21 thg 10, 2019

Kiến trúc nhà ở của người Mông

Với đặc điểm chủ yếu ở những nơi khó khăn, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, do đó, kiến trúc nhà ở của người dân tộc Mông cũng có những nét độc đáo riêng.

Người Mông xã Đức Xuân (Hòa An) dựng nhà ở ven chân núi có độ dốc cao. 

Người Mông ở Cao Bằng thường cư trú thành xóm, bản trong những thung lũng hoặc ven chân núi có độ dốc cao. Ông Hoàng Văn Dí, dân tộc Mông, xã Đức Xuân (Hòa An) cho biết: Người Mông thường dựng nhà vào mùa xuân. Ăn Tết Nguyên đán xong, dựng nhà để chuẩn bị một vụ mùa mới. Chọn ngày để làm nhà thường là vào ngày chẵn do quan niệm ngày chẵn là ngày đem lại may mắn. Thông thường bà con làm nhà 3 gian, 12 cột hoặc nhiều hơn do điều kiện của từng gia đình và địa thế của nơi ở đó.

Nhà của người Mông thường không có chái và ít ở nhà sàn. Kiến trúc ngôi nhà của người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là 2 cửa sổ). Cửa ra vào thường mở hai lối, cửa chính diện bàn thờ và cửa đầu hồi. Tất cả các nghi lễ trong đám ma, đám cưới và các nghi lễ khác… đều diễn ra ở cửa chính diện bàn thờ.

Cách bố trí trong nhà người Mông có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc khác. Người Mông tính từ cột giữa trở ra ngoài cửa dành để làm buồng cho các cặp vợ chồng. Từ cột giữa trở lên trên bàn thờ, nếu có giường thì chỉ là giường khách hoặc giường của những người chưa vợ ngủ, nghỉ. Gian giữa từ ngoài cửa đến bàn thờ để không. Buồng của ông, bà thường bố trí ở phía mặt trời mọc, trước cửa buồng thường là bếp lửa. Thông thường người Mông không làm nhà bếp riêng mà đun lửa ngay trong nhà chính.

Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông là các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn. Chuồng gia súc được làm chếch với cửa chính, tùy thuộc vào hướng gió.

Trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi cao, những ngôi nhà của người Mông vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống. Hiện nay, người Mông ở Cao Bằng không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.

Xuân Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét