14 thg 10, 2019

Múa rồng đất Thăng Long

Múa rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố của người Thăng Long - Hà Nội, thường được biểu diễn trong các dịp lễ Tết, vì rồng là vật linh thiêng, tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, Liên hoan múa Rồng Hà Nội năm 2019 - một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019). 

Rồng là con vật thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết của văn hóa Việt Nam. Trong xã hội phong kiến trước đây, rồng tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa. Rồng xuất hiện ở hoàng cung, chùa chiền, miếu mạo và trong dân gian. Sách cổ phương Đông coi thủy tổ loài người từ rồng mà ra và cho rằng các bậc vua chúa, thánh hiền đều là con cháu tiên rồng.

 Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 góp phần tạo nên một không gian văn hóa truyền thống độc đáo, là một sản phẩm du lịch dành cho đông đảo người dân và du khách trong những ngày Hà Nội đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Từ hình tượng rồng trong dân gian, cha ông ta đã có sự tìm tòi phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang dấu ấn văn hóa Việt. Múa rồng là một trong những điệu múa cổ của dân tộc mà cái nôi phát triển loại hình múa này là mảnh đất Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay).

Nói về nghệ thuật múa rồng đất Thăng Long, nhiều nghiên cứu cho thấy nó có từ thời Lý (TK 10). Ngày nay tại làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xãSơn Tây, Hà Nội, mảnh đất nổi tiếng là quê hương của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền, quê hương của Thám Hoa Giang Văn Minh, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, mỗi khi tổ chức lễ hội truyền thống đều có múa rồng, rước vua về làng. Ngoài ra, trong các dịp hội hè, lễ Tết, khắp nơi trên đất Thăng Long đâu đâu cũng có múa rồng. 

Những mô hình rồng với thiết kế tinh xảo.

Màn múa rồng đôi đặc sắc của đội quận Bắc Từ Liêm.

Các đơn vị tham gia đã mang đến liên hoan một chương trình được dàn dựng độc lập.

Người dân Hà Nội thích thú ngắm những chú rồng uốn lượn.

Các đội tham gia đã sử dụng các kỹ xảo phức tạp, hấp dẫn như xếp hình cao, phun lửa, phun mưa, nhào lộn...

Múa rồng thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các sự kiện đặc biệt quan trọng. 

Hình tượng rồng gắn liền với nguồn gốc ''con Rồng, cháu Tiên'' của người Việt và Thủ đô Hà Nội.

Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 thu hút nhiều người dân Thủ đô quan tâm.

Các đơn vị tham gia đã mang đến liên hoan một chương trình được dàn dựng độc lập.

Nhiều tiết mục được tạo dựng ấn tượng và công phu.

Những màn múa rồng đặc sắc làm mãn nhãn công chúng Thủ đô.

Một màn trình diễn ấn tượng. 

Các tiết mục thu hút đông đảo người dân Thủ đô. 

Ở Hà Nội ngày nay, múa rồng khá phổ biến, đặc biệt là vùng Sơn Tây, Thanh Trì, làng Triều Khúc, Ngọc Hồi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh… Nhiều làng ở đây mỗi khi Tết đến xuân về còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… Tất cả những uốn lượn tạo hình vô cùng sinh động của điệu múa rồng đã tạo cho không khí ngày xuân thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp đất Việt.

Các nghệ sĩ tham gia múa rồng khá đông, để điều khiển một con rồng thông thường cần khoảng từ 10 đến 15 người, tùy vào kích cỡ rồng. Ngoài ra còn có một người đóng vai trò như người cầm trò cho các điệu múa là chàng dũng sĩ đi trước đầu rồng với quả ngọc và cây “gậy thần”.

Về trang phục của người tham gia múa rồng là sự đồng đều cả màu sắc hình khối. Riêng chàng dũng sĩ với quả ngọc và gậy thần đi trước có trang phục khác màu cho rực rỡ, thể hiện sự khỏe mạnh của một võ tướng. Trang phục của các nghệ sĩ múa còn lại là quần áo cùng màu, có diềm, thắt lưng, còn mũ là mảnh khăn bịt đầu, buộc túm phía sau (quần gọn, có sà cạp cho khỏe).

Múa rồng luôn có mặt trong các lễ hội của đất Thăng Long kinh kỳ, thể hiện sự uy nghiêm, sự bay bổng, uốn lượn của nghệ thuật múa cổ truyền của cha ông.

Bài và ảnh: Thanh Giang – Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét