém phần nhiệt tình. Ông tận tình đưa khách sang thăm nghệ nhân Chamaléa Âu, người được xem như "pho sử sống" ở Ma Nới, người duy nhất ở vùng núi rừng này biết khảy đàn chapi được làm từ ống lồ ô, cây đàn chỉ với vài sợi dây nhưng "đong đầy hồn người Raglai" (bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến). Thầy giáo Pinăng Tình giải thích, Chamaléa Âu là người biết nhiều bài khấn cúng ma, nên ma không làm hại ông được. Đi với Chamaléa Âu, chúng tôi sẽ được bình yên, chẳng lo sợ con ma rừng… gây án!

Xấp xỉ tuổi 70 nhưng nghệ nhân Chamaléa Âu, khỏe mạnh, tráng kiện. Hỏi bí quyết, ông cười khùng khục, tiếng thanh âm nghe mạnh mẽ như thác nước xối thẳng xuống tảng đá dưới vực sâu. Thì ra bí quyết sống khỏe sống thọ của già làng Raglai này như bao già làng ở những buôn làng khác, chẳng có bí quyết gì cả và ai cũng có thể áp dụng được. Chỉ cần siêng năng lao động, không ăn uống, chơi bời vô độ và quan trọng nhất, giữ được cái lòng trong sáng, minh bạch, không tham lam, không toan tính, hờn ghen, đố kị.

Mới 3 giờ chiều mà không gian ở rừng Ma Nới thâm u. Phía xa xa, những áng mây mờ mịt phủ dày trên núi cao. Theo chân Chamaléa Âu vào rừng ma thôn Do, chúng tôi đi qua những vạt rừng um tùm cỏ dại vắng dấu chân người, chỉ có mùi rừng ngai ngái và xác rắn lột da đó đây… Sau gần một giờ len lỏi giữa rừng, nghệ nhân Chamaléa Âu khoát tay ra hiệu dừng lại, phía trước là những nhà mồ lúp xúp, rệu rã, hoang mục vì thời gian. Có cả những nấm mồ rất mới, những nấm mồ chẳng có bia mộ như người Kinh, cùng vô số đồ đạc mà sinh thời người dưới mộ vẫn thường sử dụng như ché rượu, con dao, cái xà-gạc (dụng cụ vừa dùng đi rẫy vừa đi rừng), cái gùi…

Những vật dụng này gợi cho chúng tôi nhớ đến những lần xuyên rừng đến thăm thế giới a-tâu của người Jarai ở huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Bà con dân tộc ở khu vực này cũng có tục chia của tương tự. Không những thế, có làng như làng Duch I, Duch II ở xã Ia Reng (Chư Pảh), người sống còn mang tivi, đầu máy, quạt, xe máy… để giữa rừng ma, chia của cho người chết mà chẳng sợ bị ai đó có lòng tham lấy trộm. Chỉ riêng điều ấy thôi đủ để thấy đức tính chân thật, thật như núi, như rừng của tộc người nơi này!

Tiếng con thú hoang bước loạt xoạt trên cành lá hoai mục đâu đây. Giữa rừng ma thâm u rờn rợn, ông Chamaléa Âu nói nhiều về thế giới ma, một thế giới khác biệt hoàn toàn với trần thế. Cõi ma theo giải thích của ông là nơi mà mọi thứ đều ngược với cõi trần. Ví như người dương đi 2 chân chạm đất, người cõi ma 2 chân bước giữa trời. Ở trần gian gốc rễ cái cây ăn sâu vào đất thì nơi chốn ma, chuyện ngược lại…

Kỳ thực những chuyện ấy chúng tôi đã biết từ trước thông qua tham khảo nhiều tư liệu về văn hóa của người Raglai trước chuyến đi. Nhưng điều lạ là trong những tư liệu ấy, chẳng thấy đề cập đến sự hiện diện của những bóng “chim ma” trên mả mồ người quá cố! 

Già làng Đá Mài Soai (trái) và ông Chamaléa Âu. 

Hỏi Chamaléa Âu rằng liệu có phải những con "chim ma" kia là hiện thân của con gà, loài gia cầm vốn không thể thiếu được trong những nghi lễ cúng Yàng, nghi lễ cúng mừng lúa mới - nghi lễ nông nghiệp truyền thống của người Raglai, Chamaléa Âu lắc đầu trả lời rằng "không phải" và chẳng giải thích gì thêm. Rồi ông đưa mấy gã khách miền xuôi đến khu rừng ma khác ở thôn Gia Rích cách nơi này khoảng 4km… để tiếp tục mở rộng tầm mắt.

Tại đây, biết bao hình ảnh vừa lạ vừa quen mà chúng tôi gặp tại thôn Do hiện lên mồn một. Đó là những hình vẽ hoa văn bằng máu của con vật hiến sinh-tế thần (heo, dê, gà…) tuy không rõ nét nhưng nhìn qua đó, người ta cũng có thể đoán định đấy là chiếc gùi, ché rượu, đám mây (hoal), ngôi nhà (sah), mặt trời (harei)… và cả dáng hình những con chim ma quái được tạc gỗ.

Đang chìm giữa không gian bí hiểm thâm u nơi rừng ma, một cụ già mà chúng tôi không nhớ tên lúc trên đường đi rẫy trở về làng bật mí rằng con chim ma quái ấy là… chim cu, mà người Raglai gọi là katơrau. Cụ già giải thích ý nghĩa của những hình vẽ, hoa văn kia là những hình ảnh gần gũi với người sống lúc sinh thời. Như con chim cu là loài chim thân thiện, mùa lúa chín chúng thường ra đồng, ra nương rẫy ăn mót lúa… và kêu gáy vui tai. Nghệ nhân Chamaléa Âu gật gù ra vẻ tán thành chia sẻ kia của ông cụ. 

Một người làng đang cúng ma. 

Giữa rừng ma, giải thích của cụ già và ông Chamaléa Âu chừng như mở ra trước mắt chúng tôi về thời khắc của buổi hồng hoang giữa muôn ngàn thú dữ. Trong cái thời khắc "ăn củ ngủ rừng" ngày ấy, người Raglai lấy tiếng đàn Chapi bầu bạn, lấy tiếng chim rừng hót lảnh lót, thánh thót làm vui. Chamaléa Âu như các già làng Raglai khác kể rằng rừng Ma Nới ngày trước nhiều chim thú lắm, khi cần có thú ăn, chàng trai chỉ việc mang ná, vác xà-gạc vào rừng là đã có thể vác về con nai, con hoẵng, con nhím, con cheo… "Chẳng ai bắn chim rừng để lấy thịt. Chim rừng là bạn, như con katơrau có hót vui tai" - Chamaléa Âu, nói.

Bóng “chim ma” ở rừng ma Ma Nới tưởng chỉ đơn giản thế thôi nhưng vấn đề ở chỗ, không phải người già nào cũng chấp nhận chuyện chim ma nơi rừng ma là… katơrau. Có già làng cho đó là chim công. Và cũng có già làng tin chim ma là chim bồ câu, loài chim được nhân loại xem là biểu tượng hòa bình. Già làng Đá Mài Soai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới, thì có chia sẻ khác. Ông bộc bạch rằng “chim ma” có thể là những loài chim khác như diều hâu, cú mèo chẳng hạn. Cũng có thể nó là con quạ, giống chim báo hiệu sự xui xẻo, chết chóc.

Người Raglai mỗi khi thấy quạ đen xuất hiện, kêu quàng quạc thì biết ngay đó là điềm gở, biết rằng làng nay mai sẽ có người chết. Nên quạ được xem như giống chim ma chuyên mang điềm gở! "Khó mà nói chính xác chim ở rừng ma là giống chim gì. Chỉ là bao đời qua, thấy ông cha làm sao thì lớp con cháu làm y như vậy!" - già làng Đá Mài Soai, tặc lưỡi.

Hôm ấy, tại nhà riêng của mình ở thôn Gia Rích, già làng Đá Mài Soai đoán định nhiều khả năng, những cánh chim ở rừng ma là chim paly, loài lông vũ tuy nhỏ con nhưng rất ngoan cường, không biết sợ, chẳng bao giờ khuất phục: "Chim paly có lối sống bầy đàn rất cao, khi bị diều hâu tấn công, chúng hợp sức lại chống trả và luôn chiến thắng" - già làng Đá Mài Soai, hào hứng bật mí: "Người Raglai mình có hẳn truyền thuyết về loài chim đen paly đã hợp sức cùng dân làng tiêu diệt quỷ dữ. Nên chim paly được xem là biểu tượng cho sĩ khí chiến đấu của người Raglai. Có thể vì thế mà khi một người Raglai nằm xuống, anh ta được xem như cánh chim paly rũ cánh?!".

Cần nói rõ, cánh chim paly được đề cập trong truyện cổ Tam Rắc chuyện về người anh hùng của người Raglai đã lãnh đạo dân làng chiến đấu chống quỷ dữ. Chuyện kể rằng khi người yêu là nàng Paly xinh đẹp hy sinh trao trái tim để luyện thành ngọn lao chống quỷ dữ và hóa thành loài chim có hình dáng đen tuyền, Tam Rắc như được truyền thêm sức mạnh. Trong quá trình giao đấu, Tam Rắc bị quỷ dữ chụp được mũi lao nên mất thế.

Trước tình cảnh nguy cấp ấy, chim đen vốn hóa thân từ nàng Paly dẫn đầu hàng đàn chim muông lao vào cào, đá, mổ, rỉa quỷ dữ. Nhờ vậy mà Tam Rắc có cơ hội tiêu diệt được quỷ dữ. Và để ghi nhớ sự hy sinh của nàng Paly, dân làng đã gọi chim đen tuyền mà Paly hóa thân là chim paly. Các già làng giải thích cũng từ đó, tuy bé nhỏ nhưng chim paly được xem là biểu tượng cho sĩ khí chiến đấu, sự ngoan cường của người Raglai. Sau này, qua tìm hiểu từ các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi biết được người Êđê gọi chim paly là chim D'rao. Riêng người Kinh gọi paly là chim chèo bẻo!

Cứ theo kiểu giải thích này, thì có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết. Nhưng điều mà chúng tôi có thể chắc chắn với bạn đọc rằng những cánh chim ma ở rừng ma của người Raglai ấy không hiện diện một cách vô duyên vô cớ, mà ẩn đâu đó những ý nghĩa, biểu tượng sâu xa. Và dù có là loài chim gì thì khi gắn với người chết, hẳn có lẽ tổ tiên người Raglai muốn gửi gắm thông điệp rằng người nằm dưới mộ từ đây như cánh chim khuất núi, từ đây sẽ được dang rộng đôi cánh, bay cao, bay xa, bay qua những núi đồi trùng điệp, bay qua đại dương rộng lớn, để hòa mình vào vũ trụ bao la!


N.Thành Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét