15 thg 10, 2019

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’Tiêng

Theo Địa chí Bình Phước, thổ cẩm là một loại hàng vải dệt thủ công, có nhiều họa tiết được bố trí xen kẽ, nổi lên trên bề mặt vải giống như thêu. Những hoa văn này đem lại cho tấm vải sự tương phản về đường nét, màu sắc. Ở Bình Phước, ngoài các dân tộc tại chỗ như: S’Tiêng, Mnông, Khmer, còn có một số dân tộc khác như: Tày, Nùng, Mường, Thái... khi di cư đến, họ cũng mang theo nghề dệt thổ cẩm với những nét độc đáo riêng. 

Hiện nay, phần lớn phụ nữ S’Tiêng không còn biết dệt thổ cẩm như trước đây. 

Đối với đồng bào dân tộc S’Tiêng, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ. Các thiếu nữ S’Tiêng tuổi từ 13 đến 15 được bà, mẹ, cô, dì trong nhà truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Bằng đôi tay khéo léo, sự cần cù, óc sáng tạo; bằng các nguyên vật liệu sẵn có từ rừng, phụ nữ S’Tiêng đã dệt nên những sản phẩm tinh xảo, có hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ vừa mang tính dân gian, vừa mang tính hiện đại của cuộc sống.

Cũng theo Địa chí Bình Phước, để dệt một tấm vải thổ cẩm, người S’Tiêng phải trải qua nhiều công đoạn theo nhiều quy trình phức tạp. Màu sắc để nhuộm sợi vải chủ yếu sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên như: Lá, vỏ cây rừng. Nếu muốn có màu đen thì phải dùng vỏ cây lộc vừng, lá hai bia, lá trâm bầu... ngâm trong bùn non 7 ngày đêm; còn muốn có màu đỏ phải dùng vỏ cây cánh kiến hay muốn có màu xanh thì chọn lá, vỏ cây chàm... Sợi vải sau khi nhuộm được phơi khô, dùng bàn chải chải dọc theo cuộn sợi để gỡ các vụn màu, vỏ cây. 
Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’Tiêng là một việc làm cần thiết, không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người thợ thủ công trong những lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mà còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của đồng bào dân tộc S’Tiêng. Đây cũng là trăn trở, mong ước của các nhà quản lý, các nghệ nhân - những người muốn bảo lưu một nghề truyền thống đang dần bị mai một.

Đến khâu dệt, phải sử dụng khung dệt thủ công kết hợp với nhiều chi tiết dụng cụ đi kèm để cuộn các cuộn vải đang dệt, xiết chặt các sợi dệt mới đan, lựa sợi đan hoa văn... Để tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, có óc thẩm mỹ, cùng sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Người dệt thổ cẩm được xem như những họa sĩ.

Hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm của người S’Tiêng chủ yếu là các hình tượng truyền thống như các hình khối, người, chim thú, cây cối, hoa lá và nhiều hoa văn họa tiết khác được thể hiện trong từng ô vuông nhỏ, cân đối. Hoa văn tỉ mỉ và cách phối màu tạo nét hoang sơ, huyền bí. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được bổ sung cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và thị hiếu của người tiêu dùng.

Từ bàn tay khéo léo của người dệt, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc đẹp, hoa văn tinh xảo. Các sản phẩm dệt truyền thống là trang phục, tấm chăn, túi nệm, khăn choàng, khăn trải bàn, túi xách... Hiện nay, đồng bào S’Tiêng không còn trồng bông để lấy sợi, không tìm được đủ các lá, vỏ cây rừng để nhuộm màu sắc cho thổ cẩm như ngày trước nữa. Họ chuyển sang mua len, chỉ công nghiệp với nhiều màu sắc khác nhau để thay thế. Nếu làm theo cách truyền thống thì tốn rất nhiều công sức và chi phí. Vì vậy, tấm thổ cẩm có giá rất cao, giá bán nhiều khi không đủ bù đắp công sức và chi phí đầu vào.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’Tiêng hiện chỉ dừng lại ở dạng sản xuất nhỏ, manh mún. Phần lớn phụ nữ S’Tiêng không còn biết dệt thổ cẩm như trước đây, hiện nghề này còn tồn tại chủ yếu ở các huyện Bù Gia Mập với xã Đắk Ơ, Đa Kia, Bù Gia Mập...; huyện Bù Đăng với xã Bom Bo, Thọ Sơn, Thống Nhất…; huyện Hớn Quản với xã Quang Minh, Thanh An... Theo các nghệ nhân, việc duy trì nghề này chủ yếu để gìn giữ, bảo tồn truyền thống để truyền lại cho con cháu mai sau bản sắc văn hóa của dân tộc, nét đẹp văn hóa của đời sống cộng đồng, giúp thế hệ trẻ nhớ đến thế hệ đi trước, tới nguồn gốc văn hóa của dân tộc mình.

Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét