9 thg 10, 2019

Người điêu khắc tượng tài hoa

Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa) đã được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì đã có công truyền dạy và bảo tồn nghề tiểu thủ công nghiệp điêu khắc đá. Anh chính là người điêu khắc nên bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới, hiện đặt tại Nam Minh Điện, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Người có duyên tạc tượng Phật


Những ai đã có dịp được chiêm ngưỡng bức tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc bích lớn nhất thế giới do nghệ nhân Nguyễn Văn Minh điêu khắc sẽ không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ. Bức tượng không chỉ tinh xảo đến từng chi tiết mà còn rất có hồn, khiến cho người chiêm ngưỡng có cảm giác thân thiết đến kỳ lạ. Đó là điều mà không phải người thợ điêu khắc nào cũng làm được…

Chủ sở hữu bức tượng Quan Âm nổi tiếng nói trên là ông Trịnh Hữu Hòa, một Phật tử mộ đạo. Sau khi tìm mua được một khối ngọc bích nặng khoảng 11,5 tấn từ Canada, ông Hòa đã đi nhiều nước để tìm thợ chế tác. Ông đã đến “xứ sở” của những pho tượng Phật là Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc để tìm thợ. Tuy nhiên, việc tìm thợ chế tác tượng là rất khó khăn. Ông kể: “Tôi đã đến xưởng chế tác Phật ngọc của công ty chế tác Jade Thongtawee ở Thái Lan, đây là nơi chế tác tượng Phật ngọc nổi tiếng Vì Hòa bình Thế giới. Tuy nhiên, công ty cho biết là họ cũng chưa tạc tượng Phật Bà Quan Âm bao giờ. Họ yêu cầu khối ngọc phải được vận chuyển và mang đến xưởng của họ. Nếu tạc thì mất ít nhất 2 năm và mỗi tuần tôi phải sang nghiệm thu 1 lần”.

Tưởng như bế tắc, ông được người quen giới thiệu anh Nguyễn Văn Minh, chủ nhân của xưởng điêu khắc đá Lưu Sơn (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa). Anh Minh là người đã từng tạc nhiều tượng Phật cho các chùa và khá nổi tiếng trong lĩnh vực này. Như có nhân duyên, ông Hòa tin tưởng giao phó “sinh mệnh” của khối ngọc quý cho nhóm thợ của anh Minh.

Anh Nguyễn Văn Minh bên pho tượng Quan Âm đang được thờ tại Nam Minh Điện

Anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Được tạc bức tượng Quan Âm bằng ngọc bích chính là một cơ duyên của tôi. Tôi có rất nhiều cảm xúc khi nhận được công trình này. Vui có, lo lắng có. Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất lớn, không chỉ bởi vì giá trị vật chất của khối ngọc mà còn vì sự tin tưởng của anh Hòa đối với tôi”.

Khi bắt tay thực hiện công việc, anh Minh gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là về mặt kỹ thuật. Loại ngọc bích này có cấu tạo rất cứng nên rất khó khăn trong việc tạc tượng. Hơn nữa, trong quá trình khoan cắt khối ngọc, chỉ cần vài giây không có nước thì tại điểm tiếp xúc sẽ bị nổ do nhiệt độ tăng lên. Áp lực lớn nhất của anh chính là “không được phép sai sót”, bởi chỉ cần 1 sơ suất nhỏ thì mọi công sức, tiền của trở thành con số không.

Nghệ nhân tài hoa

Khi khối ngọc thô 11,5 tấn về đến Việt Nam, các chuyên gia đánh giá khả năng chỉ có thể tạc được một bức tượng với kích thước khoảng 1,7m. Tuy nhiên, những gì mà anh Minh cùng các cộng sự đã làm được là điều ngoài mong đợi và dự đoán của nhiều người.

Ngoài bức tượng Quan Âm cao 1m98, rộng 1,53m, dày 1,08m, nặng 6,8 tấn, anh còn tạc được thêm 6 bức tượng khác bao gồm: Phật Thích Ca, Phật A di đà, tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và 3 bức tượng Tam tòa Thánh mẫu. Tất cả những bức tượng này hiện đang giữ kỷ lục là tượng ngọc bích lớn nhất Việt Nam. Riêng bức tượng Quan Âm, từ tháng 11-2012 đã được Hiệp hội kỷ lục thế giới công nhận là tượng Quan Âm bằng ngọc bích lớn nhất thế giới. Những khối ngọc nhỏ còn lại, anh tiếp tục làm những đồ thờ cúng khác. Theo tính toán, khối ngọc 11,5 tấn hầu như không bị hao hụt, lãng phí chút nào, ngoại trừ khoảng 5% hao hụt là bụi ngọc không thể tận dụng được.

Để làm được điều “không tưởng” này, anh đã mất 2 tháng trời ngồi ngắm nhìn khối ngọc để tìm ra phương hướng. Cái khó của người nghệ nhân sau khi đã tách khối, định hình được khối ngọc là phải tìm được nơi đẹp nhất của khối ngọc để làm phần trọng tâm. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ngọc bao giờ cũng có chỗ bị tì vết nên nghệ nhân phải khéo léo đưa những vết này vào phần phụ, phần chính của bức tượng phải là phần ngọc đẹp nhất. Tôi rất hài lòng khi phần đẹp nhất ấy chính là gương mặt của Phật Bà”.

Sau 18 tháng miệt mài với công việc, anh cùng nhóm thợ đã hoàn thành 7 bức tượng ngọc nêu trên. Quá trình thực hiện, cả anh và ông Hòa đều không nghĩ đến việc lập kỷ lục. Khi công trình hoàn thiện, khách đến tham quan (trong đó có nhiều khách nước ngoài) đã gợi ý cho hai người về điều này. Vì vậy, ông Hòa đã gửi hồ sơ đến tổ chức kỷ lục thế giới để xác minh và công nhận kỷ lục này.

Anh Minh vui vẻ cho biết: “Tôi tự hào vì đã làm được điều mà trên thế giới không nghĩ là ở Việt Nam có thể làm được. Việt Nam chúng ta là nước đi sau về công nghệ chế tác ngọc nhưng chúng tôi đã làm được điều mà những nghệ nhân khác trên thế giới không làm được”.

Người thầy tốt bụng
Anh Nguyễn Văn Minh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh khăn gói đến Nam Định để học nghề điêu khắc, sau đó vào TP. HCM lập nghiệp. Năm 2008, anh về Biên Hòa mở xưởng điêu khắc đá.

Không chỉ giỏi nghề, anh nổi tiếng là người thầy tốt bụng. Xưởng của anh luôn có nhiều học viên đến xin học nghề . Không những không “giấu nghề”, anh còn dạy bảo rất tận tình cho các học trò. Ngoài ra, sau khi học nghề xong, các học trò còn được anh hỗ trợ công ăn việc làm cho đến khi nào “cứng nghề” mới thôi.

Học trò của anh đến từ nhiều vùng miền, nhưng chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc như: Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… Anh Túng Văn Hải (quê Thanh Hóa) cho biết: “Ở những nơi khác, người học nghề như chúng tôi thường chỉ được làm chân phụ việc, người ta giao gì làm nấy và tranh thủ “liếc mắt” học lỏm. Riêng thầy Minh rất tận tình với học trò. Chúng tôi đến đây học nghề được thầy chỉ bảo từng chút một. Ngoài việc lo cho chỗ ăn ngủ, hằng tháng thầy còn bồi dưỡng cho chúng tôi ít tiền để tiêu vặt. Khi “ra trường” lại được thầy hỗ trợ công việc làm ăn nên tôi cảm thấy rất yên tâm”.

Thành An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét