20 thg 1, 2013

Về thăm ngọn nguồn khởi nghĩa Ba Tơ

Về huyện miền núi Ba Tơ, không chỉ tìm về ngọn nguồn của đội du kích Ba Tơ được thành lập năm 1945 góp phần không nhỏ trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng tám và Quốc khánh 2-9, du khách còn có dịp lướt qua những cung đường đèo ngoạn mục, ngắm nhìn những ruộng lúa, nhà sàn bình yên dưới chân đồi của đồng bào dân tộc H’Re...


Nhà sàn và ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc H’Re ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ

Từ TP Quảng Ngãi lên huyện lỵ Ba Tơ nếu đi theo trục quốc lộ 1A, du khách đến ngã ba Thạch Trụ rồi ngược đường lên theo quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kontum trên chiều dài khoảng 60km; hoặc đi tắt theo trục đường qua huyện Nghĩa Hành lên đèo Đá Chát rồi nhập vào quốc lộ 24, sau đó ngược đường lên nhưng rút ngắn được khoảng 10km. 


Lên Ba Tơ, hai bên đường bát ngát màu xanh của rừng cây keo tai tượng. Mùa thu, vòng qua những cung đường đèo ngoạn mục, ngắm nhìn mây trời, khói sương bao phủ trên những rặng núi xa, nhất là khi qua đèo Lâm có những rặng thông xanh vi vu trong gió chiều. Du khách thấy người dễ chịu, nhất là những người quanh năm sống ở chốn thị thành đầy khói bụi, nhà cao tầng.


Đèo Lâm thuộc  tuyến quốc lộ 24  trên đường lên huyện lỵ Ba Tơ

Đến đây, có một địa điểm mà bạn nên ghé thăm đó là Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ. Nơi đây có trưng bày sa bàn, hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đội du kích Ba Tơ, những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa.  


Trước năm 1945, Pháp chọn Ba Tơ - vùng rừng thiêng nước độc - để lập căng an trí Ba Tơ giam lỏng các tù chính trị, nhưng họ không hề biết những người tù đã ngấm ngầm chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp thì đêm 10-3-1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp bất thường, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào ngày 11-3-1945, đồng bào Kinh cùng các dân tộc anh em với giáo mác phối hợp tù chính trị đánh chiếm nha kiểm lý, đồn Ba Tơ, chòi canh Suối Loa. Trong sáng 12-3-1945, cờ cách mạng tung bay ở huyện Ba Tơ, chính quyền cách mạng được thành lập và đội du kích cứu quốc Ba Tơ ra đời với 28 đồng chí.

Sau đó, đội du kích về lập căn cứ ở núi Cao Muôn, xã Ba Vinh rồi tiến về trung châu thành lập đại đội Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quảng Ngãi.

Những thành viên của đội du kích ngày đó sau này nhiều người trưởng thành trở thành tướng lĩnh của quân đội nhân dân VN như Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ...
Sau khi thăm Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, du khách sẽ được xem 14 điểm di tích của cuộc khởi nghĩa ở nhiều xã khác nhau. Những di tích lịch sử cách mạng này đã được Nhà nước đầu tư kinh phí để phục dựng hoặc gắn bia di tích như chòi canh Suối Loa (xã Ba Điền), núi Cao Muôn, Hang Én  (xã Ba Vinh), nha kiểm lý (thị trấn Ba Tơ).
Ngắm nhìn những tranh ảnh, hiện vật, nghe thuyết minh về cuộc khởi nghĩa, bạn càng hiểu rõ về bản lĩnh và trí tuệ của những tù chính trị, những đội viên du kích Ba Tơ cùng tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc anh em ở huyện miền núi Ba Tơ này. 

Nhờ nằm trên trục quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây nguyên nên những năm gần đây hệ thống đường giao thông ở Ba Tơ được cải thiện hơn trước rất nhiều. Du khách đến đây sau khi vòng qua các điểm di tích sẽ được thả hồn ngắm nhìn dòng sông Liêng (đầu nguồn của sông Vệ) lững lờ trôi qua những bản làng đồi núi. Những đêm thu trên vùng cao tiết trời lành lạnh, đi dạo quanh một vòng thị trấn Ba Tơ rồi ghé một quán nhỏ nào đó nhâm nhi ly cà phê đen mới thấm hiểu hơn về thị trấn vùng cao này.

Ba Tơ từ lâu là nơi cư trú của đồng bào dân tộc H’Re. Mặc dù tháng năm đi qua với nhiều biến đổi nhưng đồng bào vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người H'Re làm nhà sàn ở ven các sườn núi, khai hoang làm ruộng bậc thang và trồng keo nguyên liệu trên sườn đồi. Du khách đến thăm bản trong dịp tết ngã rạ mừng mùa lúa mới vào khoảng tháng 12 dương lịch thường được bà con đãi rượu cần do bà con tự làm và món cá niêng nướng chấm muối ớt bay. 

Cá niêng là loài cá hình giống như con cá mương nhưng to hơn nhiều, chuyên sống ở vùng ghềnh, thác nước chảy. Dọc miền Trung lắm suối nhiều sông, nơi đâu cũng có loài cá này nhưng mỗi dân tộc, mỗi tỉnh, đồng bào có tên gọi khác nhau. Song nhiều du khách đi nhiều nơi sau khi đến Ba Tơ thưởng thức món cá này đều cho là ngon hơn cả. Có lẽ các sông suối của Ba Tơ có nhiều rong tảo, phù du làm thức ăn nên cá béo hơn?

Không chỉ nổi danh cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, với sự nỗ lực vươn lên của một vùng đất nghèo, nơi đây giờ đã là một địa chỉ du lịch mà nếu có điều kiện, bạn đừng bỏ qua khi đến với Quảng Ngãi, nhất là dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 này. 


Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ


Bảo tàng Ba Tơ, nơi lưu giữ nhiều tranh ảnh, tư liệu, hiện vật của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ


Hang Voọc Rẹp ở xã Ba Vinh, một trong những di tích của đội du kích Ba Tơ


VÕ QUÝ CẦU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét