13 thg 10, 2019

Du lịch vùng phi quân sự của Quảng Trị

Là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử nhất Việt Nam, Quảng Trị được mệnh danh là “Bảo tàng” sinh động nhất về di tích chiến tranh và là địa phương duy nhất tại Việt Nam phát triển mô hình du lịch DMZ (Demilitarized Zone - du lịch vùng phi quân sự). 

Sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử McNamara, địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, Dốc Miếu, đường mòn Hồ Chí Minh, Đảo Cồn Cỏ… đã và đang trở thành “thương hiệu” du lịch của Quảng Trị. Mô hình du lịch độc đáo này ngày càng thu hút 1 lượng lớn du khách tới tham quan, khám phá, bao gồm cả du khách trong nước và quốc tế.

Sông Thạch Hãn
Đây là con sông gắn liền với lịch sử của tỉnh Quảng Trị như chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972. Đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mới mười tám đổi mươi. Riêng trận Thành cổ con sông đã nuốt khoảng 1000 chiến sĩ. 

Thả hoa, hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh (ảnh sưu tầm) 


Tại vùng hạ nguồn thì sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, và nối với sông Ô Lâu qua sông Vĩnh Định, nên có thể xếp chung ra "hệ thống sông Bến Hải-Thạch Hãn-Ô Lâu".

Sông có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra Biển Đông qua Cửa Việt. Về tên gọi Thạch Hãn, nguyên tên trước là Thạch Hàn có thể được lý giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông; mạch đá như mồ hôi tiết ra thành dòng chảy, tên sông đặt theo đặc điểm này nên mới có tên là Thạch Hãn. 

Sông Thạch Hãn về đêm (ảnh sưu tầm) 

Địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) là một làng quê nằm trên một khu đồi đất đỏ sát bờ biển, cách thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh khoảng 14km về phía đông, cách Cửa Tùng 6km về phía bắc. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Vịnh Mốc là tiền đồn của miền bắc và cũng là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh. 


Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967. Là một hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài trên 1700m. Địa đạo được cấu trúc 3 tầng, trong đó tầng trên cùng sâu 8-10m, tầng thứ 2 sâu 12-15m, tầng thứ ba sâu 23m; các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m. Trong địa đạo có không gian sinh sống của người dân, kho vận vũ khí đạn dược - lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng (hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin...). Toàn bộ hệ thống có 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi). 


Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc, với 18.000 ngày công. Trong mưa bom bão đạn họ đã đào và vận chuyển 6000m3 đất đá để hoàn thành nên công trình kỳ vĩ và đặc biệt này. Trong gần 2000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc nói riêng cũng như Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại. Đó là huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.

Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND. Năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng.

Nhà Tù Lao Bảo
Nhà tù Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương. Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cộng sản cốt cán mà sau này là lãnh đạo cao cấp của chính quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết... Sau ngày thống nhất đất nước, nhà tù Lao Bảo được công nhận là "di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia". 


Nhà Tù Lao Bảo có diện tích khoảng 10ha ở cuối đường Lê Thế Tiết, nối từ QL 9 đi vào thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá. Từ thời phong kiến nhà Nguyễn, nơi đây là một đồn trấn thủ ở ải biên thùy, trấn giữ một phần bờ cõi phía Tây của lãnh thổ Đại Nam. Nơi đây trước đó là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”. Khi phong trào cần Vương phát triển rộng đến vùng đất Lao Bảo thì ở đây thực dân Pháp đã xây dựng con đường số 9 vừa để kiểm soát vùng đất phía Tây của tỉnh Quảng Trị, vừa để tiện mối liên hệ với phía Lào mà chúng đã thôn tính, đồng thời chúng cho củng cố, mở rộng nhà tù Lao Bảo để giam cầm những người Việt Nam yêu nước mà chúng đã bắt được từ năm 1908. 


Đến năm 1931 – 1932 khu nhà tù còn được xây thêm hai dãy nhà mới vững chãi hơn: tường thì bằng đá, mái thì lợp tôn, sàn được láng bằng xi măng. Hai dãy nhà mới này được đặt tên là nhà lao C và D. Như vậy, cùng với hai nhà giam tù trước được đặt tên là nhà Lao A và nhà lao B, khu nhà tù Lao Bảo lúc bấy giờ có bốn nhà lao A, B, C, D.

Ngoài khu nhà tù Lao Bảo còn có một nhà ăn, một nhà là xưởng thủ công mà các tù nhân khác được tập trung để làm một số đồ dùng thủ công bằng tre, nứa, gỗ,..vv.. Còn nhà của tên đồng trưởng cùng bọn cai quản và trại lính thì được xây riêng từ phía cổng nhà tù vào. bao quanh nhà tù Lao Bảo là một hàng rào tre cao chắc chắn, dày đặc. 


Nhà tù Lao Bảo là bằng chứng sống động về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Đồng thời còn là nơi phản ánh tinh thần chịu đựng, kiên cường, ý chí cách mạng to lớn và quyết tâm chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống của những người yêu nước và chiến sĩ Cộng sản. Là bài học quý báu trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng Hoa (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét