16 thg 10, 2019

Chợ phiên Lũng Pán

Đến chợ phiên Lũng Pán, xã Huy Giáp (Bảo Lạc), ấn tượng về những màu sắc khác nhau của sản vật, của trang phục, sắc thái trên từng gương mặt con người nơi đây, âm thanh của tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi mời và hương vị các món ẩm thực bản địa..., như một bức tranh tổng hòa nét văn hóa độc đáo của người vùng cao duyên dáng, hấp dẫn và thắm đượm tình người.

Chợ phiên Lũng Pán đông vui như ngày hội. 

Ngày chợ phiên, từ sáng sớm, những dòng người từ trên núi xuống, từ thung lũng lên, có người đi tay không, người gùi gà, người dắt lợn, người đi xe máy, người đi bộ... gặp nhau làm náo nhiệt cả một vùng ngày thường vốn yên ả.

Theo các cụ cao niên trong xã kể lại, xã Huy Giáp có chợ từ lâu đời họp vào ngày 5, 10, 15, 20, 25 âm lịch hằng tháng. Ban đầu chợ họp ở Háng Miảo rồi chuyển về họp tại Bản Chồi. Từ năm 1963, chợ chuyển về Lũng Pán hiện nay.

Điều đặc biệt nhất, tại chợ Lũng Pán diễn ra ngày chợ hội “kiêng gió” độc đáo của người Dao Đỏ mỗi năm chỉ một lần vào ngày 1/3 âm lịch. Trong ngày chợ hội, mọi người không ra đồng hay lên nương rẫy làm việc, vì từ xa xưa đây là ngày phải “kiêng gió” để tránh gió lùa cây hoa màu, nhà cửa, tránh thiên tai..., nếu lao động trong ngày này sẽ gặp những điều không may. Do đó, vào ngày hội “kiêng gió”, tất cả già, trẻ, gái, trai đều tham gia ngày hội. Trong ngày hội, những người phụ nữ khoác trên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất, hoa văn rực rỡ do chính bàn tay mình tự thêu thùa, may vá trong cả năm để đi hội. Mọi người, nhất là những nam thanh nữ tú hát đối, thổi sáo, uống rượu, tham gia các trò chơi dân gian và không thể thiếu điệu múa Ba ba đặc trưng của người Dao Đỏ để cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà có sức khỏe, hạnh phúc. 

Nông sản được bày bán tại chợ Lũng Pán. 

Đồng bào mang xuống chợ phiên Lũng Pán đủ thứ hàng hóa, từ bó măng rừng, chai mật ong, con gà... mùa nào thức ấy. Xuống đến chợ, người bán hàng cứ tìm chỗ ngồi có vài người bán cùng mặt hàng là các sản vật tự mình làm ra bày theo từng khu vực, góc nhỏ riêng. Góc bày bán nông sản, góc bán vật nuôi... Những con lợn, gà, chó, mèo... được bỏ vào những chiếc lồng nhỏ xinh tự đan bằng tre, trúc. Chợ còn có góc dành cho không gian ẩm thực được bày bán ngay cổng chợ với những loại bánh rán, bánh dày... hòa với âm thanh mời líu ríu, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng kéo dài khắp chợ khiến mỗi lần chợ họp lại thực sự như một ngày hội của cả vùng.

Huy Giáp được coi là “thủ phủ” của người Dao Đỏ nên tại phiên chợ Lũng Pán có rất nhiều sản phẩm từ những nghề truyền thống của người Dao bày bán như: Giấy bản chế biến từ cây trúc; nghề rèn với các dụng cụ dao, búa, lưỡi cày...; nồi đồng, nồi nhôm; đồ vật đan lát, bàn ghế bằng cây trúc... Các sản phẩm này vừa bền, đẹp, giá cả phù hợp, có uy tín nên được người dân địa phương và các vùng lân cận tìm mua nhiều. Một nét đặc trưng nữa tại phiên chợ Lũng Pán chính là những hàng dài bày bán các cây dược liệu, lá tắm, cây thuốc để ngâm rượu... được lấy trong tự nhiên của người dân tộc Dao, Sán Chỉ...

Phiên chợ Lũng Pán cũng là dịp để các xóm trong xã Huy Giáp khoe với du khách đặc sản địa phương. Ví như món xôi bán theo cân được làm từ gạo nếp nương thơm ngon đặc biệt rất khó tìm được ở các phiên chợ khác. Xôi mới đồ nên khi đến chợ vẫn còn nóng hổi đựng trong gùi, các bà, các mẹ khi bán lại cởi mở, vui vẻ mời thử nhiệt tình. Hay như món măng trúc - loại cây “giảm nghèo” đã được trồng lâu năm của xã tại rừng sâu hoặc chân các dãy núi phải chịu nhiều nắng gió, sương lạnh nên hình dáng của chúng khác biệt so với các loại măng trúc vùng khác. Trong khi cây măng được trồng ở vùng đất khác có hình dáng to, mập thì măng trúc Huy Giáp lại thon, dài và dẻo dai. Mùi vị măng trúc nơi đây rất khó có thể lẫn vào đâu được, cái vị bùi bùi thơm thơm luôn in đậm khó quên.

Làm nên sắc màu độc đáo cho phiên chợ là trang phục của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao... sinh sống tại xã và các xã lân cận: Đình Phùng, Sơn Lộ, Hưng Đạo tạo nên bức tranh sắc màu sinh động và đậm đà bản sắc dân tộc. Những cuộc mua bán diễn ra rất nhanh chóng dù bán con lợn hay mớ rau, không chèo kéo, ngả giá nhiều, do người mua bán đã quen biết lâu năm, do tính cách chất phác không nói thách giá cả... Sau những cuộc mua bán, họ lại hội ngộ nhau ngay bên quán rượu trong chợ. Mọi người mời nhau chén rượu, trao đổi thông tin, tình hình mùa vụ, thành quả một tuần làm việc... Những câu chuyện có khi không đầu không cuối nhưng niềm vui, nụ cười luôn hiện diện. 

Đến chợ là dịp để gặp gỡ, chuyện trò, chia sẻ. 

Hiện nay đời sống của đồng bào đã khấm khá hơn, nhiều người trong số họ có xe máy, có điện thoại di động... Hàng hóa ở chợ cũng phong phú hơn với bánh kẹo, đồ hộp, thuốc tây... Nhưng nhìn chung, không khí ấm cúng, thân thiện cùng với sự thật thà chân chất của đồng bào vẫn vẹn nguyên khiến cho chợ phiên vẫn nhộn nhịp, vui tươi và ấm áp tình người.

Chợ phiên Lũng Pán là một nét đẹp trong sinh hoạt đời thường, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi vùng non nước Cao Bằng, nó không chỉ là nơi buôn bán những sản vật đặc sắc mà còn là chốn gặp gỡ, giao lưu, là dịp để người ta phô diễn những tinh hoa của dân tộc mình qua trang phục, qua món ăn truyền thống, những điệu dân ca. Đồng thời, thể hiện rõ cái “tình” trong đời sống tinh thần của bà con nơi đây khiến chúng ta càng thêm yêu mến, quý trọng con người và những giá trị văn hóa cộng đồng.

Tan chợ, những bước chân trên con đường về nhà của đồng bào vẫn lưu luyến âm thanh, tình cảm, không khí vui tươi của phiên chợ Lũng Pán và lại hẹn gặp nhau phiên chợ sau. Tạm biệt phiên chợ Lũng Pán mà âm thanh và sắc màu chợ còn vương vấn, men rượu chưa uống đã say bởi tình người nơi đây cũng bay theo đường về.

Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét