16 thg 6, 2019

Gìn giữ gian nhà xưa

Nằm trầm mặc trong một con hẻm của thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), căn nhà hơn 150 tuổi của vợ chồng ông Phạm Văn Thọ vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ xưa. Ông Thọ xem đây như một “báu vật” cha ông để lại.

Gian nhà vô giá 


Căn nhà gỗ của ông Thọ đã nhuốm màu thời gian, nằm bình yên, im lìm sau những gốc mai, tùng và bồ đề cổ thụ. Đưa chúng tôi tham quan một vòng căn nhà, ông Thọ cho hay: Căn nhà này được xây dựng từ thời ông nội tôi. Hồi đó làm nhà chưa có máy móc, nên từ khi tiến hành đến lúc hoàn thành phải mất một năm ròng rã. Đến bây giờ, tất cả các hoa văn, họa tiết và kết cấu ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn.

Ngôi nhà cổ của ông Thọ đã hơn 150 tuổi. 


Thời trước vì chưa có xi măng, bê tông, nên khi xây vách người ta thường dùng tre đan thành tấm lớn rồi lấy đất sét trộn nhuyễn với rơm khô đắp lên. Sau nhiều năm, với tác động của thời tiết, chiến tranh, nên vách đất hư hỏng dần. Mãi đến sau này ông Thọ mới sửa sang lại thành vách xi măng, để ngôi nhà được kiên cố hơn. Tính đến thời điểm này, căn nhà đã có năm thế hệ sinh sống.

Dù trải qua bao thăng trầm, chịu đựng những khắc nghiệt của thời tiết, nhưng đến nay căn nhà cơ bản còn nguyên vẹn. Ngôi nhà có diện tích gần 100
m2, được thiết kế kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. Ðặc biệt có 24 cây cột chính được làm bằng gỗ mít, gỗ lim, theo thời gian nay đã chuyển sang màu nâu; còn hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo. Dường như những người thợ mộc ngày xưa không chỉ kỳ công chạm trổ, mà còn dồn cả tâm huyết làm cho các họa tiết trở nên có hồn, tạo sự sống động cho căn nhà cổ. “Với gia đình tôi, căn nhà này là báu vật vô giá”, ông Thọ quả quyết khi dẫn chúng tôi ngắm căn nhà đã nhuốm màu rêu phong.

Giữ cho thế hệ sau

Ở tổ dân phố 2 của thị trấn Mộ Đức chỉ có duy nhất căn nhà ông Thọ là nhà gỗ và lâu đời như vậy. Hàng xóm láng giềng hay bạn hữu gần xa vẫn hay đến chơi và chiêm ngưỡng.

Đặc trưng của nhà gỗ là giữ nhiệt, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm cúng. Chính vì thế, lớp con cháu của ông Thọ vẫn muốn ở ngôi nhà này, dù họ có điều kiện kinh tế khá giả hơn. “Ngó vậy chứ căn nhà hiện đại ngày nay chưa chắc sánh bằng, mùa đông lạnh giá thế, nhưng ở trong nhà thấy ấm áp vô cùng; còn mùa hè nắng đổ lửa, ngột ngạt vậy mà bước vô trong nhà là thấy mát liền”, ông Thọ khoe.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên hơn là gia đình ông Thọ vẫn giữ được rất nhiều vật dụng thờ cúng tổ tiên, vật dụng dùng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt gia đình như, hòm rương, lồng đèn... Đặc biệt có bộ bàn ghế bằng gỗ được thiết kế theo phong cách xưa được bày biện ngay gian chính của căn nhà. Đây cũng được xem như là một báu vật, nhiều người đã ngỏ lời hỏi mua mà ông Thọ vẫn kiên quyết giữ lại.

“Mấy đứa con tôi cũng rất muốn giữ lại căn nhà và tất cả các vật dụng cổ có trong nhà. Chúng muốn thế hệ tiếp theo được ở trong ngôi nhà mà đời ông cố chúng để lại. Căn nhà không chỉ là nơi ở, sinh hoạt bình thường mà nó còn là nơi giữ gìn nét văn hóa truyền thống, là tấm lòng và niềm tự hào với tổ tiên, dòng tộc”, ông Thọ bày tỏ.

Bài, ảnh: HOÀI BIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét