20 thg 1, 2013

Khám phá đảo Lý Sơn



Dân cư trên đảo Lý Sơn sống chủ yếu bàng nghề đánh bắt hải sản. Ảnh: Anh Quân


Nằm cách đất liền khoảng 25 cây số chim bay, huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi có ba xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình với tổng diện tích 9,97 ki lô mét vuông, gồm hai hòn đảo gọi là đảo Lớn và đảo Bé, cách nhau chừng 2 hải lý. Mặc dù nằm biệt lập giữa biển, huyện đảo Lý Sơn có nhiều di tích và phong cảnh đan xen giữa núi và biển là những điều thú vị ở huyện đảo nhỏ bé này.

Con đường dẫn đến cảng Sa Kỳ rất hẹp, chỉ một xe ô tô 45 chỗ là đã choán hết con đường. Chợ hải sản ở ngay bến cảng sau một đêm đi biển diễn ra rất tấp nập, nhưng chỉ đông đến khoảng 10 giờ sáng là tan. Từ cảng Sa Kỳ, huyện Sơn Tịnh, phải mất hơn một giờ đồng hồ đi tàu cao tốc chúng tôi mới tới được huyện đảo Lý Sơn. Tàu rẽ sóng đi rất nhanh thỉnh thoảng khiến những con cá bạc bay lên khỏi mặt nước như đùa giỡn với con tàu.


Từ đất liền ra đảo Lý Sơn, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu cao tốc; ngoài ra, còn có tàu chở hàng và khách (thường gọi là tàu chợ) nhưng cũng chỉ chở được tối đa 50 người. Vì thế, lúc nào tàu cũng đầy khách, có khi còn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại.

Tượng Phật Quan Âm cao 27 mét dựng trước cửa chùa Đục ở núi Thới Lới. Ảnh: Anh Quân

Đặt chân lên đảo, nghe mọi người nói có rất nhiều điểm để khám phá với một quần thể đền, chùa cùng cảnh vật thiên nhiên kết hợp giữa núi và biển. Địa điểm gần nhất từ bến tàu vào là chùa Đục. Con đường đất dẫn đến chùa nhỏ, hẹp và đầy bụi bặm. Chùa Đục được xây dựng trong một hang đá trên núi, bên ngoài cửa hang là tượng Phật Quan Âm cao 27 mét, mặt hướng ra biển. Phía trên là đỉnh núi Thới Lới, nếu muốn leo lên đỉnh núi thì phải leo qua khoảng hơn 100 bậc đá. Từ đỉnh núi Thới Lới có thể quan sát được cảnh vật xung quanh đảo với nước biển trong xanh, xen lẫn những phiến đá lô nhô ở ven bờ, dưới chân núi là màu xanh của những ruộng dưa hấu, đậu xanh.

Cùng nằm trên núi Thới Lới nhưng chùa Hang lại được xây dựng trong hang động lớn nhất đảo Lý Sơn. Hang được tạo thành từ những vách đá dựng đứng ở núi Thới Lới, do nước biển xâm thực, hang có chiều rộng khoảng 30 mét ăn sâu vào núi khoảng 25 mét theo kiểu hàm ếch. Nếu nhìn từ xa, ngôi chùa bị che khuất bởi dãy bàng cổ thụ trước cửa chùa. Chùa Hang thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần đã có công khai phá, xây dựng vùng đất này vào thế kỷ 16, trong chùa có bệ thờ được tạo từ thạch nhũ tự nhiên rất đẹp. Du khách phải đi theo đường mòn sát mép biển rồi đi xuống 40 bậc đá để vào chùa.

Ngoài chùa Hang và chùa Đục, đảo Lý Sơn còn có đình làng An Hải là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, được xây dựng năm 1820, đến nay đình vẫn giữ được nguyên vẹn những kiến trúc ban đầu. Đây là ngôi đình làng cổ nhất ở Quảng Ngãi và là nơi tổ chức các lễ hội như tế Xuân Thu nhị kỳ, tế tiền hiền,...

Một địa điểm thường được du khách ghé thăm đó là nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, nơi đây đang trưng bày và lưu giữ các hiện vật của những chiến binh trấn thủ Hoàng Sa thuở trước.

Bến cảng Lý Sơn nằm về phía đông hòn đảo. Ảnh: Anh Quân

Ngoài các di tích, du khách có thể khám phá cảnh đẹp ở trên đảo. Biển ở Lý Sơn nước rất trong và đẹp, mặc dù không có bãi biển để tắm vì có nhiều đá nhưng đây là nơi rất lý tưởng cho những ai thích khám phá biển, đảo. Vào những ngày trời nắng đi tàu xung quanh đảo, bằng mắt thường có thể nhìn thấy đàn cá tung tăng bơi lội và những rạn san hô đầy màu sắc.

Nhưng điều thú vị nhất khi leo lên đỉnh núi Thới Lới để ngắm nhìn biển và toàn bộ cảnh vật trên đảo. Người hướng dẫn cho biết rằng, núi Thới Lới là ngọn núi được hình thành từ dung nham của núi lửa cách đây hàng vạn năm. Bên trên đỉnh núi trũng xuống, trông giống như lòng chảo, nơi đây đang được quy hoạch xây dựng đập giữ nước ngọt để phục vụ cho nông nghiệp.

Cũng như các vùng biển đảo khác của Việt Nam, các món ăn của người dân Lý Sơn mang rất nhiều hương vị đặc trưng của biển như món gỏi rong biển, món cá chình xào với các loại rau và một số loại ốc mà chỉ ở trên đảo mới có. Ngoài các món ăn từ biển, món dưa hấu ở Lý Sơn cũng được nhiều người biết đến. Dưa ở đây quả nhỏ và có vị ngọt rất khác so với dưa vẫn bán ở thành phố, có lẽ do được trồng trên cát nên dưa ngon hơn. Người dân ở Lý Sơn vẫn thường gọi loại dưa hấu này là dưa An Tiêm.

Nhưng thứ nổi tiếng nhất ở Lý Sơn vẫn là tỏi, tỏi ở đây được trồng trên cát hút từ dưới biển lên. Tép tỏi nhỏ và thơm hơn rất nhiều so với tỏi trồng ở những nơi khác. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng là ngon và bán rất đắt hàng.

Anh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét