
Hơn
30 năm trước, sau khi tốt nghiệp Sư phạm Huế, dù có đủ điều kiện để
được ưu tiên chọn nhiệm sở tại thành phố Đà Lạt, nơi tôi hằng mơ ước
định cư, nhưng vì hoàn cảnh nên tôi đã nhận quyết định về Buôn Ma Thuột.
Rồi không giữ được nghề gõ đầu trẻ những năm quá khó khăn, tôi cũng bỏ
luôn ước mơ được chuyển đến dạy ở Đà Lạt.
Nhiều năm sau tôi mới
có cơ hội lần đầu đến với thành phố ngàn hoa, nhân dịp vào Sài Gòn trên
chuyến xe của một tài xế quen biết. Xe đến Đà Lạt khoảng nửa đêm, qua
khung cửa đèo Prenn rồi hồ Xuân Hương hiện ra lờ mờ khiến tôi nôn nao,
mắt dán vào cửa kính.
Đến nơi, chẳng có áo lạnh, tôi mặc thêm
một chiếc áo chemise cho đủ ấm rồi bắt đầu khám phá vùng đất còn quá lạ
lẫm với mình. Đà Lạt trong sương mờ lắc rắc như mưa phùn ở Huế đã kéo
tôi đi lang thang suốt đêm như một kẻ mộng du, qua những đồi dốc miên
man, đi và đi mãi dù co ro vì lạnh. Chỉ đến khi quá mệt tôi mới ngả mình
ngủ vùi trên ghế đá nhà thờ Con Gà. Thức dậy, tôi lại tiếp tục đi mê
mải cho đến chiều thì trở lại chợ Hòa Bình lên xe về Sài Gòn.

Lần
thứ hai tôi đến Đà Lạt nhờ được một bạn cũ thời trung học mời, nhân xứ
sở ngàn hoa tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập. Hết lễ hội, người bạn về
lại Sài Gòn. Tôi ở lại và tiếp tục những chuyến viễn hành như đã từng
đến Đà Lạt lần đầu. Thật kỳ lạ, tôi như được sống lại với những niềm
phấn khích âm thầm mà dữ dội năm xưa khi lần đầu tiên đến với đất này.
Và tôi còn có nhiều chuyến đi Đà Lạt những năm qua.
Hóa ra dù
bây giờ cuộc sống của tôi đã khác xưa, Đà Lạt không còn là một mơ ước xa
vời thì trong tôi vẫn có một Đà Lạt của những con dốc ngoặt xuống bất
ngờ, những mái nhà lô xô như trong tranh vẽ của Rénoir, những quán cóc
ven đường, quán cà phê Tùng, tiếng quả thông rụng đêm khuya trên bãi cỏ
đồi Cù ngày chưa thành sân golf đóng kín với khách lãng du.
Trong
tôi, Đà Lạt vẫn là xứ sở của những cuộc nhàn du lững thững, bước đi rất
chậm và nói với nhau khe khẽ, vừa đủ nghe. Trong tôi vẫn là những miên
man khám phá Đà Lạt với những ngôi nhà gỗ thấp thoáng trong rừng, hoa
quỳ vàng mãn khai dọc dài ven đường tận hiến cho đời sắc màu hoang dã;
với tiếng thông reo trong gió và ngàn hoa nở rộ như đón chào ai đang
lãng đãng bước chân trên phố.
Đà Lạt trong tôi không có những
khách sạn nhiều sao, những công trình mới xây dựng trong nội đô mà là
một không gian đô thị giữa rừng với hàng trăm biệt thự cổ kính. Đặc
biệt là một nền kiến trúc thuộc địa của người Pháp đã định
hình từ rất lâu mà không ai có thể nghi ngờ giá trị của nó.
Vài trăm biệt thự nhưng mỗi cái đều có kiểu dáng khác nhau,
ngay cả những ô cửa sổ cũng theo những phong cách thiết kế
vùng miền của ở nước Pháp du nhập qua Đà Lạt. Tất cả đã
hình thành một bản sắc kiến trúc đặc trưng mà không ở đâu trên
đất nước có được.
Ảnh: Huỳnh Nam
Trong
tôi vẫn mong mỏi một điều: thành phố sương mù được phát triển một
cách hợp lý, làm thế nào để vẫn giữ được cái không gian xưa cũ đã thành
“thương hiệu” của Đà Lạt vậy! Và, nói như một vị kiến trúc sư nổi
tiếng: Phát triển cho Đà Lạt là đừng nên phát triển gì cả…
Cần phải hiểu quan điểm này theo cách tôn trọng giá trị bảo
tồn trùng tu của những giá trị mà thành phố ngàn thông đang
sở hữu vì nên nhớ bảo tồn bản sắc kiến trúc là một cách
bảo tồn văn hóa. Du khách đến Đà Lạt cũng bởi sức hấp dẫn
đến kỳ lạ của một đô thị với những công trình kiến trúc hài
hòa, đa dạng dưới ngàn thông trên cao nguyên.
Hồ Sĩ Bình
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét